Lễ dâng hương, khai mạc hoạt động tôn vinh, quảng bá nghề thủ công da - giầy tại đình Phả Trúc Lâm do UBND phường Hàng Trống phối hợp Hội da - giầy TP Hà Nội, Viện nghiên cứu da - giầy, Trung tâm nghiên cứu phát triển làng nghề da - giầy Việt Nam tổ chức nhằm hướng tới Kỷ niệm 25 năm Thủ đô đón nhận danh hiệu “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cùng các lãnh đạo quận, phường Hàng Trống và nhiều nghệ nhân làm da - giày thực hiện nghi thức dâng hương.
Các nghệ nhân chia sẻ, Tổ nghề da - giầy được tôn thờ là Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung và ba vị khác, gồm: Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính là Nguyễn Sĩ Bân. Nguyễn Thời Trung đỗ Tiến sĩ khoa thi Ất Sửu, niên hiệu Thuần phúc nguyên niên, thời Lê - Mạc (năm 1565), làm quan cho triều Mạc đến chức Thừa chánh sứ. Ông dẫn đầu đoàn sứ bộ nước ta sang Trung Quốc để hòa đàm. Khi dừng chân ở phố Hàng Châu, do ấn tượng với giá trị đặc biệt, tinh xảo trong nghề đóng giầy nên hoàn thành công việc sứ bộ, Nguyễn Thời Trung cùng ba người bạn quay lại đó học nghề.
Trải qua nhiều gian nan vất vả, các ông đã học thuộc nghề, nắm vững các bí quyết về thuộc da, đóng giầy, khi về nước đã truyền nghề ở quê hương Trúc Lâm. Từ đó nghề thuộc da, đóng giầy ngày càng phát triển thịnh đạt. Bốn ông được triều đình ban phong chức quan Thượng y ở Quốc Tử Giám. Đến thời nhà Nguyễn, vua Khải Định đã công nhận và phong cho các ngài là Dực Bảo Trung Hưng Tôn thần. Sắc phong có nền vàng, chữ đen, ấn đỏ, hiện còn được giữ nguyên vẹn tại đình.
Vào thế kỷ thứ 17, các thợ giầy ở Hải Dương đã mang kỹ thuật da - giầy lên hành nghề tại Kinh thành Thăng Long rồi cư trú chủ yếu ở các phố: Hàng Hành, Hàng Giầy… Cuối thế kỷ 19, họ cùng nhau xây dựng đình Phả Trúc Lâm để phụng thờ Tổ nghề da - giầy. Theo nội dung văn bia còn lưu giữ ở đình, ban đầu, ngôi đình đầu tiên được dựng bằng tre nứa đơn giản, sau đó được tu bổ và nâng cấp thêm vào đầu thế kỷ 20. Năm 1995, đình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Sau khi kết thúc lễ dâng hương, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cùng các lãnh đạo quận, phường Hàng Trống đến nghe nghệ nhân Nguyễn Thanh Nhàn chia sẻ về kỹ thuật để thiết kế ra một đôi giầy da cao cấp.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Nhàn cùng nghệ nhân Lê Văn Thịnh tham gia biểu diễn thao tác làm sản phẩm thủ công từ da. Đồng thời các nghệ nhân giao lưu, chia sẻ những câu chuyện về thăng trầm của nghề da - giầy. Khách tham quan trong nước và ngoài nước có cơ hội tham gia trải nghiệm, làm các sản phẩm thủ công theo hướng dẫn từ nghệ nhân.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thanh Nhàn, để có một đôi giầy đẹp, người thợ phải có kiến thức về khuôn, mũi, thiết kế kiểu dáng, đế... Ngoài ra, còn phải tỉ mỉ tạo ra đường nét, thông số của chiếc khuôn, cấu trúc của bàn chân để biết những điểm nhạy cảm, tránh gây đau khi sử dụng.
Theo nghệ nhân Nhàn, một đôi giầy đẹp trước nhất phải êm ái, làm cho đôi chân thoải mái, mang lâu bàn chân không bị chai sần, không xuất hiện mùi khó chịu… Bên cạnh đó, chất liệu, màu sắc, phong cách của giày rất quan trọng. Ngoài việc tôn dáng, đôi giầy cũng nói lên một con người. Muốn biết người đối diện mình như thế nào, hãy nhìn vào đôi giầy mà họ đang đi.
Nghệ nhân Lê Văn Thịnh đang tạo khuân cho đôi giầy. "Để làm một chiếc giầy da, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn thủ công. Từ việc sử dụng cả khối da liền mảnh, rồi thiết kế phần mũi sao cho mềm mại. Những đôi giầy to thì thường bị thô, nên chúng tôi đã chủ động tỉ mỉ thiết kế các chi tiết trên giầy phải thật tinh tế, kể cả những đường chỉ cũng được khâu cẩn thận, đúng cự ly”.
Những mặt hàng làm từ da được sự quan tâm của nhiều người dân, du khách.
Khách du lịch nước ngoài tỏ ra thích thú khi chiêm ngưỡng những sản phẩm được làm từ da.
Nhiều người dân, du khách chụp ảnh lưu niệm những sản phẩm yêu thích.
Bình luận