Ngoài việc giải trình các vấn đề nóng được đại biểu Quốc hội nêu lên tại nghị trường, 10 Bộ trưởng, Trưởng ngành cũng đưa ra những kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ nhằm khắc phục tồn tại của từng ngành, từng lĩnh vực trong thời gian tới.
18.000 ha đất bỏ hoang từ dự án treo
Giải trình các kiến nghị của đại biểu Quốc hội sáng 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận còn nhiều tồn tại, yếu kém trong quản lý đất đai hiện nay.
“Lãng phí đất đai do các dự án chậm tiến độ, dự án treo. Trước đây có 28.155 ha bỏ hoang, đã giải quyết được hơn 10.000 ha, còn lại 18.000 ha”, Bộ trưởng Hà nói.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: Chậm giải phóng mặt bằng, quy hoạch thay đổi; các nhà đầu tư được lựa chọn kém năng lực; quá trình xử lý các vấn đề pháp luật đất đai có khoảng chồng chéo, vi phạm pháp luật có kết luận thanh tra hoặc toà án...
Để tránh lợi ích nhóm, lợi dụng chính sách đất đai, Luật Đất đai sửa đổi tới đây sẽ tập trung cụ thể vào công cụ quy hoạch, định giá, các dự án sẽ đấu thầu đấu giá để đảm bảo minh bạch.
“Lần này sẽ thay đổi cơ bản định giá trên cơ sở dữ liệu đất đai về giá đất, quy định hợp đồng, qua sàn giao dịch, đăng ký với người dân... Để có phương pháp định giá mới, phải thay đổi ngay trong luật”, ông Hà nói.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Những quyết sách chưa từng có trong tiền lệ
Cũng trong sáng 28/10, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình về một số thách thức còn tồn đọng như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo lao động chất lượng cao.
Bộ trưởng Dung cho biết, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội ban hành nhiều chính sách mới nhanh, thủ tục hồ sơ đơn giản, quyết liệt triển khai hiệu quả. Đến nay, Nhà nước hỗ trợ 87.000 tỷ đồng cho trên 56 triệu lao động và 730.000 nghìn người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
“Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Chính những chính sách này góp phần quan trọng ổn định lòng dân, thu hút người lao động quay lại làm việc, góp phần quan trọng vào phục hồi kinh tế ngày hôm nay”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cả nước hiện nay vẫn còn 2,4 triệu hộ nghèo và cận nghèo, chiếm trên 9% số hộ gia đình ở Việt Nam. Kết quả giảm nghèo năm 2022 tuy đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn ở mức thấp, "thấp nhất trong những năm qua".
Bệnh viện trở thành con nợ
Chiều 27/10, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Y tế giải trình 3 vấn đề do các đại biểu Quốc hội đặt ra gồm: Tình trạng nợ đọng và chậm thanh toán bảo hiểm y tế, thiếu hụt nhân lực y tế và thiếu vật tư y tế.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đau lòng khi nhắc đến tình trạng công bị nợ đọng và chậm thanh toán bảo hiểm y tế ở nhiều bệnh viện hiện nay. Theo bà, nguyên nhân là sự vướng mắc do Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 146 có những quy định chưa thống nhất.
“Những năm gần đây, các bệnh viện, cơ sở y tế bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều cơ sở y tế thực sự trở thành con nợ. Do các chi phí khám chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán nên việc triển khai khám chữa bệnh khó khăn, việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc gặp khó vì nợ các nhà thầu chưa thanh toán được”, bà Lan nói.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.
Gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc
Giải trình về việc gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chỉ ra rằng, làn sóng người lao động chuyển từ khu vực công sang tư là vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam.
Bà chỉ ra 5 nguyên nhân chính. Đầu tiên là tiền lương, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức thấp. Hai là áp lực công việc ngày càng cao, nhất là viên chức y tế làm việc trong bối cảnh khó khăn, nguy hiểm của đại dịch COVID-19.
Một số nguyên nhân khác gồm: Nhiều cơ quan chưa quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, chưa tạo động lực tư tưởng để họ làm việc tích cực, trách nhiệm, cống hiến cho sự nghiệp nơi công tác; sức khỏe không đảm bảo, mong muốn thay đổi của cá nhân, môi trường rủi ro, một bộ phận tự diễn biến tự chuyển hóa, vi phạm pháp luật...
Để chấm dứt tình trạng trên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, cần tăng lương, cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch bố trí cán bộ công chức, viên chức cũng cần đổi mới, đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ, chất lượng, hiệu quả và sớm xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng người tài.
Đề nghị giao toàn bộ việc quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương
Trong hai ngày 27 và 28/10, vấn đề thiếu xăng dầu được 11 đại biểu nêu ý kiến. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, trong 9 tháng đầu năm nay, tính cả sản xuất và nhập khẩu, các doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu khoảng 19,2 triệu tấn.
Về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, cần tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành, chủ động trong nguồn cung và hệ thống đầu mối phân phối, bán lẻ, chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết khó khăn, qua đó đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất, phục vụ sản xuất kinh doanh.
"Sắp tới, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ giao toàn bộ phần xăng dầu cho Bộ Công Thương, kể cả quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo nguồn cung chủ động", Bộ trưởng Tài chính đề nghị.
Gỡ khó về cung ứng xăng dầu
Cũng liên quan tới vấn đề xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình về tình hình cung ứng. Ông nhấn mạnh, xăng dầu là vật tư chiến lược, có ý nghĩa sống còn của mọi nền kinh tế, vấn đề khủng hoảng năng lượng đã, đang và sẽ ngày càng trở nên trầm trọng trong phạm vi toàn cầu.
Bộ trưởng nêu lên thực trạng thời gian gần đây một số địa phương, trong đó có TP.HCM xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống phân phối, thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ, đây là điều rất đáng tiếc và bất thường.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Về việc khắc phục, Bộ trưởng Diên cho biết cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ của mình để kịp thời chi viện, ứng cứu trong điều hành; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò quan trọng của mình trong cung ứng cho xã hội cho mặt hàng đặc biệt này.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp.
Thị trường ngoại hối bất ổn
Phát biểu giải trình về vấn đề chính sách tiền tệ trong phiên thảo luận chiều 28/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm, thị trường tiền tệ, ngoại hối được duy trì ổn định, thanh khoản ngân hàng có dư thừa.
Tuy nhiên, trong tháng 10, tỷ giá ngoại tệ tăng cao, thị trường ngoại hối bất ổn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải thích: "Thị trường tiền tệ và ngoại hối biến động mạnh chủ yếu do tác động của tâm lý kỳ vọng. Thị trường có những thông tin không đúng sự thật, tác động rất mạnh đến tổ chức tín dụng".
Để ứng phó với tình hình, Ngân hàng Nhà nước chủ động, linh hoạt đánh giá, xác định trọng tâm, trọng điểm trong thời gian này là ổn định hoạt động của hệ thống ngân hàng, sẵn sàng cung ứng thanh khoản. Đối với thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước chủ động linh hoạt, cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn, tăng lãi suất để kiểm soát được tỷ giá.
Bên cạnh đó, việc xác minh và xử lý nghiêm những người đưa tin sai sự thật cũng góp phần giữ cho thị trường tài chính, tiền tệ bớt biến động.
Đề nghị tăng gấp đôi phụ cấp cho giáo viên mầm non
Chiều 27/10, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết để giải quyết được vấn đề giáo viên nghỉ việc, Chính phủ đang nghiên cứu tăng lương cơ sở cho toàn bộ công chức, viên chức. Điều này nhằm động viên thầy cô giáo gắn bó với nghề.
"Theo thống kê, số giáo viên bỏ việc nhiều nhất là ở cấp mầm non, chiếm 40%. Do đó Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị và hết sức mong muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70% hoặc tương đương phụ cấp của cán bộ y tế cấp cơ sở", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề xuất.
Bộ trưởng GD&ĐT cũng mong ngành Nội vụ cùng phối hợp đẩy nhanh việc tuyển, tập trung vào hai năm 2023, 2024, bởi nhu cầu tìm giáo viên cho hai năm tới sẽ rất lớn; nếu để quá lâu sẽ ảnh hưởng tới tiến trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị xem xét lại việc giảm 10% biên chế ở các địa phương, không nên áp dụng máy móc cho ngành Giáo dục, cần linh hoạt, minh bạch, tránh tiêu cực trong việc tuyển và giảm số người dạy.
Giải ngân vốn đầu tư công
Giải trình các vấn đề đại biểu nêu chiều 28/10, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định năm 2022 là năm hết sức đặc biệt. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của năm được xây dựng trong bối cảnh nhiều vấn đề thế giới và trong nước chưa lường hết được.
Về tiến độ chậm giải ngân vốn đầu tư công được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh, Bộ trưởng khẳng định đây là nội dung quan trọng, then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi, phát triển kinh tế và được các đại biểu và cử tri cả nước quan tâm. Kết quả tuy có thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm nhưng giá trị tuyệt đối lại cao hơn 40.000 tỷ đồng, tức là tăng 16%.
Bộ trưởng đề nghị nâng cao vai trò của Hội đồng Nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng kiến nghị nghiên cứu sửa ngay trong Luật Đất đai theo hướng cho thực hiện một số hành động trước như kiểm đếm, đo đạc, khảo sát khi đã có quy hoạch và có chủ trương đầu tư, như vậy sẽ giảm được 6 đến 8 tháng về tiến độ triển khai.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Quan tâm hơn đến dân tộc thiểu số
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình nhiều thắc mắc của đại biểu Quốc hội liên quan việc thực hện chính sách về đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Ông thừa nhận tình trạng chậm giải ngân đầu tư công của chương trình trên, nguyên nhân do nhiều đối tượng, nhiều dự án cũng nhỏ lẻ, manh mún, chương trình có nhiều dự án, nhiều ngành quản lý với địa bàn rộng, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở các điểm còn hạn chế...
Ông Lềnh đề xuất sửa đổi bổ sung các chính sách theo hướng mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian với các đối tượng không còn nằm ở địa bàn đặc biệt khó khăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị Quốc hội và các đại biểu tiếp tục quan tâm, chia sẻ, tăng cường giám sát đối với Chính phủ, các bộ, ngành địa phương để Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi triển khai có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Bình luận