Ngày 8/11, trả lời VTC News, ông Hồ Nghĩa Tín, Phó Tổng giám đốc Nhà máy thép Dana-Ý cho biết, thông tin nghị trường Chương trình “HĐND Đà Nẵng với cử tri” nói nhiều đến 2 nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc, nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ chính quyền.
Liên quan đến 2 nhà máy thép này, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thừa nhận: Cái sai của Đà Nẵng là đặt nhà máy cạnh khu dân cư. Do đó, cơ quan chức năng có thể xử phạt nhà máy và yêu cầu tạm dừng hoạt động chứ chưa đủ cơ sở để buộc đóng cửa.
“Các cơ quan tham mưu cũng như UBND thành phố thời kỳ trước có sai phạm về việc cấp phép không đúng sẽ bị xử lý”, ông Thơ nói.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nói thêm: “Trước đây, khu dân cư cạnh nhà máy nằm trong diện giải tỏa nhưng cuối cùng không giải tỏa khu vực này mà để người dân càng ngày càng xây nhà sát nhà máy. Vì vậy, cơ quan chức năng có thể xử phạt nhà máy và yêu cầu tạm dừng hoạt động từ 3 - 6 tháng để khắc phục chứ chưa đủ cơ sở để đóng cửa".
“Vấn đề đặt ra là khi họ khắc phục xong thì có hoạt động được hay không? Khi nhà máy khắc phục hoàn toàn vấn đề môi trường từ 3 - 6 tháng thì chính quyền địa phương có vận động nhân dân để họ tiếp tục hoạt động sản xuất hay không?”, ông Thơ nói.
Về hướng giải quyết, ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng, sắp tới, vấn đề quy trình xử phạt vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các sở, ban, ngành và kể cả cấp cao hơn cũng phải nghiên cứu để giải quyết rốt ráo vấn đề này.
“Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở 2 nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc cực kỳ khó khăn. Đây là một trong những "ca" khó nhất từ trước đến giờ”, ông Thơ kết luận.
Trả lời VTC News về vấn đề ô nhiễm môi trường của 2 nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc, ông Nguyễn Văn An, Phó Tổng giám đốc nhà máy Dana-Úc cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp chi gần 80 tỷ đồng để đầu tư xử lý môi trường.
“Vấn đề là ở chỗ khu dân cư quá gần với nhà máy nên dù có xử lý thì vẫn không thể đảm bảo 100% không ảnh hưởng được. Đơn cử như tiếng ồn, khi vận hành máy móc, nhà dân chỉ cách đó 30-40m thì làm sao không bị ảnh hưởng?”, ông An nói.
Còn ông Hồ Nghĩa Tín, Phó Tổng giám đốc Nhà máy thép Dana-Ý cho biết, nhà máy cũng đầu tư hơn 200 tỷ đồng cho việc xử lý môi trường.
“Chúng tôi tiếp tục đầu tư công nghệ, hệ thống xử lý môi trường nhưng chính quyền có đảm bảo rằng sau khi hoàn thiện, nhà máy có được hoạt động hay không? Đầu tư rồi mà không thể hoạt động thì ai dám làm?”, ông Tín lo lắng.
Đại diện 2 nhà máy thép cũng khẳng định, doanh nghiệp rất hiểu những khó khăn của chính quyền nhưng nếu cứ tiếp tục kéo dài thì họ sẽ phá sản.
Bình luận