Năm 2007, quy hoạch bãi đậu xe trên địa bàn TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, UBND TP.HCM đã chọn 8 địa điểm trong nội đô để kêu gọi đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm kết hợp với các trung tâm thương mại, dịch vụ như công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, công trường Lam Sơn, công viên Chi Lăng...
Sau thời gian dài điều chỉnh, số bãi xe ngầm giảm xuống còn 4 dự án, tập trung tại khu vực quận 1. Tuy nhiên, đã 10 năm trôi qua, nhưng các bãi đỗ xe này vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được thực hiện.
Trước những thắc mắc về các dự án trên, ông Nguyễn Văn Toàn (Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Sở GTVT TP.HCM) cho biết: "Thành phố đã hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và đang hoàn tất các phương án di dời cây xanh, thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, di dời GPMB… theo quy định trước khi khởi công xây dựng 2 bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám và sân khấu Trống Đồng".
Giải thích cho sự chậm trễ của việc xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, ông Toàn chia sẻ: "Đúng ra, việc đầu tư để đưa vào sử dụng những bãi xe này cần phải sớm hơn, ngay sau quy hoạch để giải quyết nhu cầu đậu xe của thành phố. Tuy nhiên, thực tế việc đầu tư trong thời gian qua có nhiều khó khăn".
Theo lý giải của ông Toàn, thành phố đã đưa các bãi đậu xe ngầm vào danh mục kêu gọi đầu tư xã hội hóa và xúc tiến làm việc với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, do dự án đầu tư xây dựng kinh doanh bãi đậu đỗ xe ngầm, cao tầng có tổng mức đầu tư cao, nhu cầu vốn lớn nhưng nguồn doanh thu chủ yếu chỉ từ phí dịch vụ trông giữ xe, dẫn đến khó đảm bảo hiệu quả thu hồi vốn đầu tư.
Mặc dù đã có tính toán một phần diện tích phục vụ thương mại, nhưng khả năng thu hồi vốn của dự án thấp và thời gian khai thác kéo dài. Điển hình là số liệu tham khảo của dự án bãi đậu xe công viên Lê Văn Tám có thời gian khai thác là 50 năm với đủ thu hồi vốn. Vì vậy, khả năng huy động vốn thực hiện dự án khó khăn vì nhiều nhà đầu tư tỏ ra e ngại.
Ngoài ra, công trình bãi đậu xe ngầm là dạng dự án mới, chưa có tiền lệ, rất nhiều tiêu chí liên quan như tỷ lệ diện tích sử dụng làm nơi đậu xe trên tổng diện tích của thương mại, xác định đơn giá thuê đất, phòng cah1y cữa cháy… chưa có bất cứ quy định, hướng dẫn nào. Điều này dẫn đến việc xem xét quyết định các tiêu chí này phải lấy ý kiến nhiều đơn vị trước khi thành phố quyết định.
"Khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư, tham khảo các ý kiến các bên để đi đến thống nhất chung, đó là những lý do khiến những dự án này chậm triển khai hơn so với loại hình đầu tư trong một số lĩnh vực giao thông khác", ông Toàn nói thêm.
Hiện tại, TP.HCM vẫn đang thực hiện các thủ tục để triển khai 4 bãi đậu xe ngầm theo quy hoạch, dự kiến giai đoạn trước năm 2020 sẽ đưa vào khai thác hoạt động sẽ đáp ứng được 6.291 xe ôtô và 3.916 xe máy của người dân khi hoạt động tại khu vực trung tâm thành phố.
Đối với các bến bãi theo quy hoạch còn lại, Thành phố và Sở GTVT chủ trương tập trung đẩy mạnh tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư, đặc biệt là khu vực trung tâm.
Video: Dẹp "cướp" vỉa hè ở TP.HCM: Dân băn khoăn vì thiếu bãi đậu xe
Mặt khác, trong thời gian chờ triển khai thực hiện các bãi dậu xe ngầm, Sở GTVT đã tham mưu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng các bãi đậu xe thông minh cao tầng lắp ghép và đã được UBND TP chấp thuận.
Nguyên tắc của những bãi đậu xe này là cho phép đầu tư xây dựng cao tầng lắp ghép có thời hạn, tại các khu đất chưa thực hiện đầu tư theo quy hoạch như công viên 23/9, công viên Tao Đàn, Lê Văn Tám… hay trong các bệnh viện để phục vụ cho người dân có nhu cầu.
Bình luận