Nghỉ việc vì… quá nhàn
“Đáng lẽ tôi phải nghỉ việc công chức từ lâu rồi”. Đó là chia sẻ của anh Q.M (tên nhân vật đã thay đổi), nguyên trưởng phòng cấp Sở của một địa phương. Anh M. là một trong gần 40.000 cán bộ, công chức nghỉ việc trong hơn 2 năm qua, nhưng lý do anh nghỉ việc lại rất khác so với nhiều người. Nếu người ta nghỉ việc vì lương thấp, vất vả, áp lực công việc, thì anh nghỉ việc bởi “công việc nhàn hạ quá!”.
Theo anh, để xử lý khối lượng công việc chuyên môn của cơ quan, anh chỉ mất 5% thời lượng làm việc, nhưng lại phải “đốt thời gian” vào những công việc mang tính hình thức, đối phó cùng những cuộc họp kéo dài triền miên.
“Công việc chuyên môn chỉ cần thời lượng không đáng kể, mà vẫn phải có mặt tại cơ quan trong giờ hành chính, tôi thấy rất lãng phí. Ngồi ở văn phòng nhưng đầu mình nghĩ việc khác, ở nơi khác, như vậy là ăn cắp thời giờ của Nhà nước, tôi không thấy vui chút nào!”, cựu trưởng phòng chia sẻ.
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ, các bác, chú đều là cán bộ, công chức, anh Q.M. được định hướng, cho đi học tập và đào tạo bài bản. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đặt chân vào cơ quan Nhà nước của tỉnh, khởi đầu cho hành trình hơn 30 năm lần lượt đảm nhận các chức vụ từ chuyên viên đến giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Với trình độ đào tạo, năng lực công tác, phẩm chất và tâm huyết với công việc, anh Q.M được cử đi đào tạo sau đại học và học cao cấp lý luận chính trị, đưa vào nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo của tỉnh.
Ngay từ những ngày đầu làm Nhà nước, anh xác định mức lương công chức không thể nuôi sống bản thân và gia đình. Do đó, anh tận dụng tối đa thời gian ngoài giờ để làm thêm.
“Thu nhập của cán bộ, công chức thấp quá. Như lương tôi cấp trưởng phòng của Sở là gần 10 triệu đồng/tháng. Số tiền này không thể đủ để chăm lo cho gia đình, chăm sóc cha mẹ già, đối nội, ngoại… Nếu chỉ có đồng lương, nhiều cán bộ, công chức sẽ chuyển đi làm việc khác vì lương không đủ sống”, anh Q.M nhìn nhận.
Anh tâm sự rằng nhiều công chức, viên chức tự bằng lòng với hiện tại, không có ý chí phấn đấu. Nhiều người “chạy chọt” vào vị trí nọ, chức vụ kia chỉ để mong có bổng lộc, mong những thứ khác chứ không phải đồng lương.
Còn bản thân anh luôn mong muốn cống hiến: “Làm cán bộ phải được gì cho dân mình mới làm. Nhưng thực tế, nhiều công việc hành chính không đáng cho mình phải tư duy. Trong khi đó, tôi thường tư duy theo hướng mở, trăn trở về những việc không phù hợp. Tôi làm thêm công việc ở doanh nghiệp ngoài giờ hành chính từ khi còn rất trẻ, lối tư duy của tôi không phù hợp môi trường Nhà nước. Cơ chế chính sách hiện nay còn nhiều bó buộc, tôi cảm thấy không phát huy được”.
Thời gian đương chức, anh thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại từ các chủ doanh nghiệp hẹn gặp để “chào hỏi”, biếu quà cáp. Anh đề nghị họ nếu cần giải quyết công việc thì gửi văn bản hoặc liên hệ qua đầu mối của Sở, chứ không gặp trực tiếp.
Người đàn ông này nói, tranh thủ làm thêm bên ngoài, có thu nhập tốt, nhưng chính vì thế mà anh băn khoăn: “Mình không muốn người ta nhìn mình như là công chức vi phạm hay tham nhũng để có tài sản đó… Nếu làm công chức mà mình vẫn kết hợp đi làm bên ngoài là ăn cắp giờ Nhà nước, ở cơ quan nhưng đầu nghĩ giải quyết công việc riêng. Như vậy là không được”.
Mặc dù gắn bó gần nửa đời người với cơ quan Nhà nước, rất yêu và tâm huyết với công việc nhưng cuối cùng anh quyết định bước ra ngoài khi đã hơn 50 tuổi.
“Bây giờ quá ngũ tuần rồi mà tôi không quyết liệt thì đến bao giờ nữa! Người ta tầm tuổi này là sắp được nghỉ ngơi thì tôi lại muốn xông pha, thỏa chí vẫy vùng”, anh Q.M chia sẻ.
Sau hơn 30 năm làm "người Nhà nước”, anh Q.M. quyết định nghỉ việc, ra ngoài làm việc cho doanh nghiệp tư nhân. (Ảnh minh họa).
Phát huy năng lực trong môi trường mới
Khi một tập đoàn lớn đầu tư tại địa phương tin cậy anh Q.M và biết anh am hiểu về lĩnh vực đó, Chủ tịch tập đoàn mời, ủy quyền cho anh tham gia điều hành, quản lý, giải quyết công việc.
Cựu công chức này cho biết, công việc bên ngoài vất vả, áp lực hơn nhiều, làm gì không hiệu quả là phải trả giá ngay bằng tiền, uy tín của mình. Nhưng như vậy người làm mới thể hiện được năng lực, biết đương đầu khó khăn, làm đúng pháp luật.
Công việc trong môi trường mới khiến anh rất vui vì vận dụng được những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, góp phần phát triển lĩnh vực mà tỉnh đang rất quan tâm, chú trọng.
Theo anh Q.M, đầu tư vào lĩnh vực mà tập đoàn này đang triển khai không “ăn xổi” được, mà phải tính toán đến đời con, cháu mới thu hồi được vốn nên cần người có tâm huyết tham gia. Dự án này đúng với chủ trương phát triển của địa phương nên được lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ. Công việc điều hành, quản lý dự án của anh cũng thuận lợi.
Quan trọng hơn, anh được nhận mức lương xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Không tiết lộ về mức lương hiện tại nhưng anh M. bật mí lương lái xe riêng của anh hiện tại là 10 triệu đồng/tháng, cao hơn cả lương công chức cấp trưởng phòng của anh trước đây.
Hằng ngày, anh Q.M điều hành công việc từ xa, không gò bó giờ giấc, tự quản lý công việc của bản thân. Do đó, anh chủ động được trong mọi công việc, biết rõ mình cần làm gì, làm lúc nào và làm như thế nào.
Trước đây, khi nghe chuyện anh nghỉ việc Nhà nước, nhiều người tiếc và cho rằng anh gàn dở nhưng nay khi thấy công việc anh đang làm, mọi người cũng không tiếc nuối. Anh vẫn có thể đóng góp sức mình cho địa phương theo cách anh cho là đúng.
Hiến kế giữ chân cán bộ
Giờ đây, tuy không còn làm việc trong môi trường Nhà nước, anh Q.M. vẫn mong muốn đóng góp để môi trường làm việc công trở nên lành mạnh, hấp dẫn hơn.
“Trước hết phải tăng lương. Mức lương công chức phải đủ nuôi được con cái, chăm lo cho gia đình. Nay công chức nuôi bản thân còn chưa xong nữa thì nuôi ai! Muốn người ta không tham nhũng thì phải khiến cho người ta không thể, không cần, không dám tham nhũng. Về mặt pháp lý, cần làm chặt; về mặt quyền lợi thì phải tăng lên. Vừa cái roi vừa củ cà rốt”, anh Q.M chia sẻ.
Nhà nước nên trả lương cao cho cán bộ công chức, có thể trả 7 phần trước, giữ lại 3 phần, đến khi công chức về hưu sẽ trả lại sau. Nếu cán bộ vi phạm, tùy mức độ mà trừ vào quỹ giữ lại đó.
Nếu phấn đấu đến lúc nghỉ hưu, người lao động được nhận lại món tiền lớn, còn nếu vi phạm trong công vụ thì phải nộp lại ngân sách. Cách này góp phần giúp giữ chân, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức cống hiến cho đất nước.
Bên cạnh đó, anh Q.M cho rằng, cần khắc phục hạn chế của việc cào bằng thu nhập, tình trạng “sống lâu nên lão làng” trong cơ quan Nhà nước. Nhiều người trẻ tài năng vào cơ quan cống hiến còn hơn người có thâm niên nhưng thu nhập lại bị bậc lương hạn chế.
Vị vậy, cựu cán bộ này cho rằng cần đổi mới theo hướng xây dựng rõ vị trí việc làm, trả lương theo vị trí đó chứ không theo thâm niên. Người vừa ra trường nhưng thi đỗ vị trí trưởng phòng có mức lương 20-30 triệu đồng/tháng cũng phải được khuyến khích.
Ngoài ra, anh Q.M nêu đề xuất cần quan tâm, đảm bảo cho cán bộ, công chức, viên chức về chỗ ở, phương tiện đi lại để họ có thể yên tâm làm việc, cống hiến cho việc công.
“Nếu người lao động phải tự lo đủ thứ mưu sinh, sáng ra phải chạy xe ôm, lái taxi công nghệ, rồi mới về làm công việc Nhà nước thì họ phải làm cái việc là ‘ăn cắp’ thời gian, chất xám, ngồi ở cơ quan nhưng nghĩ việc khác, không chăm lo cho công vụ”, anh Q.M nói.
Gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc
Theo báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.
Trong đó ở bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1.505 người, chiếm 21,19%; viên chức là 5.597 người, chiếm 78,81%). Ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2.524 người, chiếm 7,78%; viên chức là 29.926 người, chiếm 92,22%).
Về sắp xếp theo trình độ đào tạo, báo cáo nêu có 653 tiến sĩ nghỉ việc, thôi việc, chiếm 1,65%. Bác sĩ chuyên khoa II có 133 người, chiếm 0,33%. Thạc sĩ có 4.018 người, chiếm 10,16%; bác sĩ chuyên khoa I có 1.066 người, chiếm 2,70%. Đại học có 19.637 người, chiếm 49,65%; cao đẳng có 6.027 người, chiếm 15,24%...
Theo độ tuổi từ 40 tuổi trở xuống, báo cáo nêu có 25.617 người, chiếm 64,77%; Từ 41-50 tuổi có 7.861 người, chiếm 19,87%...
Cũng theo thống kê, tỷ lệ nghỉ việc ở địa phương lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỷ lệ lớn (89,8%) tập trung ở hai lĩnh vực Giáo dục và Y tế.
Cụ thể, ngành Giáo dục có 16.427 người nghỉ việc, chiếm 41,53% (ở bộ, ngành là 2.087 người và địa phương là 14.340 người). Ngành Y tế có 12.198 người nghỉ việc, chiếm tỷ lệ 30,84% (ở bộ, ngành là 1.015 người và địa phương là 11.183 người).
Bình luận