Những ngày gần đây, câu chuyện "hôi cám" của lái xe tải gặp tai nạn tại Hòa Bình đang làm nóng dư luận. Khi một số hình ảnh được đăng tải trên mạng, nhiều người lên án mạnh mẽ hành động không giúp đỡ người gặp nạn nhưng lại cố tình lấy cắp đồ của người đã khuất. Câu chuyện này vô vình khiến nhiều người bức xúc và lên án mạnh mẽ hành vi "xấu xí" của người dân xã Quy Hậu (Tân Lạc - Hòa Bình).
Video: Bị lên án hôi của xe gặp nạn 2 người chết ở Hoà Bình, dân đồng loạt kêu oan (Kim Thược)
Để tìm hiểu sự thực về câu chuyện, chiều 20/5, PV VTC News đã về tận nơi xảy ra tai nạn để xác minh vụ việc.
Một ngày sau vụ tai nạn xảy ra, hiện trường vẫn còn dấu hiệu của vụ va chạm thảm khốc. Vài chiếc bao rách, mùi tanh của cám công nghiệp ngấm vào đất vẫn âm ẩm bốc lên.
Chiếc hố sâu, nơi chiếc xe tải cắm đầu xuống khiến hai người đàn ông thiệt mạng cảm giác lạnh lẽo, hoang tàn. Thỉnh thoảng, vài người dân đi đường xuống xe máy, đặt vào trong bát hương ven đường mấy đồng tiền lẻ. Đứng gần, tôi vẫn nghe miệng họ lẩm nhẩm: "Cầu mong cho các anh, các chú siêu thoát".
"Nói chúng tôi lao vào hôi của là quá đáng"
Dẫn tôi quay trở lại hiện trường vụ tai nạn, bà Nguyễn Thị Bình, một người dân địa phương ở đây kể lại: "Nửa đêm, tôi nghe tin có 3 người đi xe mất phanh đâm vào vách núi. Khi ra đến nơi công an đã có mặt để bảo vệ hiện trường. Lúc ấy tôi chỉ biết có 2 người chết và một người bị thương. Duy nhất một người nhảy ra khỏi xe thì còn sống.
Đến sáng hôm sau, hai người chết đã được đưa đi, chỉ người may mắn sống sót vẫn ngồi lại đó, các bà lấy thuốc để sơ cứu cho. Tôi còn hỏi cháu ăn gì để cô lấy? Cậu ấy trả lời cháu còn bồn chồn lắm nên chưa muốn ăn gì. Từ tối hôm trước đến sáng hôm sau, cậu ấy vẫn ngồi như vậy.
Các bà còn hỏi, tí nữa có xe nào về hay không vì lúc đó cứu hộ đã lấy xe tải gặp nạn đi rồi. Cậu ấy bảo còn chờ công ty xuống lấy hơn 20 tấn hàng. Lúc ấy, đống hàng nó nằm dài dọc đường, người dân đã giúp mua bạt che khi trời bắt đầu mưa. Thế thì, ai dám đến đây mà trộm cắp?".
Bà Bình cho rằng, vì chiếc xe chúc xuống dưới hố, để cứu hộ lấy được xác hai nạn nhân thì phải kéo rất nhiều bao cám lên. Trong lúc cứu hộ có rất nhiều bao cám vỡ ra tung tóe, cám chất lên thành đống bị trộn lẫn đất đá và cả máu và những mảnh thủy tinh. Khi xe của công ty cám đến, họ thuê 10 người dân với giá 4 triệu để bốc vác hàng lên xe.
"Khi bốc vác người dân cũng đã nói với chủ hàng, những cái rơi vãi này thì cho bà con nhé. Người của công ty vẫn vâng, ừ, có nói ăn trộm ăn cắp gì đâu. Thế mà bây giờ lên mạng cứ nói là chúng tôi trộm cắp đồ, hôi của. Dân người ta đi qua đường này thấy vương vãi mà lúc ấy trời cũng xầm xì sắp mưa, sợ nước cuốn trôi đi nên cũng xuống xin nhặt mang về cho gà chứ có tranh cướp gì của ai đâu.
Nếu nói ăn cắp, ăn trộm họ đã lấy từ lúc tối, từ lúc mà xe cứu hộ đến lấy xe cứu người đi. Dân ở đây họ đã đảm bảo cho đến lúc xe công ty đến mang đi. Tôi cũng có nhặt, người ta cũng có nhặt, người đi đường cũng rất nhiều. Người ta có giúp cho tổ bốc vác lên xe với cũng cho người ta là ăn trộm à?", bà Bình nói.
"Người nông dân họ sống tiết kiệm, thấy hạt thóc hạt lúa rơi vãi còn nhặt. Nếu hôm ấy người ta không cho nhặt, với lại thấy trời sắp mưa thì chắc cũng không ai lấy. Đoạn đường này là điểm đen tai nạn, từ xưa đến nay có rất nhiều người chết vì tai nạn giao thông. Gặp ai chúng tôi cũng giúp đỡ, cứu chữa chứ không bao giờ có ý nghĩ lợi dụng để lấy tài sản của người khác. Nói chúng tôi không giúp đỡ người đi đường mà lao vào hôi của là quá đáng” - bà Bình nói thêm.
Nói rồi bà Bình dẫn chúng tôi quay lại nhà. Bà lôi từ trong bếp ra một xô cám công nghiệp và nói: "Đây, tôi cũng nhặt được khoảng chục cân còn lẫn nguyên cả đất, cát và rơm rạ... Hôm qua tôi ném cho gà ăn nên còn từng này. Chỉ nhặt hạt rơi vãi chứ có tranh cướp gì đâu mà giờ mang tai mang tiếng".
Tại hiện trường vụ tai nạn, chúng tôi còn gặp bà Nguyễn Thị Vân, một người dân xã Quy Hậu đến rải tiền lẻ cho hai nạn nhân. Mặc dù không phải là người chứng kiến vụ việc nhưng bà Vân tỏ ra rất đau xót trước khi nghe tin hai người thanh niên chết thương tâm.
Khi được hỏi về thông tin người dân ở đây không giúp đỡ người gặp nạn mà lao vào hôi của, bà Vân cho biết: "Tôi không được trực tiếp chứng kiến vụ việc mà chỉ được nghe kể lại. Hôm nay có dịp đi qua đây mới vào biếu các chú ấy mấy đồng tiền lẻ. Còn việc báo đài đưa người dân chúng tôi không cứu giúp người là không đúng đâu. Ở khu vực này năm nào cũng xảy ra mấy vụ tai nạn, nửa đêm chúng tôi tỉnh dậy đưa người dân đi cấp cứu cũng là bình thường.
Còn về hôi của, chính tôi đã từng chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn, khi đó nạn nhân có rất nhiều tiền trong người. Thế nhưng, người dân ở đây họ nhặt cho từng xu, sau đó nhét vào túi áo cho nạn nhân. Khi công an đến khám nghiệm hiện trường thấy trong túi nạn nhân cả một xấp tiền còn nguyên vẹn. Điện thoại và rất nhiều vật dụng khác nữa.
Chưa bao giờ tôi thấy người dân lợi dụng để lấy của nạn nhân. Về tâm linh, nếu có lấy của người ta cũng không hay. Bởi vậy, tôi tin chắc người dân Quy Hậu không tranh, cướp cám của người gặp nạn như người ta nói".
Không ‘hôi’, ‘cướp’, nhưng mang về cũng không nên
Để tìm hiểu thêm thông tin về vụ việc, PV còn gặp thêm một số người dân là nhân chứng của sự việc 'hôi cám" ngày 19/5. Bà Hoàng Thanh Sơn, người dân TT. Mường Khướn (Tân Lạc - Hòa Bình) cũng là người tham gia nhặt cám ngày hôm đó. Lúc ấy, bà đi chợ về ngang, thấy mọi người đang nhặt cám đổ nên bà dừng lại hỏi xin phần cám rơi vãi.
"Lúc đó khá đông người, có một tốp khoảng 10 người đang khuân vác những bao cám nguyên vẹn lên xe cho công ty, số người dân còn lại đang cầm chổi, cầm xô quét và nhặt cám đổ. Tôi không có bao nên nhặt tạm chiếc bao rách trên đường để xin.
Trong đống đổ nát, tôi có nhặt được khoảng chục cân bị trộn lẫn nào sắt vụ, nào thủy tinh, đất đá... Chính một anh người của công ty cũng nói, các bác giúp em bốc phần nguyên vẹn lành lặn lên xe, còn phần rách và đổ thì cho các bác nhặt mang về. Vậy chúng tôi mới dám cúi nhặt chứ bình thường sẽ không dám lấy", nói rồi bà Sơn giơ đôi tay vẫn còn nguyên vết mảnh thành đâm xước cho PV xem.
"Cả ngày hôm nay chúng tôi rất buồn vì những thông tin trên mạng. Người ta xỉ vả, chửi bới chúng tôi tranh cướp hàng của người gặp nạn. Tranh cướp thì chúng tôi đã lấy từ đêm chứ không chờ đến chiều hôm sau mới xin nhặt cám đổ. Lúc ấy còn có công an đứng bảo vệ, họ cũng nói với chúng tôi, tuyệt đối không được lấy những bao cám lành", bà Sơn cho biết thêm.
Để xác minh thông tin về vụ việc, PV đến gặp ông Đinh Xuân Hân - Công an xã Quy Hậu, người có nhiệm vụ bảo vệ hiện trường từ sau vụ tai nạn xảy ra. Ông Hân cho hay: "Vụ tai nạn xảy ra lúc nửa đêm nên lực lượng cứu hộ đã đưa xác hai nạn nhân đi trước khi trời sáng. Tuy nhiên, do số lượng cám công nghiệp quá nhiều, lại vương vãi khắp nơi nên phải chờ công ty mang xe tới chở.
Suốt đêm đến 12h trưa, người dân ở đây cũng giúp đỡ công an bảo vệ hiện trường và trông coi hàng hóa. Vì trời mưa lay lắt nên người dân còn đi mua giúp mấy cái bạt lớn để che hàng. Chỉ đến khi xe của công ty đến, họ thuê người bốc những bao hàng còn nguyên vẹn đi, cho người dân nhặt phần cám đổ thì dân mới dám lấy.
Mà không chỉ có dân ở đây, rất nhiều người đi qua đường cũng dừng lại. Trong lúc đông người, tôi không kiểm soát được là có người gian lợi dụng lấy bao cám lành hay không nhưng người dân ở đây thì tuyệt đối không dám. Họ chỉ nhặt những phần bao vỡ và rơi vãi ra đường".
Về thông tin có người đem cả công nông tới lấy cám ông Hân cho biết: "Người ta không chủ ý lái công nông tới lấy đâu. Người ta đi ngang qua, thấy dân đang nhặt cám đổ thì cũng ngồi xuống nhặt được một ít. Tôi cũng có để ý nhưng người ta không dám lấy bao lành.
Theo tôi, việc người dân nhặt cám khi người của công ty còn ở đó là không nên nhưng nếu người của công ty lấy hàng đi rồi, còn thừa bao nhiêu thì bà con ra nhặt thì được. Bởi nếu không nhặt, phần cám đổ nó chất cao như núi, mùi hôi rất khó chịu.
Chưa kể ruồi bọ nó bu đến gây ô nhiễm môi trường. Lúc ấy trời cũng chuẩn bị mưa, không cho người ta nhặt mưa cũng trôi xuống suối hết. Hôm qua, tôi còn phải quét dọn lại đống bao rách và cám vương vãi để đốt đi. Nếu để lại, không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến những người đi đường.”
Ông Hân cũng đánh giá hành động của người dân là không hay nhưng nói là tranh cướp của người gặp nạn là không đúng. Xã cũng đã có yêu cầu lên danh sách những người có tham gia nhặt cám hôm đó để xem xét. Tuy nhiên, dân cũng chỉ nhặt được những xô cám vỡ. Nếu bây giờ yêu cầu họ trả lại, ông Hân tin chắc chắn họ sẽ trả lại ngay.
“Số hàng bị đổ tại khu vực khoảng 20 tấn. Theo tôi quan sát, phẩn đổ vỡ cũng khoảng 10 tấn còn phần công ty đưa đi khoảng 10 tấn. Không chỉ có người dân ở Quy Hậu mà còn có người đi đường và người dân xã khác. Thế nhưng, bây giờ người dân cả nước chỉ cho rằng người dân xã Quy Hậu tranh cướp hàng của người gặp nạn. Là công an xã nhưng cũng là người dân Quy Hậu nên để xảy ra vụ việc này tôi cũng rất buồn và đáng tiếc. Mong đây sẽ là bài học để bà con không còn vấp phải sau này", ông Hân nói.
Video: Xe chở cám lật, người dân hối hả hôi của
Bình luận