(VTC News) - Những gì được chứng kiến ở một vùng quê bình yên rộ lên nuôi chồn nhung vì lợi nhuận được hứa hẹn rất lớn khiến chúng tôi không khỏi giật mình.
Lãi khủng nếu... đúng như nói
Thấy PV đến tìm hiểu thông tin, ông Lê Văn Nghĩa - Chủ tịch hội nông dân xã Quỳnh Bá, đồng thời cũng là một trong những hộ gia đình đang tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen định từ chối trao đổi. Ông bức xúc cho rằng, những ngày qua có một số người "ghen ăn tức ở" tung tin thiếu trung thực, gây hoang mang cho chính những nhà chăn nuôi.
Phải thuyết phục một lúc ông Nghĩa mới trấn tĩnh lại và tiếp chuyện chúng tôi với tinh thần thoải mái hơn.
Ông Nghĩa cho biết: Đầu tháng 6/2012, ông mua 20 cặp chồn nhung đen từ mô hình chăn nuôi Đoàn Việt Châu có trụ sở tại xóm mỏ, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, chi phí hết 80 triệu tiền giống và 10 triệu tiền chuồng trại. Hiện ông mới trả trước cho nhà cung ứng giống 40 triệu đồng.
Chồn nhung đen được nuôi ở nhà ông Nghĩa
Sở dĩ thu hoạch lứa đầu chưa được như mong muốn do mất 7 con chồn mẹ bị “tịt”, có con bị sẩy. Một phần do địa điểm nuôi của ông nằm sát bên đường, nơi có nhiều xe cộ qua lại gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của chúng.
Ông Nghĩa khoe nhà cung cấp con giống thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn kỹ thuật để những nhà nuôi chồn nâng cao nghiệp vụ chăm sóc.
Ông Nghĩa tỏ ra tin tưởng, nếu phát triển tốt, một con chồn mẹ mỗi năm sinh sản 4 lứa, mỗi lứa trung bình được 3 con. Như vậy 20 con chồn mẹ mỗi năm sẽ cho ra 240 con, 2 năm 480 con, người nông dân rất có lợi nếu tham gia mô hình. Mô hình này nên khuyến khích như mô hình “lục lạc vàng” vẫn thường phát trên truyền hình vì nó mạng lại lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Lồng nuôi thiết kế đơn giản bởi những lồng sắt nhỏ, thức ăn chính là cám và cỏ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài gia đình ông Nghĩa còn có 4 hộ khác trên địa bàn cũng đang tham gia nuôi chồn nhung đen do ông Đoàn Việt Châu cung cấp. Ban đầu, mỗi hộ đều mua 20 cặp với giá 80 triệu đồng, phía cung ứng giống cho trả trước 40 triệu, số tiền còn lại sẽ trừ dần vào giống thu mua.
Hiện chưa hộ gia đình nào hoàn được lại vốn nhưng có hộ thấy chồn sinh sản nhanh nên tranh thủ nhân rộng mô hình lên 50 cặp, như trường hợp gia đình anh Phan Văn Toàn xóm 8.
Ngoài ra, một số hộ dân ở những địa bàn khác nghe thấy những mô hình "điểm" ở xã Quỳnh Bá dễ sinh lời đang tìm hiểu để triển khai theo. Rồi một ngày không xa, số đàn chồn nhung đen cung ứng từ ông Đoàn Việt Châu sẽ được nhà nhà triển khai.
Hợp đồng mập mờ
Tuy nhiên, căn cứ vào bản hợp đồng ký kết, giữa người chăn nuôi chồn nhung đen do ông Lê Văn Nghĩa ký (bên B) và mô hình chăn nuôi chồn nhung đen Đoàn Việt Châu (bên A) ký, chúng tôi nhận thấy, bên A (tức ông Đoàn Việt Châu -PV) ký là với tư cách cá nhân chứ không có con dấu công ty.
Ngoài ra, bản sao giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh trưởng/nuôi sinh sản động vật hoang dã thông thường của ông Đoàn Việt Châu có một số điểm chưa hợp lý.
Cụ thể, giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh trưởng/nuôi sinh sản động vật hoang dã của ông Đoàn Việt Châu được Chi cục kiểm lâm tỉnh Hòa bình chứng nhận vào ngày 12/07/2012, có giá trị đến ngày 12/07/2017.
Giấy này đồng ý cho ông Đoàn Việt Châu có đủ điều kiện gây nuôi sinh sản, sinh trưởng loài động vật hoang dã thông thường gồm 2 con nhím (tên khoa học Histricilac) và 40 con chồn nhung đen (tên khoa học Cavia porcellus). Cả hai loài này có nguồn gốc từ tỉnh Thái Nguyên.
Bản sao giấy chứng nhận đăng ký chăn nuôi do Chi cục kiểm lâm tỉnh Hòa Bình cấp cho ông Đoàn Việt Châu - Tư liệu do gia đình ông Nghĩa cung cấp
Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất đối với người chăn nuôi là đầu ra, nhưng ở điều 2.2.10 về quyền và nghĩa vụ của bên A được in rất đậm, ghi rõ: “Duy trì việc cung cấp chồn giống sinh sản và thu mua chồn con của mô hình cho người chăn nuôi lâu dài, kịp thời và ổn định”.
Lâu dài ở đây là bao lâu? Đặt giả thiết, với những điều lập lờ thế này, khi mô hình được nhân rộng ra khắp các địa phương, nhà nhà nuôi chồn nhung đen khi đó nhà cung cấp giống ngừng thu mua thì người chăn nuôi sẽ tiêu thụ như thế nào trong khi chồn "trôi nổi" bên ngoài bán chỉ với giá hơn 100.000đồng/con. Lúc đó người dân chịu thiệt thòi và không biết kêu ai, còn đầu mối tiền bỏ túi chắc nịch.
Mặt khác, người dân bỏ tiền ra để mua 4 triệu đồng/cặp chồn nhưng chính người dân lại bị bó buộc bởi nhiều điều khoản, như bên B không được tự ý nhân đàn - nhân giống, không đưa chồn ra bên ngoài; khi chồn đẻ cũng phải báo, chồn chết cũng phải điện báo nếu không là phá vỡ nguyên tắc, chồn con họ sẽ không thu mua.
Không những thế, bản hợp đồng này còn bị tẩy xóa người đại diện bên B và ngày tháng ký hợp đồng. Ngay cả ngày tháng ký hợp đồng cũng không thống nhất một ngày cụ thể, khi thì 6/8/2012, lúc 30/05/2012. Bản hợp đồng này nếu đưa ra pháp luật thì thiệt thòi chắc chắn sẽ nằm về phía người nông dân.
Hồng Thắng
Bình luận