Gần đây, Yeah1 trở thành tâm điểm của “làng công nghệ” khi một số công ty con của Yeah1 bị YouTube “nghỉ chơi”. Vì quá phụ thuộc vào YouTube, Yeah1 đã “lao dốc” không phanh.
Phụ thuộc quá lớn vào YouTube
Công ty cổ phần Yeah1 là một trong những công ty công nghệ được chú ý nhất năm 2018. Yeah1 khiến dư luận xôn xao vì “dũng cảm” niêm yết cổ phiếu YEG với thị giá (có thời điểm) cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
YEG biến ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống từ một người vô danh trong bản đồ tỷ phú Việt Nam trở thành một trong những người giàu nhất với khối tài sản lên đến ngàn tỷ đồng.
Sau khi cổ phiếu YEG chào sàn, nhiều ý kiến cho rằng Yeah1 đã “chơi chiêu” để giữ YEG ở mức giá cao. Trong khi đó, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Yeah1 khẳng định Yeah1 hoàn toàn có thể tiến rất xa vì “hàng hóa” online có tính toàn cầu nên thị trường của Yeah1 là toàn cầu.
Yeah1 cung cấp các kênh cung cấp video. Vì vậy, hiệu quả kinh doanh của Yeah1 phụ thuộc rất nhiều vào YouTube. Và Yeah1 cũng không có ý định giấu giếm sự phụ thuộc này.
Báo cáo tài chính năm 2018 của Yeah1 cho thấy Yeah1 đạt 623 tỷ doanh thu và 49 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng 79% và 45% so với năm 2017. Điều khiến nhà đầu tư chứng khoán chú ý nhất chính là mảng kinh doanh kĩ thuật số trên YouTube và xuất bản nội dung số của Yeah1 tăng mạnh hơn 93% trong năm 2018; chiếm lần lượt 55,6% doanh thu và 88,6% lợi nhuận Yeah1. Nguyên nhân chính là Công ty tăng số lượng kênh/nhà sáng tạo nội dung trong mạng lưới.
Sang năm 2019, Yeah1 tiếp tục gia tăng sự phụ thuộc của mình vào YouTube. Yeah1 liên tiếp thực hiện hàng loạt thương vụ khủng mua lại các nhà phát triển video như MCN, ScaleLab, TMG Thái Lan. Yeah1 có thêm nhiều hoạt động mở rộng thương mại khu vực như Phillipines, Indonesia. Tất cả khiến Yeah1 tự tin lên kế hoạch mảng kĩ thuật số sẽ chiếm đến 80% doanh thu của Yeah1 trong năm 2019.
Yeah1 lao dốc khi bị “ghẻ lạnh”
Đầu tháng 3, YouTube đã chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (gọi tắt là CHSA - Content Hosting Agreement) sau ngày 31/3/2019 đối với các công ty con/công ty đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của Tập đoàn, bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu YEG lao dốc không phanh. Với đà giảm sàn trong sáng 12/3, tới nay, YEG đã trải qua 7 phiên giảm sàn. Sau 7 phiên, YEG giảm 97.400 đồng/CP, tương ứng 40% xuống chỉ còn 147.600 đồng/CP. Đây là mức giá thấp nhất của YEG kể từ ngày 12/10/2018.
Sau 7 phiên giao dịch, vốn hóa thị trường của Yeah1 giảm 3.047 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 40%. Nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề. Là cổ đông cá nhân lớn nhất, ông Nhượng Tống đã “đánh rơi” 1.103 tỷ đồng. Ông Tống sắp rớt khỏi Top 40 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Tài sản của ông Tống chưa có dấu hiệu tăng trở lại khi cổ phiếu YEG vẫn bị nhà đầu tư “ghẻ lạnh”. Trong sáng 12/3, trên bảng giao dịch điện tử, bất chấp YEG đang giao dịch ở mức giá sàn, phía dư mua hoàn toàn trống trơn trong khi đó dư bán vẫn rất lớn. Điều đó cho thấy lực cầu cổ phiếu này rất thấp.
Cổ phiếu YEG vẫn chìm sâu bất chấp Yeah1 có nhiều động thái “cứu giá” như công bố mua vào cổ phiếu quỹ và bán lại ScaleLab cho chủ cũ với giá 12 triệu USD.
Bình luận