Tờ báo tài chính nổi tiếng gọi Dr Thanh là nhà sản xuất trà thảo dược và đồ uống thể thao hàng đầu Việt Nam và mở đầu bài phỏng vấn bằng cách tiết lộ phương châm của một trong những tập đoàn tư nhất lớn nhất nước này chính là “Đấu tranh không ngừng”.
Tiền thân là một nhà sản xuất bia từ hơn 20 năm trước, giờ đây Tân Hiệp Phát đã trở thành nhà sản xuất đồ uống tư nhân lớn nhất Việt Nam với khoảng 5.000 nhân viên trên toàn quốc. Thị phần của công ty này chỉ đứng sau công ty sản xuất nước ngọt đa quốc gia như Coca-Cola.
Các nhà phân tích ước tính, Tân Hiệp Phát nắm giữ 20 - 30% thị trường nước giải khát. Trong năm 2011, theo số liệu mới nhất từ Nielsen, thị phần của công ty trong các sản phẩm như trà thảo dược, nước tăng lực và sữa đậu nành là khoảng 24%.
Năm 2008, Tân Hiệp Phát tài trợ đoàn leo núi duy nhất của Việt Nam tham gia chinh phục đỉnh Everest. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng với logo nhãn hiệu "Number 1", sản phẩm nước tăng lực được ưa chuộng nhất của Tân Hiệp Phát, tung bay trên nóc nhà thế giới trở thành một thành công lớn trong chiến dịch tiếp thị của công ty.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để hái được chút trái ngọt ấy, ông Trần Quí Thanh cùng doanh nghiệp do ông sáng lập và lèo lái đã phải trải qua nhiều thập kỷ “nếm mật nằm gai”.
Cuộc đời cơ cực trong trại trẻ mồ côi
Sau khi mẹ qua đời trong một tai nạn xe hơi vào năm 1962, ông Thanh, lúc ấy mới 9 tuổi, được gửi tới trại trẻ mồ côi ở vùng cao nguyên phía nam Việt Nam. Suốt 6 năm ở đó, ông phải chịu đựng chế độ nghiêm ngặt, hà khắc. Có những lúc ông bị phạt ngủ qua đêm ở chuồng lợn vì đánh nhau với bạn. "Không có thức ăn, không có quần áo và họ nhốt tôi vào chuồng lợn," ông nói, trầm ngâm và bình thản. "Tôi đã học được rằng, nếu muốn tồn tại, tôi phải chiến đấu."
Bởi vậy, “đấu tranh để tồn tại” trở thành phương châm định hướng, dẫn dắt doanh nghiệp của ông trong nhiều thập kỷ qua.
Khởi nghiệp đầy thăng trầm, trắc trở
Năm 1977, 2 năm sau khi Sài Gòn được giải phóng, ông Thanh bắt đầu tham gia ngành công nghiệp sản xuất nấm men, hoạt động trong một nền kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ.
Sự cấm vận nặng nề từ Mỹ trong năm 1975 khiến các nhà sản xuất đều bị cắt nguồn cung cấp thiết bị và nguyên vật liệu từ bên ngoài. Ông Thanh nhớ lại, ông đã phát hiện ra những chiếc võng nylon do quân đội Mỹ để lại có thể tận dụng như một tấm sàng để lấy men bùn.
Sáng kiến thô sơ này đã giúp doanh nghiệp non trẻ của ông mở rộng quy mô và bỏ xa các đối thủ cạnh tranh khác. Trong khi nhiều nhà sản xuất men bị xóa sổ bởi tình trạng siêu lạm phát, doanh nghiệp nhỏ của ông Thanh chỉ đơn giản thu mua thật nhiều võng và mở rộng kinh doanh.
Tuy nhiên, khi lạm phát lên tới 300% thì dù kiếm được 300% mỗi năm cũng chỉ được coi là hòa vốn. Giá men sụp đổ vào năm 1979 buộc ông phải rẽ sang ngành sản xuất đường. Sau hơn một thập kỷ chế biến mía đường, sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nhà nước với quy mô lớn và giá thành thấp đã đè bẹp nhà máy sản xuất nhỏ trong nội thành của ông.
Dẫu vậy, những thay đổi trong chính sách kinh tế của Việt Nam như một làn gió mới “cứu vớt” Tân Hiệp Phát. Năm 1992, chính phủ cho phép doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Năm 1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Việt Nam, mở cửa cho các ngành thương mại quốc tế phổ biến lần đầu tiên trong 20 năm.
Những thay đổi này cho phép các công ty như Tân Hiệp Phát tái đầu tư lợi nhuận vào các dự án dài hạn. Chỉ trong vòng 3 năm, ông Thanh đã tự tin đầu tư hàng trăm triệu USD vào 3 nhà máy mới.
Đầu tư đúng thời điểm và chuyển hướng kinh doanh đúng lúc cũng là một trong những chiến lược đã thành thương hiệu của ông Thanh.
Tân Hiệp Phát khởi nguồn là một nhà máy bia nhưng việc bia bị đánh thuế đã khiến lợi nhuận giảm đáng kể. Ông Thanh quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực sản xuất carbon dioxide và sirô fructose. Đây là nền móng để sau này ông phát triển thêm đồ uống thể thao và nước tăng lực.
Năm 2009, Tân Hiệp Phát tung ra trà thảo dược, hiện là sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường, lúc này môi trường đầu tư ở Việt Nam cũng dần trở nên ổn định.
Tuy nhiên, việc mở rộng kinh doanh bao giờ cũng mang lại nhiều rủi ro. Năm 2015, báo chí Việt Nam đưa tin về việc phát hiện con ruồi và các tạp chất khác trong một số sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Bên cạnh việc phủ nhận, Tân Hiệp Phát cũng tiếp nhận những ý kiến trái chiều từ khách hàng và nỗ lực giải quyết hậu quả của vấn đề.
Muốn tồn tại, phải đấu tranh
Sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài cũng là một nỗi lo lớn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Ông Thanh cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định thương mại sâu rộng giữa Mỹ và 11 quốc gia khác sẽ tác động đến Việt Nam. Thỏa thuận này sẽ mở ra cơ hội cạnh tranh giữa Việt Nam với các công ty nước ngoài.
Ước tính của chính phủ về việc TPP có thể tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lên đến 68 tỷ USD trước năm 2025 sẽ là áp lực để các công ty có tính cạnh tranh hơn.
"Chúng tôi sẽ cạnh tranh trực tiếp với các công ty nước ngoài", ông Thanh thẳng thắn. "Nếu các công ty tư nhân quá yếu kém thì sao có thể tồn tại được?"
Sau nhiều thập kỷ chiến đấu để sống sót trong một trong những môi trường khắc nghiệt nhất đối với doanh nghiệp tư nhân, người đàn ông này tỏ ra bình thản. Với ông, những thách thức do TPP đặt ra cũng là những thách thức mà ông đã chuẩn bị đón nhận trong suốt cuộc đời mình.
Bình luận