(VTC News) - Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 10 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới dựa trên sản lượng dầu và khí gas tự nhiên mà họ sản xuất mỗi ngày.
1. Saudi Aramco - 12,5 triệu thùng/ngày
Cho tới thời điểm này, Saudi Aramco chính là công ty năng lượng mạnh nhất thế giới với lợi nhuận mỗi ngày lên tới hơn 1 tỷ đôla. Trong bức ảnh trên là siêu dự án mang tên Shaybah trên sa mạc Rub al-Khali với trữ lượng hơn 15 tỷ thùng dầu. Mỏ dầu lớn nhất thuộc sở hữu của Aramco là Ghawar với trữ lượng 5 triệu thùng/ngày.
2. Gazprom - 9,7 triệu thùng/ngày
Tập đoàn Gazprom của Nga là nhà sản xuất khí gas tự nhiên lớn nhất thế giới. Gazprom nắm quyền cung cấp khí gas cho phần lớn khu vực châu Âu với lợi nhuận hơn 40 tỷ đô/năm.
3. National Iranian Oil Co - 6,4 triệu thùng/ngày
Theo quy chế xử phạt quốc tế, Iran buộc phải cắt giảm sản lượng dầu nhưng vẫn giữ vững vị trí là một trong những nhà sản xuất dầu và khí gas lớn nhất thế giới. Một số nguồn tin cho hay Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đổi vàng lấy dầu mỏ Iran. Hiện tại, có đến 40% lượng dầu mỏ của thế giới được chuyên chở qua eo biển Hormuz và Iran đe dọa sẽ đóng cửa eo biển này nếu bị tấn công.
4. ExxonMobil - 5,3 triệu thùng/ngày
Lợi nhuận hàng năm 40 tỷ đô của Exxon có vẻ không hề nhiều nếu bạn biết rằng doanh thu của họ đạt tới 400 tỷ đô. Được biết, tập đoàn này đã đầu tư rất nhiều tiền để triển khai các dự án khổng lồ nhằm tạo sự khác biệt so với các đối thủ khác. Trong bức ảnh trên, CEO Rex Tillerson của Exxon đã gặp gỡ Thủ tướng Nga Vladimir Putin để bàn thảo về kế hoạch hợp tác giữa Exxon với gã khổng lồ Rosneft của Nga. Cuộc gặp gỡ diễn ra vào vào tháng 4 năm 2011.
5. PetroChina - 4,4 triệu thùng/ngày
Tập đoàn này sản xuất lượng dầu còn nhiều hơn cả gã khổng lồ ExxonMobil của Mỹ và một ngày nào đó, chắc chắn sẽ là đối thủ đáng gờm của Gazprom trong lĩnh vực cung cấp khí gas.
6. B.P - 4,1 triệu thùng/ngày
Bob Dudley đang tìm mọi cách để tạo nên sự biến chuyển cho tập đoàn từng rất hùng mạnh được biết tới với tên gọi đầy đủ British Petroleum. Rao bán tài sản, giải quyết các vụ kiện tụng và hứa hẹn nhiều thay đổi. Tuy nhiên, BP có thể không duy trì được sản lượng 4,1 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian dài. Tập đoàn này đang trong giai đoạn thương lượng để bán 50% cổ phần cho TNK-BP - nơi chịu trách nhiệm cung cấp 1/4 sản lượng của cả BP.
7. Royal Dutch Shell - 3,9 triệu thùng/ngày
Shell hi vọng mùa hè năm nay họ có thể bắt đầu khai thác dầu tại Biển Chuckchi của Alaska. Suốt nhiều năm nay, kể từ khi thuê lại những vị trí khai thác dầu ngoài khơi từ chính phủ liên bang, Shell đã đầu tư rất nhiều cho kế hoạch khoan dầu và chuẩn bị cho giàn khoan nổi Kulluk (ảnh trên).
8. Pemex - 3,6 triệu thùng/ngày
Sản lượng ở mỏ dầu lớn nhất Mexico, Cantarell (trong ảnh) đã lao dốc thê thảm từ chỗ 2 triệu thùng/ngày xuống còn 600.000 thùng/ngày. Tập đoàn khai thác dầu khí do nhà nước sở hữu Pemex đang nỗ lực cải thiện con số trên bằng cách triển khai hoạt động tại các mỏ dầu khác. Tổng thống Mexico, Enrique Pena Nieto cũng tuyên bố, tái cơ cấu Pemex nhằm thu hút đầu tư nước ngoài sẽ là vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong nhiệm kỳ của ông.
9. Chevron - 3,5 triệu thùng/ngày
Chevron đã mua lại Atlas Petroleum năm 2010 với giá 4,3 tỷ đô nhằm tăng cường diện tích khai thác ở Marcellus và Utica. Trước tình hình giá gas thấp như hiện nay, nhiều người đang kỳ vọng vào một thương vụ lớn hơn sẽ diễn ra.
10. Kuwait Petroleum Corp - 3,2 triệu thùng/ngày
Công ty dầu Kuwait được thành lập năm 1934 bởi liên minh mà bây giờ chính là Chevron và BP. Năm 1975, công ty đã được quốc doanh hóa. Hiện tại, mỏ dầu lớn nhất của Kuwaitt, Burgan, vẫn tiếp tục được Chevron điều hành.
Khánh Huyền
Bình luận