Khoảng 14h ngày 23/5, một số tài xế điều khiển ôtô tải đến trạm thu phí BOT T2 trên Quốc lộ 91 (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã không đồng ý mua vé và dừng tại làn thu phí ở cả hai chiều.
Liên tục xả trạm
Theo các tài xế, trạm T2 nằm ngay nút giao của Quốc lộ 80 (ngã ba Lộ Tẻ), hướng từ Kiên Giang lên. Phương tiện từ Quốc lộ 80 đi vào TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) bắt buộc phải qua trạm T2 và mua vé dù chỉ sử dụng một đoạn ngắn.
Ở chiều ngược lại, phương tiện từ TP HCM qua cầu Vàm Cống hoặc từ An Giang muốn ra Quốc lộ 80 đến huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) cũng phải mua vé cho toàn tuyến đường nâng cấp là không hợp lý. "Cầu Vàm Cống khánh thành, chúng tôi rất mừng vì không còn tình trạng kẹt phà nhưng qua trạm T2 phải mất 35.000 đồng trong chỉ sử dụng có khoảng 300 m đường. Trạm này đặt sai vị trí để tận thu" - một tài xế bức xúc.
Do bị tài xế phản đối, dừng xe ở hai chiều, giao thông bị ùn tắc nên buộc phải xả trạm BOT T2. Khi giao thông thông thoáng, BOT T2 thu phí trở lại và tiếp tục bị các tài xế phản ứng, cố thủ, phải xả trạm.
Cùng ngày, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có cuộc họp kín với các sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh, thành như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp liên quan đến trạm thu phí BOT T2. Thông tin với báo chí sau cuộc họp, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang, nói: "Tất cả các thành phần dự họp hôm nay đều thấy việc dời trạm là tốn kém và không cần thiết vì có nhiều phương án để xử lý. Thời gian qua, liên tục gặp phản ứng của tài xế về trạm thu phí này, cho nên một giải pháp hợp lý để tạo sự đồng thuận là cần thiết".
Ông Trí cho rằng trước đây, trạm này đã thực hiện miễn, giảm cho nhiều phương tiện nhưng trong tình hình hiện nay không còn phù hợp. Do cầu Vàm Cống vừa đưa vào sử dụng, lượng phương tiện tăng lên nhiều. Trong đó, nhiều xe từ các khu vực Long Xuyên, Châu Đốc, Tịnh Biên... đều đi theo hướng này và phải qua trạm thu phí T2, họ sử dụng quãng đường không nhiều nhưng người dân phải tốn phí nên từ đó phát sinh nhiều vướng mắc.
Điều chỉnh thu phí
Cho rằng không thể di dời trạm nên phía An Giang đề ra hướng xử lý như sau: Những xe từ hướng Kiên Giang hoặc từ cầu Vàm Cống rẽ xuống để về An Giang sẽ được phát một chiếc thẻ để khi đến trạm T2 sẽ trả lại và mua vé có mệnh giá 2.000 đồng để qua trạm, tương đương với 300 m đường di chuyển.
Còn những xe từ hướng tỉnh An Giang đi Kiên Giang và qua cầu Vàm Cống hoặc về TP Cần Thơ, có 2 phương án giải quyết: Thứ nhất, có thể bán cho họ vé qua trạm có mệnh giá 2.000 đồng khi xe đi Kiên Giang và qua cầu Vàm Cống; xe đi về Cần Thơ thì khi đến trạm thu phí BOT T1 sẽ mua vé qua trạm với mệnh giá 33.000 đồng, tức đủ 35.000 đồng đi toàn tuyến như hiện nay (một vé 2.000 đồng mua tại trạm T2 và 1 vé 33.000 đồng tại trạm T1).
Thứ hai, nếu nhà đầu tư sợ thất thu, có thể bán vé 35.000 đồng tại trạm T2 nhưng phải được tổ chức lại. Tức là khi xe lưu thông đi về Kiên Giang hoặc về cầu Vàm Cống thì phải trả lại cho chủ phương tiện lưu thông 33.000 đồng để thu hồi lại vé 35.000 đồng, trong khi xe lưu thông về hướng Cần Thơ thì vẫn bình thường như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, vào năm 2018, một số tài xế phản đối trạm thu phí, mức phí qua trạm đã được miễn, giảm cho xe người dân trong bán kính 8 km quanh trạm thu phí. Sau đó, dự án hoạt động ổn định. Tuy nhiên, từ ngày 19-5 vừa qua, khi thông xe cầu Vàm Cống, các tài xế lại phản đối.
Ông Khang than: "Sau khi thực hiện giảm phí, thời gian thu phí của dự án tăng từ 17 năm lên 34 năm nên nhà đầu tư rất khó khăn. Để giải quyết, nhà đầu tư đang kiến nghị địa phương, Bộ GTVT nghiên cứu hỗ trợ phần chi phí giải phóng mặt bằng dự án (trên 400 tỉ đồng), một phần vốn đầu tư, để phương án tài chính không bị phá vỡ".
Ông Khang cho rằng trạm thu phí BOT T2 do Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT ký hợp đồng BOT, nếu có thay đổi gì liên quan tới dự án thì do 2 cơ quan trên quyết định.
Bình luận