• Zalo

Xôn xao chuyện công an canh giữ trước cửa nhà cụ ông 85 tuổi ở Ninh Bình

Thời sựThứ Sáu, 18/08/2017 11:50:00 +07:00Google News

Từ khi cụ Trần Vĩnh Bảo (SN 1932) mở cửa vào căn nhà của mình thì trước cửa nhà cụ luôn có lực lượng chức năng túc trực khiến người dân xôn xao.

Cụ Bảo (85 tuổi) trưởng thành trong căn nhà số 46 phố Phát Diệm (nay là số 42 phố Phát Diệm Đông, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).

Khi lớn lên lập gia đình, để tiện kinh doanh cụ chuyển sang nhà khác để buôn bán. Căn nhà cụ sống được chính quyền mượn để làm trụ sở. Những ngày cuối đời, cụ có tâm nguyện về sống trong căn nhà tổ tiên. Những tưởng, đó sẽ là những ngày tháng đẹp đẽ cuối cùng của cụ thì những biến cố lại bắt đầu từ đây.

Cho mượn nhà rồi mất luôn

Trong đơn kêu cứu gửi đến VTC News, con gái cụ Bảo - bà Trần Thị Thu Phương (trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Cụ Bảo có anh trai là Trần Đức Long (SN 1924), năm 12 tuổi cụ Bảo về căn nhà số 46, phố Phát Diệm, tổng diện tích nhà 280m2 sinh sống.

Năm 1954, sau khi Phát Diệm được giải phóng khỏi tay thực dân Pháp, gia đình cụ Long chuyển lên Hà Nội làm ăn nên làm giấy nhượng lại căn nhà 46 Phát Diệm cho cụ Bảo được toàn quyền sử dụng. Giấy tờ này được chính quyền địa phương khi ấy xác nhận. Sau khi được nhượng lại nhà, cụ Bảo vẫn sử dụng liên tục.

anh thubm 3

 Từ ngày cụ Bảo về sống trong ngôi nhà của mình, lực lượng chức năng luôn có mặt để canh giữ.

Năm 1954, để tiện cho việc buôn bán, cụ Bảo chuyển lên nhà số 73 phố Phú Vinh (cách nhà 46 Phát Diệm khoảng 600 m). Căn nhà 46 Phát Diệm được cụ Bảo cho cụ Cù Đức Tú (bạn cụ Bảo) về ở để trông coi.

Năm 1958, cụ Vũ Trọng Đấu, nguyên chủ tịch Ủy ban hành chính thị trấn Phát Diệm cử cụ Trấn Phái (ủy viên Ủy ban hành chính thị trấn thời điểm đó) đến mượn giấy tờ nhượng nhà của cụ Bảo để kiểm kê.

Năm 1959, chính quyền xin lấy một số gạch tại căn nhà 46 Phát Diệm để kiến thiết xây sân khấu tại khu công đoàn và xây nghĩa trang liệt sỹ tại phố Trì Chính. Việc này được cụ Đấu, nguyên chủ tịch Ủy ban hành chính thị trấn Phát Diệm lập thành biên bản, có đầy đủ chữ ký và dấu của cụ Đấu, cụ Phái và đại diện tổ dân phố. Biên bản này có ghi “1 bản gửi ông Trần Vĩnh Bảo, 73 phố Phú Vinh để biết”.

“Nếu bố tôi không phải là chủ nhà số 46 Phát Diệm thì Uỷ ban hành chính thị trấn Phát Diệm đã không phải "gửi cho ông Trần Vĩnh Bảo 1 bản để biết" như vậy” – bà Phương nói.

Sau đó, gia đình cụ Bảo giữ biên bản này, giấy tờ nhượng nhà của cụ Long cho cụ Bảo được ủy ban giữ nhưng không trả lại. Trong thời gian đó, cụ Bảo cũng liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng để đề nghị trả lại giấy tờ nhượng nhà và nhà ở nhưng chưa được giải quyết.

Đến năm 1982, cụ Long làm lại giấy xác nhận việc nhượng nhà để cụ Bảo toàn quyền sử dụng (có xác nhận chữ ký của UBND phường). Năm 1989, cụ Bảo xin xác nhận lại sự việc từ các cán bộ chính quyền các cấp qua nhiều thời kỳ (có xác nhận chữ ký của chính quyền địa phương).

Nguồn gốc căn nhà số 46 phố Phát Diệm là nhà của hai anh em cụ Trần Đức Long, Trần Vinh Bảo và việc cụ Long nhượng lại nhà cho cụ Bảo đều đã được người dân và các cán bộ thời kỳ đó xác nhận.

Suốt nhiều năm qua, cụ Bảo đã rất nhiều lần làm đơn đề nghị xin lại căn nhà 46 Phát Diệm nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ngày 24/7/2017, Tổ công tác do ông Vũ Văn Chiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Sơn làm tổ trưởng mời bà Phương về làm việc để cung cấp giấy tờ có liên quan và đối chiếu bản gốc. Bà Phương đề nghị được sao chụp các tài liệu mà chính quyền đang lưu giữ nhưng không được đáp ứng.

Ngày 4/8/2017, chính quyền tiếp tục mời bà Phương về làm việc. Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn kết luận: Không xem xét giải quyết yêu cầu trả lại nhà số 46 phố Phát Diệm của ông Trần Vĩnh Bảo vì việc đòi lại nhà của ông Trần Vĩnh Bảo đã được UBND huyện Kim Sơn giải quyết theo Kết luận số 90 KL/UB ngày 8/9/1993 nhà số 46 phố Phát Diệm là nhà vắng chủ do Nhà nước quản lý.

Đồng thời thông báo sẽ xử phạt hành chính bà Phương đối với hành vi mở khóa đưa ông Bảo vào nhà vào ngày 17/6/2017. Lý do, đó là trụ sở Công an Thị trấn Phát Diệm đang quản lý.

Bà Phương không đồng ý với kết luận này. Theo bà, toàn bộ các chứng cứ trước đây đã giao cho Tổ công tác, lập luận bà đưa ra trong buổi làm việc đã không được xem xét, lời phát biểu của bà tại buổi làm việc không được ghi chép trung thực vào biên bản làm việc. Thời điểm bà mở khóa vào nhà, trong nhà chỉ có vài đồ vàng mã của nhà hàng xóm để nhờ chứ không phải trụ sở công an.

Video: Lực lượng chức năng canh giữ trước nhà cụ Bảo

Bà khẳng định, với những bằng chứng mà gia đình đang nắm giữ, nhà số 46 phố Phát Diệm thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bố bà - cụ Trần Vĩnh Bảo.

Nhà 46 phố Phát Diệm không phải là nhà vắng chủ mà là nhà có chủ nhưng chủ nhà không được quản lý, sử dụng do việc cho chính quyền mượn tạm suốt thời gian dài và qua nhiều thời kỳ chính quyền khác nhau.

Chính quyền địa phương căn cứ vào kết luận từ năm 1993 và không công nhận căn nhà cho cụ Bảo. Hiện gia đình đã làm đơn khởi kiện ra tòa án.

Điều khiến bà Phương bức xúc hơn nữa là sau khi gia đình mở cửa theo tâm nguyện của cụ Bảo là được sống những ngày cuối đời trong ngôi nhà mình thì phía chính quyền có những động thái như cắt điện nước, cử cán bộ công an đứng canh gác phía ngoài cửa gây xôn xao, tạo dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.

Từ căn nhà có diện tích 280m2, sau nhiều năm bị chính quyền tạm mượn, đến nay, căn nhà chỉ còn 40m2. Các diện tích khác đã được xà xẻo bán cho người dân.

Chính quyền không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: Căn nhà 46 phố Phát Diệm không thể coi là “nhà vắng chủ” theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội. Bởi cụ Bảo là chủ sở hữu căn nhà này từ năm 1954 và từ nhỏ đến nay vẫn đang sinh sống liên tục tại thị trấn Phát Diệm.     

Thực tế đến thời điểm này, chính quyền địa phương cũng không cung cấp được bất cứ văn bản quản lý “nhà vắng chủ” nào đối với nhà số 46 phố Phát Diệm. Và ngoài cụ Bảo, không có bất kỳ người nào dám đứng ra nhận và có các văn bản giấy tờ chứng minh căn nhà số 46 phố Phát Diệm thuộc quyền sở hữu của mình.

Trả lời VTC News, ông Đỗ Hùng Sơn – Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cho biết, hiện vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng xác minh và làm rõ.

Ông Sơn thông báo, chiều 18/8, đích thân ông sẽ đối thoại với báo chí để cung cấp thông tin về vấn đề này.

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn