VTC News mở diễn đàn "1.001 chuyện thất nghiệp thời COVID-19" để ghi lại những câu chuyện có thật của người lao động Việt Nam trong suốt gần 2 năm qua, khi đại dịch càn quét.
Thất nghiệp liên miên gần 2 năm trời do dịch COVID-19, anh Lê Văn Đức - một hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội - cảm thấy kiệt quệ, chán nản và đang có ý định bỏ phố về quê chăn nuôi bò.
“2 năm nay, dịch bệnh hoành hành, không có việc làm, tôi oải lắm rồi, không biết còn trụ được ở Hà Nội bao lâu nữa”, anh Đức tâm sự.
2 năm dịch bệnh cuốn trôi mọi tích lũy
Ánh mắt buồn rầu, anh Đức cho biết, 2 năm nay thất nghiệp, tâm lý anh lúc nào cũng nặng nề, nhiều lúc căng thẳng quá, không kiềm chế được cảm xúc nên trút cả bực dọc lên người thân. Ngày nào anh cũng lo lắng, chìm vào suy tư, thậm chí sốc nặng do khoản tiền tiết kiệm ngày càng vơi đi, không đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình.
Anh Lê Văn Đức (32 tuổi) vốn là hướng dẫn viên cho khách nước ngoài với thu nhập khá ổn. Tốt nghiệp Đại học Mở Hà Nội với khả năng tiếng Anh khá tốt nên ngay sau khi ra trường, anh Đức đã được nhận vào làm hướng dẫn viên tiếng Anh cho 1 công ty du lịch lớn ở Hà Nội.
Thời điểm năm 2014, 2015, thị trường du lịch cho khách nước ngoài đang phát triển mạnh, mức thu nhập của anh Đức được coi là niềm mơ ước của nhiều người.
“Lĩnh vực du lịch của tôi tuy thu nhập không cố định do tính theo ngày công nhưng những tháng đi làm đủ 30 ngày, thu nhập có thể lên tới 30 - 40 triệu đồng”, anh Đức nói.
Khi thị trường du lịch phát triển, anh Đức gần như bận rộn cả năm, chỉ có khoảng 2 tháng (tháng 4, 5) là khoảng thời gian nhàn rỗi. Còn lại cả năm gần như đi làm kín lịch. Ngay cả dịp Tết, anh cũng chỉ được nghỉ luân phiên 1 - 2 ngày. "Càng ngày nghỉ, khách đi du lịch càng đông. Hơn nữa, khách nước ngoài không ăn Tết như người Việt mình nên tôi hầu như ít có thời gian nghỉ trong những dịp lễ Tết", anh Đức bồi hồi kể lại.
Cũng chính vì lịch làm việc dày đặc nên theo anh Đức, mỗi năm trừ các khoản chi tiêu, anh có thể để ra được từ 100 - 150 triệu đồng.
Cuối năm 2019, anh quyết định dồn tiền tiết kiệm để mua 3 chiếc ô tô để chở khách du lịch. Mỗi xe này anh góp cổ phần với công ty anh đang làm theo tỷ lệ 50:50. Những tháng đầu sau khi mua, 3 chiếc xe cũng đem về lợi nhuận cho anh từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, vừa chạy được 3 tháng thì dịch COVID - 19 ập đến, cuộc sống của anh Đức và gia đình đảo lộn 180 độ.
Ngành du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất bởi đại dịch. Không có khách, doanh nghiệp lữ hành nơi anh đóng quân chỉ cầm cự được ít tháng rồi gục ngã. Anh Đức từ chỗ phải làm việc cách nhật, luân phiên đến tạm nghỉ việc và cuối cùng là thất nghiệp hoàn toàn. Trong khi đó, 3 chiếc xe cũng nằm đắp chiếu. Vậy là tiền tiết kiệm lần lượt "đội nón ra đi".
Theo anh Đức, 3 chiếc xe anh góp cổ phần mua trị giá tầm 800 triệu đồng. Tuy không phải đi vay nhưng đây là toàn bộ số tiền anh tiết kiệm được sau 7 năm đi làm. Xe không thể sinh lời, trong khi mỗi tháng anh vẫn phải trả tiền chỗ đỗ lên tới gần 4 triệu đồng, chưa tính tiền các phí bảo trì, bảo dưỡng xe.
“Từ ngày có dịch, tôi phải đi vay tiền để sống qua ngày và cầm cự nuôi xe. Bây giờ nếu bán xe, giá cũng rất bèo, chỉ được 300 - 400 triệu là cùng, trong khi xe mới chạy được 3 tháng.
Gần 10 năm làm du lịch, tôi chưa bao giờ nghĩ có lúc như bây giờ. Dịch kéo dài và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Trước kia, thời dịch SARS chỉ kéo dài 3-4 tháng là chấm dứt, nên tôi cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng đợt dịch này kéo dài quá, tôi không thể cầm cự được nữa”, anh Đức chia sẻ.
Hơn 2 năm COVID-19, thu nhập của anh Đức hiện giờ là số 0 tròn trĩnh.
Kiệt quệ, muốn bỏ phố về quê
Thất nghiệp, anh Đức cũng đã cố đi xin việc tại nhiều khách sạn và công ty du lịch nhưng đều bị từ chối vì hiện các đơn vị này cũng đang cắt giảm nhân sự, không có nhu cầu tuyển người.
Anh Đức cũng xin đi làm chạy bàn tại một số cửa hàng ăn nhưng cũng chỉ vừa qua được thử việc vài ngày thì dịch bệnh lại bùng phát, nhà hàng đóng cửa, anh Đức lại không có việc làm.
Anh Đức là lao động chính trong nhà, vì vậy, 2 năm nay, cả gia đình anh rơi vào cảnh vô cùng khó khăn. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho đối tượng hướng dẫn viên du lịch, nhưng thực chất số tiền hỗ trợ không đáng kể và thủ tục khá phức tạp nên đến giờ anh Đức vẫn không nhận được bất cứ khoản tiền hỗ trợ nào.
Để duy trì cuộc sống hơn 2 năm nay, anh Đức cho biết đã vay mượn khắp nơi, số tiền nợ nần cũng lên tới cả trăm triệu đồng.
“Không có tiền thì phải đi vay. Nhưng bạn bè tôi cũng đều làm du lịch, nên hiện giờ ai cũng khó khăn, ai cũng kiệt quệ. Nếu 1-2 tháng nữa dịch không kiểm soát được, không có việc để làm thì tôi chỉ còn cách đưa cả gia đình về quê…chăn nuôi bò để kiếm thêm thu nhập”, anh Đức nói.
Tâm sự về ý định này, anh Đức kể, ở quê anh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) hiện cũng không có khu công nghiệp, nên cũng không thể làm công nhân.
Trước kia ở quê trông cao su lấy mủ, nhưng hiện giá cao su quá rẻ mạt, nên người dân cũng đã phá bỏ hết đồi cao su. Vì vậy, nếu về quê, anh cũng chỉ có thể đi chăn nuôi bò để lấy thịt, lấy sữa bán cho thương lái hoặc làm những việc lặt vặt.
"Dù ở quê thu nhập kém, không có việc ổn định nhưng bù lại chi tiêu rẻ hơn rất nhiều, không tốn kém như trên phố. Hơn nữa, cũng còn nhìn thấy việc đẻ ra tiền, chứ không như ở trên Hà Nội, chỉ thấy tiền ra mà không thấy tiền vào, sốt ruột lắm. Tôi sẽ ở quê cho đến khi COVID-19 dịu hẳn, mọi việc trở lại tương đối ổn định và tôi có thể xin được việc thì mới quay trở lại Hà Nội", anh Đức quả quyết.
Giữa đại dịch COVID-19 kéo dài, bạn có bị thất nghiệp, có gặp những tình huống nào khó xử hay những câu chuyện khó tin, không phải lúc nào cũng xảy ra hay không? Hãy chia sẻ cùng VTC News những câu chuyện, tâm sự của bạn qua diễn đàn "1.001 chuyện thất nghiệp thời COVID-19".
Thông tin xin gửi về Email: [email protected]
Bình luận