• Zalo

Vì sao khó thu hồi dự án bỏ hoang nhiều năm?

Kinh tếThứ Bảy, 06/04/2019 12:35:00 +07:00 Google News

Nhiều dự án chậm triển khai nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý, thu hồi, khiến tài nguyên bị lãng phí.

Chưa có thống kê cụ thể cả nước có bao nhiêu dự án treo, nhưng theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội thì Hà Nội có 383 dự án chậm triển khai. Một số quận, huyện có số dự án chậm nhiều là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (50 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án)…

Câu chuyện thu hồi đất của các dự án “treo” luôn là câu chuyện phức tạp từ xưa đến nay, bởi còn những vấn đề nhất định về mặt khung chính sách pháp luật, giá đền bù, đặc biệt là việc thu hồi các dự án sau chuyển nhượng đang và đã được triển khai xây dựng.

t4

 Nhiều dự án bỏ hoang nhiều năm không triển khai.

Các dự án “treo” tồn tại như hiện nay phá vỡ tổng thể về quy hoạch, kiến trúc và hạ tầng. Nhiều mảnh đất công đem cho tư nhân thuê và sử dụng với nhiều mục đích khác nhau tạo ra sự lộn xộn trong phát triển. Việc để hoang phí đất đai đã và sẽ gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước.

Trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng đã đôn đốc thu hồi lại các dự án “treo” nhưng dường như số các dự án “treo” lại mỗi ngày một nhiều lên.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nhiều năm nay, tình trạng vi phạm đất công diễn ra phức tạp và nhức nhối. Một số địa phương đã có quyết định thu hồi những quỹ đất công vi phạm pháp luật, đây là tín hiệu rất tốt và đáng mừng.

Cùng góc nhìn, PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng Nhà nước cần kiên quyết xử lý những dự án treo tại “đất vàng” theo đúng luật. Tuy nhiên, “đất vàng” đang bỏ hoang hóa này có hai loại:

Thứ nhất là “đất vàng” giao cho các nhà đầu tư tư nhân nhằm mục đích thương mại. Đối với các dự án này khi đã quá hạn nhưng chủ đầu tư không xin gia hạn tiếp 12 tháng thì phải thu hồi, kể cả khi chủ đầu tư xin gia hạn nhưng sau 12 tháng vẫn không triển khai được thì vẫn phải tiến hành thu hồi.

Thứ hai là giao cho các cơ quan, bộ ngành xây trụ sở, nhưng vì phụ thuộc rất lớn vào việc phân bổ đầu tư công, nếu có chậm tiến độ bị thu hồi vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước. Thực tế, tại Hà Nội có nhiều dự án tồn tại nhiều năm, nhưng không bị thu hồi do không thực hiện nghiêm việc này.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, để xử lý đối với trường hợp này, các địa phương cần có một chế tài phù hợp và kiên quyết. Sau một thời gian dài chạy theo sự phát triển, chắc chắn sẽ có những dự án gặp sai sót về thủ tục đầu tư. Còn đối với trường hợp dự án sai phạm nhưng đang hình thành tài sản trên đất. Theo đó, quy định về thời hạn là 24 tháng không sử dụng đất, dự án sẽ bị thu hồi đất.

Do Hiến pháp quy định tài sản hình thành hợp pháp đều được Nhà nước bảo hộ không bị quốc hữu nên nếu dự án dính tới sai phạm nhưng tài sản của chủ đầu tư hình thành trên quỹ đất đó vẫn hợp pháp.

Trong trường hợp này, Nhà nước có thể thu hồi đất nhưng không thể tịch thu tài sản đầu tư trên đất. Nếu chủ đầu tư không nộp bồi thường vào ngân sách có thể chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác.

Đối với dự án sang tên đổi chủ nhiều lần, cơ quan quản lý cần rà soát triệt để xem sai ở khâu nào. Nếu có dấu hiệu vi phạm, cần nghiêm khắc xử lý những đơn vị có liên quan, căn cứ theo pháp luật đều có phương án xử lý thích hợp. Có như vậy, thị trường mới trở nên minh bạch, môi trường đầu tư mới công bằng.

Đánh giá về giải pháp xử lý, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng việc thu hồi các dự án treo là không hề dễ dàng. Nếu thành phố muốn thu hồi thì trước hết phải bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa có cơ chế, hoặc ngân sách eo hẹp trong việc đền bù.

Bên cạnh đó, nếu đất đai đã giao mà doanh nghiệp không triển khai thì cần phải xem xét tại sao không triển khai và cần kiên quyết thu hồi nếu do năng lực chủ đầu tư.

Nếu chủ đầu tư chưa giải phóng được mặt bằng thì lý do vì sao chưa giải phóng mặt bằng, phải chăng do năng lực thực hiện của chủ đầu tư hay do những nguyên nhân khác.

“Tôi cho rằng việc một dự án phải chịu quyết định thu hồi nhiều lần chứng tỏ nó có vấn đề, cho thấy năng lực của chủ đầu tư dự án là câu chuyện phải bàn đến”, ông Đính nói.

Ông Đính cho biết thêm, hiện nay ở một số tỉnh, thành phố, cũng có chuyện chính quyền lợi dụng mục tiêu làm minh bạch mà “nhảy vào” rà soát những dự án của những chủ đầu tư thực sự chân chính và thu hồi “không minh bạch” để chuyển cho nhà đầu tư khác.

Theo ông Đính, việc thanh tra là nên làm, cần thiết nhưng cần phải đi đúng hướng, đúng mục đích, đúng đối tượng, năng lực của nhà phát triển dự án. Các dự án thu hồi để tiếp tục triển khai thì cần đấu thầu, đấu giá chặt chẽ, minh bạch để lựa chọn được chủ đầu tư đủ năng lực, nếu không “dự án đen” lại tái diễn.

Minh Sơn
Bình luận
vtcnews.vn