“Thỉnh thoảng bạn sẽ phải bước đi”, Tổng thống Trump trong buổi họp báo sau khi Nhà Trắng đột ngột tuyên bố cắt bỏ lễ ký kết thỏa thuận chung giữa 2 bên cũng như bữa trưa làm việc giữa 2 phái đoàn. Mặc dù vậy ông Trump vẫn khẳng định ông và ông Kim đã có một khoảng thời gian đối thoại hiệu quả.
“Đó là vì lệnh trừng phạt. Về cơ bản Triều Tiên muốn tất cả các lệnh trừng phạt phải được dở bỏ, nhưng chúng tôi không thể làm vậy”, ông Trump nói.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông Kim bày tỏ sẵn sàng phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon nhưng đổi lại các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ trước. "Nhưng tôi không sẵn sàng làm điều đó", ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.
Theo ông Victor Cha, người từng là phó trưởng đoàn Mỹ tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hội nghị lần 2 giữa lãnh đạo Mỹ-Triều không đạt được kết quả như ý.
“Nhưng Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định đúng khi thúc đẩy các bước đi tối thiểu và chọn không đi tới một thỏa thuận thay vì tiến tới một thỏa thuận tồi”, ông này nói.
Tuy nhiên, theo ông Cha, với việc 2 nhà lãnh đạo không thể đạt được tiếng nói chung, thế giới sẽ không thể đoán định những gì sẽ diễn ra trong tương lai. Chỉ có một điều chắc chắn là sẽ không có thượng đỉnh lần 3 trong tương lai gần.
Ông Lee Seong-hyon, chuyên gia tại Viện Sejong nói: "Sẽ rất khó khăn để ông Trump sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh thử nghiệm khác vì nó có thể gây ra làn sóng phản đối tại Mỹ cũng như làm suy yếu vị thế chính trị của ông tại quê nhà”, ông Lee phân tích.
Chuyên gia này cũng tin rằng có thể thời gian tới, nhà lãnh đạo Mỹ cũng sẽ không còn quá chú tâm vào vấn đề Triều Tiên bởi ông còn phải giải quyết những rắc rối liên quan tới cáo buộc của cựu luật sư riêng, cuộc bầu cử Tổng thống 2020 và trên hết là mặt trận đối đầu với đảng Dân chủ.
Video: Vì sao Mỹ-Triều chưa thể ký kết hiệp định
Trong khi đó, chuyên gia Akira Kawasaki tới từ Chiến dịch quốc tế loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) nhận định: “Thất bại của các cuộc đàm phán là bằng chứng sâu hơn cho thấy tiến trình phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên không thể đạt được ở thời điểm này. Chúng ta cần một kế hoạch bắt đầu từ cộng đồng quốc tế và các các hiệp ước như Hiệp ước Cấm Phổ biến Vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên có thể tham gia ngay ngày mai và bắt đầu quá trình giải giáp mang tính hợp pháp", ông Kawasaki phân tích.
Tuy nhiên, theo tổ chức Mạng lưới Hòa bình Hàn Quốc, việc Mỹ-Triều không đi tới một thỏa thuận không nên coi là một dấu hiệu cho thấy ngoại giao thất bại.
"Các cuộc đàm phán ngoại giao đã thúc đẩy an ninh của Mỹ và bán đảo Triều Tiên hơn là các biện pháp trừng phạt kinh tế hay các mối đe dọa quân sự. Ngoại giao đòi hỏi phải có thời gian và nhiều việc phải làm hơn nữa", đại diện của tổ chức này cho biết.
Cựu đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Joseph Yun cho rằng kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều nói lên một thực tế là 2 bên đã thiếu sự chuẩn bị.
"Tôi từng tham gia nhiều hội nghị thượng đỉnh. Thông thường chúng liên quan tới rất nhiều đầu việc và thực tế là thỏa thuận phải đạt được đồng thuận trước khi hội nghị diễn ra. Lần này chúng tôi thấy rằng có rất ít sự chuẩn bị và tôi lo lắng về điều đó. Chúng tôi từng nói thỏa thuận đạt được ở Singapore khá mơ hồ nhưng ít nhất những gì đạt được tại đó còn đặt những nền móng căn bản để chúng ta tiếp tục xem xét. Nhưng bây giờ, chính quyền hạ thấp tiêu chuẩn mỗi ngày và rồi chẳng đạt được điều gì cả", ông bình luận.
Ông John Kirby, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng khác biệt quá lớn về kỳ vọng giữa 2 bên khiến cho các cuộc đàm phán chưa được như ý muốn.
Bình luận