Chúng ta biết những câu mà một người lãnh đạo tốt hay nói. Họ nói "Giỏi lắm !" , "Nếu gặp trở ngại gì trong công việc, cứ nói với tôi để tìm cách xử lý", "Anh đang làm việc quá sức đấy, cuối tuần hãy về sớm và đi đâu thư giãn đi". Vậy những người lãnh đạo tồi hay nói gì? Một số trắc nghiệm và thống kê cho phép đúc rút ra một số câu cửa miệng của những người lãnh đạo yếu kém.
Những người sếp tồi thì không nói như vậy. Những lời nói khuyến khích, giúp đỡ hay tin cậy không có trong từ điển của họ.
Họ nói những điều hoàn toàn khác. Để thư giãn một chút, chúng tôi tập hợp sau đây 10 câu nói "kinh khủng" và "kinh điển" nhất của những vị sếp tồi. Thử xem có vị nào trong cơ quan bạn hay nói câu này ? Hay bạn có hay phải nghe những thứ tương tự ở nơi làm việc của mình không?
Nếu anh (cô) không muốn làm việc này, tôi sẽ tìm người khác thay thế ngay
Nhà lãnh đạo tốt hiểu rõ rằng ý nghĩa mối quan hệ giữa người chủ và người làm thuê không phải là việc người chủ trả một khoản tiền và người nhân viên phải đổ mồ hôi hoặc trí tuệ đúng bằng số tiền họ được trả. Đó chỉ là phần nhỏ trong mối quan hệ chuyên nghiệp.
Nhà lãnh đạo hiểu rằng để tìm và giữ được những nhân viên xuất sắc, cần dẹp mối quan hệ mua - bán sang một bên và để cho mọi người được làm chủ công việc của mình. Người nhân viên cần có một phạm vi nhất định và được biết rằng đóng góp của họ có giá trị ra sao trong thành quả chung. Trong khi đó, những ông sếp tồi luôn nhắc đi nhắc lại "Tôi trả tiền cho anh, nên anh phải làm việc cho tôi".
Tôi không trả lương để anh nghĩ
Đó là câu mà người sếp kém cỏi hay nói khi một nhân viên đưa ra một ý tưởng mà ông ta không thích. Có thể ý tưởng này đe doạ đến quyền lực hoặc quá tầm hiểu biết của người sếp.
Dù sao thì "Tôi không trả lương để anh nghĩ" cũng là tuyên ngôn của những người không biết quản lý. Hoặc một câu khác là "Làm theo những gì tôi bảo đi, không bàn cãi". Cuộc sống quá ngắn ngủi để có thể phí phạm thời gian làm việc với những người phát ngôn như vậy.
Anh không được phép vào YM, Facebook, Ebay... trong giờ làm việc
Những ngưòi sếp sáng suốt biết rằng không thể quản lý theo kiểu bấm giờ làm việc cho những người lao động trí thức, hay còn gọi là "công nhân cổ trắng". Người lao động trí thức sống, ngủ, và ăn cùng với công việc. Hộp thư điện tử của họ luôn đầy ắp thư từ cần xử lý bất kể thời gian. Công việc không có thời điểm, hay kế hoạch kết thúc. Họ làm việc cùng nhau cả ngày ở nơi làm việc và sau đó về nhà, sống cuộc sống của riêng mình trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại. Vì thế nếu họ cần một chút thư giãn, refresh trong giờ làm việc, họ có thể lướt qua những trang web họ thích mà không phải sợ sếp phạt. Chúng ta không phải là những người máy.
Tôi sẽ xem xét và quyết định sau
Chúng ta thường nghe câu này trong công việc, trong kinh doanh và theo cái cách mà người nói muốn bày tỏ rằng họ mới là người quyết định, người xuất sắc nhất. "Tôi sẽ cân nhắc việc này sau" có thể hiểu là "Biến đi, đừng có nhắc lại việc này nữa nếu tôi không hỏi đến", "Tôi không định làm theo những gì anh nói, tôi muốn anh hiểu rằng tôi đánh giá thấp quan điểm của anh"
Ai cho phép anh làm điều đó ?
Người bạn tôi làm việc trong một công ty công nghệ lớn. Một lần anh ta và cả nhóm quyết định họp tại văn phòng trước khi ra sân bay đi công tác. Họ hẹn nhau lúc 6h sáng tại phòng họp để nói về kế hoạch cho chuyến đi. Đột nhiên một vị quản lý mở tung cửa bước vào và hỏi "Ai là người tổ chức họp? Chỉ có cấp bậc quản lý mới được phép yêu cầu họp". Bạn tôi đã bỏ việc vài tháng sau đó. Những người bị ám ảnh quá mức về chức vụ, cấp bậc, quyền hạn như vị sếp nói trên là những người mà bạn nên tránh xa, đặc biệt là khi họ có quyền ảnh hưởng để cuộc sống và sự nghiệp của bạn.
Bỏ mọi việc khác lại và làm ngay việc này cho tôi!
Nhà quản lý nào cũng có những trường hợp khẩn cấp, đột xuất và buộc phải lùi mọi việc khác lại. Tuy nhiên, những vị sếp tốt sẽ cố gắng hạn chế tối đa và để dành nó chỉ cho những trường hợp cực kỳ khẩn cấp. Trong khi đó, những nhà quản lý kém thì yêu cầu mỗi ngày, nhiều khi họ không nhớ hàng chục việc ưu tiên khẩn cấp khác mà họ đã yêu cầu nhân viên bỏ lại. Nếu sếp bạn có thói quen này thì có một câu trả lời thích hợp là "Vâng, tất nhiên tôi sẽ làm ngay. Và như thế thì các dự án khác sẽ đến tuần sau, phải không thưa ngài?"
Đừng trình bày rắc rối với tôi, hãy đề xuất giải pháp
Đề tài cũ rích này đã được nói đến cả chục năm nay khi người ta bắt đầu nói về nghệ thuật lãnh đạo và nhận thấy rằng, các nhân viên có thể giải quyết những rắc rối hàng ngày trong chốc lát và tại hiện trường, thay vì vào phòng sếp và đề nghị giúp đỡ. Điều này là đúng, nhưng có quá nhiều vị quản lý đã giải thích lại câu nói này theo cách khác. Đó là "Đừng có phàn nàn nữa, hãy im lặng mà tự giải quyết đi". Trên thực tế, việc kinh doanh đang ngày càng phức tạp và có quy mô ngày càng lớn. Các nhân viên thường không có đủ những thông tin họ cần đề giải quyết vướng mắc. Những vị sếp hay nói "Đề xuất giải pháp đi", thì thực ra ý họ là "Đừng nói với tôi những thứ tôi không muốn nghe". Làm việc với những người như vậy sẽ rút ngắn tuổi thọ của bạn.
Tôi có vài lời nhận xét về cậu... và tất cả mọi người ở đây đều nghĩ thế
Sếp tốt luôn có bằng chứng và chịu trách nhiệm về những lời nhận xét của mình, họ thường nhấn mạnh và tập trung vào những ưu điểm để nâng cao tinh thần làm việc. Sếp tồi thì không, họ không thích khen mà luôn sẵn sàng chê. Điều tệ hơn nữa là họ thường thêm vào vài từ kiểu như "Họ nói rằng..." , "Mọi người ở văn phòng đều thấy...". Sớm muộn, điều này khiến bạn cảm thấy chẳng còn tin ai quanh mình và tất cả mọi người đều ghét mình, tất nhiên cho đến khi có một đồng nghiệp kể rằng sếp cũng nói y như vậy với họ.
Anh đã rất may mắn có công việc này
Điều hài hước nhất về một người quản lý hay nói là "Anh thật may mắn khi có công việc này" chính là việc họ không bao giờ cảm thấy rằng họ may mắn có được vị trí mà họ đang làm, chỉ có những người khác là may mắn mà thôi. Câu nói này thực ra là một lời xúc phạm, nhưng tệ hơn, đó chính là một tuyên bố về thất bại của nhà quản lý. Những người này đã không khai thác được tiềm năng của những người khác, và của chính họ. Nếu sếp của bạn có sở thích buông ra những lời bình luận chê bai như vậy, hãy nhớ rằng có nhiều vị sếp khác sẽ thấy hài lòng nếu có thêm những nhân viên như bạn.
Hoàng Yến/VnMedia
Bình luận