Clip: Tàu 016 Quang Trung cùng 36 chiến hạm các nước tham gia lễ duyệt binh trên biển kỷ niệm 323 năm Ngày Truyền thống Hải quân Nga hôm 28/7.
016 Quang Trung là hộ vệ hạm tên lửa thứ tư thuộc lớp Gepard 3.9, do nhà máy đóng tàu Zelenodolsk của Nga chế tạo theo đơn đặt hàng của Hải quân nhân dân Việt Nam. Tàu được biên chế cho Lữ đoàn 162 (đơn vị tàu chiến đấu mặt nước hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân Việt Nam) hồi đầu năm 2018.
Tàu dài 102,4 m, rộng 14,7 m, mớn nước 5,6 m, lượng giãn nước toàn tải 2.200 tấn, tốc độ tối đa 29 hải lý/h (53 km/h), phạm vi hoạt động 7.000 km, thời gian hoạt động liên tục trên biển 20 ngày.
Tàu có khả năng tàng hình, săn tàu ngầm, chống hạm, chống ngầm, chống các loại tàu chiến mặt nước. Giống như các tàu chiến khác thuộc lớp Gepard, 016 Quang Trung được thiết kế để tiêu diệt các tàu nổi, tàu ngầm cũng như các phương tiện tấn công đường không của địch. Tàu cũng đồng thời đảm nhiệm nhiệm vụ tuần tiễu hay hộ tống độc lập hoặc trong các biên đội tàu nhằm bảo vệ các tuyến vận tải biển và vùng đặc quyền kinh tế.
Vũ khí chính của tàu 016 Quang Trung là 8 tên lửa chống hạm 3M24E (Kh-35) với tầm bắn 130km, một pháo hải quân AK-176MA cỡ nòng 76,2 mm, một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Palma, hai pháo phòng thủ cực gần AK-630M.
AK-176MA được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực MR-123-02 cho tầm bắn hiệu quả lên đến 10km với tốc độ bắn có thể đạt là 120 phát/phút, sử dụng đạn 76.2mm. Trong khi AK-630M có tốc độ nhả đạn 5.000 phát/phút với tầm đánh chặn hiệu quả là 5.000m. Riêng tổ hợp pháo-tên lửa Palma đặt ở mũi tàu bao gồm hai pháo AO-18KD/6K30GSh 30mm và 8 đạn tên lửa dẫn bắn bằng laser Sosna-R. Palma có khả năng vô hiệu hóa các mục tiêu bay ở khoảng cách từ 200-8.000m và tầm cao tối đa tới 3.500m.
016 Quang Trung có sàn đáp cho trực thăng chống ngầm Ka-28 có khả năng săn ngầm và trinh sát nhưng không có nhà chứa máy bay.
Khác với lứa đầu của lớp tàu Gepard 3.9 là 011 Đinh Tiên Hoàng và 012 Lý Thái Tổ, 016 Quang Trung được lắp đặt thiết bị định vị thủy âm cùng 4 ống phóng ngư lôi 533 mm. Loại ngư lôi hạng nặng này vừa có khả năng chống tàu mặt nước, vừa có khả năng chống tàu ngầm và sở hữu nhiều điểm vượt trội như uy lực và tầm bắn lớn hơn rất nhiều so với các bệ Paket-NK cỡ 324 mm thường thấy trên tàu hộ vệ tên lửa cỡ 2.000 tấn của Nga.
Điều đặc biệt ở tàu 016 Quang Trung là có đến 40% sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trên tàu là thế hệ 9X. Trước khi nhận tàu, cán bộ, chiến sĩ đều được đào tạo 5 tháng ở Nga, trong đó 2 tháng học lý thuyết và 3 tháng thực hành trên tàu. Khi nhận tàu, về lại đơn vị, tất cả cán bộ, chiến sĩ tiếp tục học tập, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành để làm chủ con tàu và vũ khí hiện đại. Ngoài ra, các cán bộ, chiến sĩ đều học ngoại ngữ (tiếng Nga và tiếng Anh) để thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quân sự.
Trong Triển lãm Hàng hải IMDEX 2019 hồi tháng 5 vừa qua ở Singapore, 016 Quang Trung nhận được sự chú ý lớn từ các chuyên gia quân sự và phóng viên quốc tế.
Trong chuyến xuất ngoại đầu tiên này, 016 Quang Trung cùng tham gia đợt diễn tập về an ninh hàng hải trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) cùng các khí tài hiện đại hàng đầu của hải quân 11 nước Singapore, Australia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Brunei, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ.
Trước đó 1 tháng, 016 Quang Trung tham gia tập trận cùng khu trục hạm INS Kolkata ở ngoài vịnh Cam Ranh trong khuôn khổ chuyến thăm của chiến hạm Ấn Độ tới Việt Nam.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 7, 016 Quang Trung nhận lời mời thăm xã giao và tham gia duyệt binh nhân kỷ niệm 323 năm Ngày truyền thống Hải quân Nga. Sự xuất hiện của con tàu Việt Nam đánh dấu lần đầu tiên Hải quân Việt Nam tham dự tại lễ duyệt binh kỷ niệm ngày truyền thống Hải quân Nga.
Video: Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 015 –Trần Hưng Đạo và 016-Quang Trung diễn tập trên biển
Bình luận