Sao Việt

'Văn hoá băng đảng' và video mô tả lệch lạc cuộc sống trong tù đầu độc giới trẻ

Thứ Ba, 19/11/2024 14:11:00 +07:00

(VTC News) - Bùng lên như một trào lưu gây sốt, hiện tượng giang hồ mạng và những video mô tả lệch lạc cuộc sống trong tù đang làm vẩn đục xã hội và đầu độc giới trẻ.

"Giang hồ mạng" trở thành cụm từ quen thuộc với nhiều người trong những năm qua. Các nhân vật giang hồ này xuất hiện chủ yếu trên các nền tảng như Youtube, Facebook và hiện tại tràn lan trên Tiktok.

Điều rất đáng lo ngại là những phát ngôn, hành vi phản văn hóa, cổ súy bạo lực, kiếm tiền bất chấp pháp luật lại thu hút hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lượt theo dõi, yêu thích và được chia sẻ chóng mặt. Nguy hiểm hơn, khán giả, người hâm mộ của những kẻ giang hồ này lại chính là giới trẻ. 

“Văn hóa băng đảng” tràn lan trên mạng xã hội

Thời gian qua liên tục xuất hiện các video về "giang hồ mạng". Mô-típ chung dễ thấy trong các video này là các “đàn anh, đàn chị” luôn xuất hiện với cách nói chuyện nghĩa khí giang hồ, cách “đòi lại công bằng cho anh em” mà không phải dùng đến luật pháp. 

Những nhân vật xuất hiện ở vị trí trung tâm trong clip không xăm trổ đầy người thì cũng đeo trang sức hầm hố theo phong cách côn đồ, xuất hiện trong biệt thự, đi siêu xe, luôn có đàn em kề cận xung quanh hầu hạ... 

'Văn hoá băng đảng' và video mô tả  lệch lạc cuộc sống trong tù đầu độc giới trẻ - 1

 

Ở thời buổi mạng xã hội phát triển mạnh và hỗn loạn, "giang hồ mạng" như cá gặp nước khi có một mảnh đất màu mỡ để tung hoành. Vốn đã được chú ý, những video về chủ đề này luôn tạo sự hiếu kỳ cho người xem và đạt lượng tương tác lớn. 

Càng thu hút lượt xem, các video càng lên “top thịnh hành” và tiếp cận được nhiều người dùng hơn. Các “đàn anh đàn chị” cứ thế nghiễm nhiên trở thành thần tượng khi lượng người theo dõi ngày càng đông. 

Đáng nói, nội dung giang hồ mạng không chỉ có ở những chủ tài khoản xăm trổ, thể hiện mình là “dân anh chị” mà nhiều nhóm sản xuất phim ngắn cũng ăn theo, xây dựng thành chuỗi phim ngắn. 

Những lượt xem và lượt like khổng lồ vô tình kích thích chứng bệnh “ngáo quyền lực” cho nhiều cá nhân hoặc nhóm người. Họ hành xử một cách giang hồ từ trên mạng ra ngoài đời, tự cho mình quyền đi trấn áp, hỏi tội, hù dọa hoặc thậm chí dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn.

Bên cạnh các video "giang hồ mạng", gần đây còn rộ lên trào lưu sản xuất video mô tả lệch lạc cuộc sống trong tù. Ở đó, những người đang chịu sự trừng phạt của pháp luật lại hành xử ngang tàng, ngông nghênh hệt như khi còn ở ngoài xã hội. Những tay anh chị khi vào tù vẫn giữ thói hống hách, bắt nạt đàn em, bắt họ cung phụng, hầu hạ. Trong những clip lệch lạc đó, những tay giang hồ vẫn mặc sức tung hoành, phớt lờ sự tồn tại của pháp luật. 

Ở trào lưu này nổi trội lên là kênh Đời TV. Trên kênh này có cả một series mô tả cuộc sống tù tội hay cuộc sống của những kẻ vào tù ra tội với những cái tên rất kêu như: Kỷ niệm trong tù, Màn lấy cung không thể chối tội, Lính mới, Số phận thằng tù…

Trong các video này, các tay giang hồ xăm trổ đầy mình coi chốn trong tù như chốn vô pháp vô thiên. Ở đó, họ không phải là những kẻ đang phải trả giá cho hành động phạm tội của mình mà giống như các đại ca khét tiếng, có đệ tử chăm lo, tự do thể hiện luật rừng, lấy mạnh hiếp yếu, sẵn sàng xử kẻ cùng phòng chỉ vì thấy “ngứa mắt”.

Thậm chí, hình ảnh những cán bộ trong các video này được xây dựng một cách rất lệch lạc. “Mày lườm cái gì? Thấy tao đẹp trai quá à? Hay mày muốn ghi tao vào trong đầu, sau này ra trả thù? Mày thích gọi đòn à? Tháo còng ra làm tý không? Mày đừng tưởng trên người có vài hình xăm mà làm các anh chùn. Dăm ba cái giang hồ cỏ như chúng mày, bọn anh không để ý đâu? Cụp cái pha xuống và trả lời tao. Cái súng ở đâu?” – Đó chỉ là một trong vô số những ngôn ngữ chợ búa xuất hiện trong clip. Thậm chí, còn kèm theo đó rất nhiều những từ đệm tục tĩu.

Những clip này được xây dựng chẳng gì ngoài mục đích lôi kéo sự hiếu kỳ của khán giả, để từ đó phục vụ cho mục đích kinh doanh riêng. Những kẻ sản xuất cũng chả buồn giấu mục đích này bởi sau mỗi clip luôn là dòng chữ mời quảng cáo, liên hệ bán sản phẩm. 

'Văn hoá băng đảng' và video mô tả  lệch lạc cuộc sống trong tù đầu độc giới trẻ - 2

 

Khi giang hồ được thần tượng hóa 

Trong bối cảnh cả thế giới đang chìm đắm trong không gian mạng, những video kể trên để lại những tác hại khủng khiếp cho khán giả, đặc biệt là người trẻ.

Họ say mê theo dõi các nhân vật giang hồ trên mạng, hồ hởi bình luận khen ngợi, chia sẻ, bắt chước các điệu bộ, cử chỉ, lời nói của những nhân vật này, coi đó là thần tượng. 

Việc xây dựng hình ảnh con người ngang tàng, sống bất chấp luật pháp, phát ngôn không theo chuẩn mực nào của xã hội của các “giang hồ mạng” kích động nhiều bạn trẻ, khiến họ cảm thấy thú vị và mới mẻ, tôn sùng kiểu hành xử bạo lực và coi đó là chuẩn mực. Điều này khiến cho nhiều người cảm thấy rợn người, sợ hãi vì cảm thấy “văn hóa băng đảng” ngày càng có xu hướng xâm chiếm, nở rộ. 

Năm 2018, Ngô Bá Khá (Khá Bảnh) trở thành hiện tượng nổi đình nổi đám trên mạng xã hội. Xây dựng hình tượng một đại ca giang hồ trẻ tuổi, giàu có, đông đàn em trong hàng loạt video, Khá Bảnh trở thành thần tượng của nhiều thanh thiếu niên. Năm 2019, Ngô Bá Khá bị bắt vì hành vi vi phạm pháp luật và chịu án tù 10 năm. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, một bộ phận giới trẻ vẫn hâm mộ tên này, coi đây như một “huyền thoại”. 

Tương tự Khá Bảnh, Phu Le được giới “giang hồ mạng” xếp vào hàng “có máu mặt”. Được nhiều người biết đến qua clip Chạm mặt giang hồ với hàng chục triệu lượt xem trên YouTube, Phu Le sở hữu kênh YouTube riêng với hơn 2,2 triệu người đăng ký. Mỗi clip người này đăng tải thu về trên dưới chục triệu lượt xem.

Dựa vào sự nổi tiếng này, vợ chồng Phu Le thường xuyên livestream để bán hàng, thu hút được hàng nghìn người xem, bình luận và đặt mua sản phẩm. 

Huan Hoa Hong - một tay “anh chị” có tiếng trên mạng xã hội - cũng được tung hô với những màn rao giảng đạo lý giang hồ, kiểu muốn thành công khi ra xã hội làm ăn bươn chải thì phải “liều thì ăn nhiều, không liều thì ăn ít”, muốn kiếm được tiền phải chấp nhận mạo hiểm... 

Câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn” với ý nghĩa tốt đẹp khi qua miệng Huan Hoa Hong vào đầu năm 2020 lại được pha trộn với lời lẽ phản cảm và lối sống kiểu “anh chị” đã trở thành “châm ngôn sống” độc hại của không ít người trẻ. 

Đỉnh điểm, tay giang hồ sinh năm 1984 này còn lợi dụng thời thế để giới thiệu 2 tập sách in chui về bí quyết làm ăn, công thức thành công là Bí kíp kinh doanh onlineĐệ nhất kiếm tiền, được nhiều người đặt mua.

Gần đây nhất, những video tù tội của Đời TV dù làm mưa làm gió trên mạng xã hội, có hàng trăm nghìn lượt xem. Thậm chí, ông chủ của kênh còn được phong là “ông trùm phim ngắn” và được xây dựng như một tấm gương vượt khó, một mẫu hình thanh niên tay trắng làm nên sự nghiệp.

Hàng ngày, trên mạng xã hội xuất hiện biết bao nhiêu clip khuếch trương lối sống bạo lực, chà đạp đạo đức và pháp luật. Những clip đó đầu độc tâm hồn, nhân cách, suy nghĩ của giới trẻ. 

Khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ từ việc xem, theo dõi, thích, chia sẻ các clip xấu độc và thần tượng những kẻ “anh chị” đến việc bắt chước làm những điều sai trái không phải là khoảng cách quá xa. Nguy cơ người trẻ bị lôi kéo, bị kích động, bị đánh thức những phần tối ẩn sâu trong góc khuất tâm hồn là rất cao. 

'Văn hoá băng đảng' và video mô tả  lệch lạc cuộc sống trong tù đầu độc giới trẻ - 3

 

Thứ virus nguy hiểm với giới trẻ 

Một bộ phận người trẻ sử dụng mạng xã hội thích theo dõi và rất hứng thú với "giang hồ mạng" đơn giản là vì cảm thấy đó là một thế giới khác, thế giới họ chưa từng chạm tới.

Ở đó, người trẻ được dẫn dắt vào một cuộc sống mà họ chưa có cơ hội thâm nhập và ngây ngô tin rằng nó thú vị và hay ho.

Những điều xuất hiện trên mạng xã hội rồi một ngày nào đó sẽ diễn ra ở đời thực, kể cả tích cực lẫn tiêu cực. Khi thần tượng một cá nhân không vì tài năng mà bởi những hành động đi ngược với xã hội, giới trẻ rất dễ bắt chước, thực hiện những hành vi tương tự, thậm chí còn manh động hơn. 

Những vụ học sinh đánh nhau một cách hung hãn, tàn nhẫn như với kẻ thù, chà đạp, dằn mặt nhau, cư xử với nhau một cách vô học, vô pháp luật… phải chăng chính là một trong những hệ quả của việc thần tượng hóa các “giang hồ mạng”?

Là con dao hai lưỡi, mạng xã hội khiến những ai thiếu kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh khó phân biệt tốt xấu. Do đó, ngăn chặn thứ virus có tên "giang hồ mạng" lây lan là trách nhiệm của cả cộng đồng. Sự lệch lạc sẽ không xảy ra nếu ngay từ đầu khán giả trẻ được giáo dục và nhận thức đúng cách, nếu chúng ta đừng hùa theo số đông để dung túng cho những thứ tầm thường nở rộ. 

Từng có nhiều tay “anh chị” trên mạng phải trả giá đắt trước pháp luật. Để ngăn thứ virus độc hại kể trên, cần có sự mạnh tay của các cơ quan chức năng, xử lý dứt điểm hiện tượng “giang hồ mạng” và cả những nền tảng xuyên biên giới đang dung túng cho hành vi này.

Thanh Tùng
Bình luận
vtcnews.vn