Đài truyền hình NHK dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận vụ phóng tên lửa sáng 4/5 của Triều Tiên không ảnh hưởng trực tiếp đến Nhật Bản. Cũng theo vị quan chức này, Triều Tiên có thể đã tiến hành vụ phóng để gửi thông điệp tới Mỹ giữa lúc các cuộc đàm phán Mỹ- Triều về vấn đề hạt nhân đang bị đình trệ.
Một quan chức khác của Nhật Bản cũng cho rằng, việc sử dụng tên lửa tầm ngắn chứng tỏ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không có ý định dừng các cuộc đàm phán với Mỹ. Bởi lẽ, việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung hoặc tầm xa sẽ tác động tiêu cực tới tình hình an ninh với Nhật Bản và Mỹ.
Hãng tin Kyodo dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản xác nhận rằng tên lửa Triều Tiên vừa phóng đi không chạm đến được vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, đồng thời bác bỏ các báo cáo cho rằng, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) ban đầu cho biết, Triều Tiên đã phóng nhiều “tên lửa” tầm ngắn, nhưng sau đó đã thay đổi thông báo và mô tả đây chỉ là các “vật thể bay”. Theo đó, các vật thể bay tầm ngắn được phóng từ khu vực gần thành phố duyên hải Wonsan từ 9h06 đến 9h27 sáng 4/5.
Theo Yonhap, các vật được phóng đã bay khoảng 70 km đến 200 km.
Yonhap dẫn lời JCS cho biết thêm chính quyền Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích chi tiết các vật thể được phóng và "ẩn ý" của Bình Nhưỡng từ vụ việc sáng 4/5.
"Quân đội của chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các động thái của Triều Tiên và duy trì một tư thế sẵn sàng trong sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ," JCS nói, cho biết quân đội của họ đang tăng cường theo sát tình hình và chuẩn bị trong trường hợp Triều Tiên có thêm các vụ phóng khác.
Theo Yonhap, vụ phóng được coi là một thông điệp gửi tới Mỹ. Hội nghị thượng đỉnh tháng Hai tại Hà Nội giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kết thúc mà không có thỏa thuận. Triều Tiên muốn các biện pháp trừng phạt được giảm nhẹ nhằm đổi lấy các biện pháp phi hạt nhân hóa một phần. Nhưng Mỹ đã từ chối yêu cầu, khẳng định rằng họ sẽ không nới lỏng các lệnh trừng phạt cho đến khi phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Tuy nhiên, các vật phóng được bắn vào sáng thứ Bảy dường như ở quy mô nhỏ hơn nhiều. Các nhà phân tích nói rằng chúng sẽ không nằm trong danh mục vũ khí mà Bình Nhưỡng đã hứa với Washington sẽ ngừng thử nghiệm như một phần của các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa.
Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng thất vọng với kết quả của hội nghị thượng đỉnh gần đây với Washington và tức giận về sự thiếu linh hoạt trong quan điểm của chính quyền ông Trump về việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt thay vào đó là tuân theo chính sách 'áp lực tối đa'.
"Có vẻ như ông Kim đã quyết định nhắc nhở thế giới - và cụ thể là Mỹ - rằng khả năng vũ khí của ông ấy đang tăng lên từng ngày. Nỗi sợ hãi của tôi là chúng ta đang ở giai đoạn khởi đầu của thời kỳ trượt ngược về thời của các mối đe dọa chiến tranh hạt nhân và những lời 'lăng mạ' cá nhân, một chu kỳ căng thẳng gia tăng nguy hiểm cần phải tránh bằng mọi giá" - ông Harry J. Kazianis, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm National Interest tại Washington nói.
Một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ nói với CNN rằng cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã thông báo với Tổng thống Trump về vụ phóng. Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết họ "biết về các báo cáo và đang tiếp tục theo dõi tình hình."
Tháng trước, Triều Tiên tuyên bố thử "vũ khí dẫn đường chiến thuật mới" mà theo các nhà chức trách Seoul, dường như là vũ khí dẫn đường cho chiến đấu trên bộ.
Chương trình tên lửa của Triều Tiên đã có những bước tiến lớn trong năm 2017 khi Bình Nhưỡng nói rằng họ đã bắn thử thành công ba tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Các chuyên gia cho biết Hwasong-15, được ra mắt vào cuối tháng 11/2018, có khả năng có thể tấn công nhiều phần của nước Mỹ.
Bình luận