• Zalo

Nam thanh niên sát hại bạn gái trước mặt CSGT: 'Kỹ năng xử lý tình huống của CSGT kém'

Thời sựThứ Sáu, 05/04/2019 06:38:00 +07:00Google News

Trong vụ nam thanh niên sát hại bạn gái giữa phố Ninh Bình, chuyên gia tội phạm học cho rằng kỹ năng xử lý tình huống của chiến sỹ CSGT kém và chưa đạt yêu cầu.

Trong vụ việc nam thanh niên sát hại bạn gái rồi tự tử giữa phố ở Ninh Bình, nhiều người cho rằng chiễn sỹ CSGT có mặt tại hiện trường chưa làm tròn trách nhiệm của mình khi chứng kiến Phạm Văn Nghị uy hiếp nạn nhân nhưng không có biện pháp gì ngăn chặn.

Chia sẻ với VTC News vế vấn đề này, Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng, kỹ năng xử lý tình huống của chiến sỹ CSGT trong trường hợp này kém và chưa đạt yêu cầu. Cảnh sát hoàn toàn có quyền sử dụng những công cụ hỗ trợ như súng để bắn thẳng vào đối tượng, ngăn chặn hành vi tội ác xảy ra.

tt hieu 3

 Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an).

- Theo tường trình của chiến sỹ CSGT chứng kiến nam thanh niên sát hại bạn gái rồi tự tử giữa phố ở Ninh Bình thì khi đó chiến sỹ này đã 2 lần can ngăn nhưng do đối tượng hung hãn nên anh lùi lại và gọi điện cho lực lượng 113 nhờ trợ giúp. Ông đánh giá thế nào về cách xử lý của người CSGT trong vụ việc này?

Trước hết theo giải trình của chiến sỹ CSGT, khi phát hiện tình huống, chiến sỹ này có chạy đến và lên tiếng can ngăn. Tuy nhiên, đối tượng có hung khí và đe doạ nếu vào sẽ đâm hoặc tự tử, tấn công lại nên chiến sỹ CSGT này đã rút máy và gọi cho lực lượng phản ứng nhanh 113 đến để giải quyết và trong quá trình đó tội ác đã xảy ra.

Có thể nói rằng kỹ năng xử lý tình huống của chiến sỹ CSGT này là chưa đạt yêu cầu, với hành vi phạm tội diễn ra ngay tức khắc như vậy mà lại gọi trợ giúp thì thời gian sẽ không đảm bảo.

Theo quy định ở thông tư số 01-2016, ngày 4/1/2016 quy định chức năng nhiệm vụ của CSGT thì ngoài việc duy trì trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT còn có chức năng nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến, trong phạm vi không gian mà mình phụ trách.

Đây là sự việc mang tính quả tang, tội phạm đang diễn ra ngay tức khắc mà không quyết liệt triển khai các biện pháp ngay thì có thể nói đây là một lỗi về mặt cách thức xử lý tình huống của chiến sỹ này.

- Nhiều ý kiến cho rằng, chiến sỹ CSGT thờ ơ, vô cảm trước tội ác?

Theo tôi, ở đây chiến sỹ CSGT này đã có ý thức can thiệp nhưng không can thiệp bằng biện pháp quyết liệt, chứ không phải thờ ơ, bỏ mặc người dân trước nguy hiểm.

Tôi không đánh giá đây là thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm mà tôi đánh giá kỹ năng xử lý tình huống của chiến sỹ CSGT này không tốt.

Chúng ta cũng có thể hiểu như với cảnh sát hình sự, chẳng hạn như chúng tôi làm án nhiều năm thì việc giải quyết các tình huống tội phạm như thế này rất nhanh, rất chuyên nghiệp.

Nhưng có thể hiểu với CSGT, chuyên môn, ngành chính của họ là về lĩnh vực giao thông. Họ nhìn các phượng tiện quá khổ, quá tải, các hành vi vi phạm giao thông thì rất nhanh, nhưng ứng xử với những tình huống tội phạm như thế này thì kỹ năng xử lý tình huống chưa được khôn khéo, chưa được quyết liệt.

- Vậy những tình huống như trong vụ việc ở Ninh Bình, người cảnh sát có thể xử lý thế nào? 

Với những tình huống quyết liệt xảy ra ngay tức khắc như vậy thì chiến sỹ này có thể sử dụng công cụ hỗ trợ như dùng súng đạn cao su bắn vào đối tượng khi hắn đang cầm dao, kéo để đâm vào người nạn nhân.

tt hieu3 4

 

Chiến sỹ CSGT này có quyền bắn thẳng đối tượng đang uy hiếp nạn nhân.

Trung tá Đào Trung Hiếu

Trước hết là quyền phòng vệ chính đáng được đặt ra ngay, vì phòng vệ chính đáng là chống trả lại người đang có hành vì xâm hại quyền, lợi ích của mình hoặc của người khác.

Đây là trường hợp của người khác và quyền phòng vệ chính đáng được đặt ra ngay.

Chiến sỹ CSGT này sẵn sàng được quyền sử dụng công cụ hỗ trợ để vô hiệu hóa đối tượng, tấn công chống trả gây thiệt hại một cách cần thiết đối với kẻ đang có hành vi xâm hại lợi ích của người khác. Nhưng chiến sỹ này đã không thực hiện điều này.

Thứ hai, với hành vi phạm tội quả tang, mọi công dân đều có quyền ngăn chặn và bắt giữ nên ở đây, chiến sỹ CSGT này vừa có trách nhiệm công dân, vừa đồng thời là người thực thi công vụ nên có trách nhiệm giải quyết sự việc này và phải giải quyết một cách nhanh chóng, dứt khoát.

Trong những tình huống đó lẽ ra phải biết quyền năng pháp luật cho phép mình làm gì và phải thực hiện ngay.

Cảnh sát có quyền bắn thẳng trong trường hợp này. Kể cả với súng bắn đạn thật thì có thể hô, cảnh cáo, yêu cầu đối tượng bỏ vũ khí. Nếu đối tượng không bỏ mà tiếp tục tấn công người thì có thể bắn ngay, vô hiệu hóa ngay, bởi lúc đó hành vi chống trả là cần thiết.

Điều 22 BLHS năm 2015 đặt ra quy định bảo vệ quyền lợi của người khác chứ không phải chỉ chống trả lại người tấn công mình. Tấn công người khác để ngăn chặn hành vi nguy hiểm đó thì được quyền chống trả một cách cần thiết.

Ở đây, chiến sỹ này có thể bắn vào chân, hành động chống trả không nhằm mục đích tước sinh mạng của đối tượng mà chỉ nhằm vô hiệu hóa, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm thôi.

Tóm lại, tôi cho rằng ở đây, kỹ năng xử lý tình huống của chiến sỹ CSGT kém nhưng không phải tình huống thấy người dân bị đâm chết mà không làm.

Người chiến sỹ công an không thể vô cảm trước đồng loại

"Với thế hệ chúng tôi, với nhãn quan và bản lĩnh của người công an nhân dân, chắc chắn chúng tôi sẽ sẵn sàng lao vào can thiệp, kể cả có thương tích, có đổ máu hoặc thậm chí bị đối tượng đâm vào chỗ trọng hiểm và hy sinh thì vẫn phải cố gắng hoàn thành, cố gắng để ngăn hậu quả xấu nhất.

Bản thân tôi trước hết chia buồn về sự việc của nạn nhân và lên án hành động tàn bạo của người đàn ông với bạn gái trẻ.

Tôi chưa được biết toàn bộ chi tiết vụ việc, nhưng nếu thực sự chiến sỹ CSGT này không có hành động ngăn chặn cụ thể trong trường hợp này thì bàn thân tôi thấy hơi áy này và canh cánh trong lòng.

Người chiến sỹ công an nhân dân phải “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ cao cả.

Bản thân tôi cũng nhiều lần săn bắt cướp, chống trả lại hàng chục đối tượng và bị thương, thậm chí nhiều lần nhảy từ cầu Chương Dương xuống sông cứu người. Người chiến sỹ không thể vô cảm trước đồng loại.

Tuy nhiên, ở đây cũng có thể chiến sỹ CSGT này chưa có kinh nghiệm, hoặc tình huống xảy ra trong một tích tắc nên chưa sẵn sàng chuẩn bị".

- Thượng tá Lê Đức Đoàn - nguyên cán bộ đội CSGT số 1 - Công an TP Hà Nội, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn