Trong bài phát biểu kéo dài 30 phút hôm 16/2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence kêu gọi các lãnh đạo chính trị tại Hội nghị tẩy chay gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc - Huawei.
"Mỹ rất rõ ràng với các đối tác về đe dọa an ninh từ Huawei và các công ty viễn thông khác của Trung Quốc. Luật pháp Trung Quốc yêu cầu các công ty này cung cấp cho bộ máy an ninh lớn mạnh của Trung Quốc quyền tiếp cận vào bất cứ dữ liệu nào trong mạng lưới và thiết bị của họ", ông Pence phát biểu.
Ngay sau bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Trung Quốc không hề có ý định tìm kiếm quyền bá chủ công nghệ.
"Chúng ta cần tuân theo cách tiếp cận mới về hợp tác cùng có lợi và các bên đều giành được thắng lợi, đồng thời từ bỏ các định kiến về ý thức hệ và tâm lý lỗi thời về một trò chơi được ăn cả, ngã về không khi người thắng sẽ giành được tất cả", ông Dương cho biết.
Trong phần phản biện các câu hỏi được đặt ra sau bài phát biểu của mình, ông Dương nói thêm rằng Huawei đang hợp tác chặt chẽ với các công ty châu Âu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
"Luật pháp Trung Quốc không yêu cầu các công ty phải thiết lập cửa sau hay thu thập các thông tin tình báo", ông này nói thêm.
Liên Minh tình báo "Năm Con mắt" bao gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand cùng với Nhật Bản đã và đang lên kế hoạch cấm Huawei cung cấp thiết bị mạng 5G tại các quốc gia này. Nhiều quốc gia khác như Đức đang tham vấn các tập đoàn viễn thông để quyết định có ngừng hợp tác với Huawei hay không.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu leo thang lên một cấp độ mới sau khi Giám đốc tài chính Huawei Meng WanZhou bị bắt giữ tại Vancouver theo yêu cầu của Mỹ. Bà Meng đang phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Washington áp đặt lên Iran.
Sự đối đầu gay gắt giữa Mỹ-Trung tại Munich diễn ra vài ngày sau khi quan chức cấp cao 2 bên kết thúc vòng đàm phán cuối cùng về thương mại tại Bắc Kinh. Tổng thống Trump nói rằng các cuộc đối thoại đã diễn ra hết sức tốt đẹp và quan chức 2 bên sẽ gặp lại nhau tại Washington vào tuần tới. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang cố gắng tiến đến một thỏa thuận trước khi thỏa thuận đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày hết hạn vào 1/3 tới đây.
Phát biểu tại Munich, ông Pence nói rằng các cuộc đàm phán không chỉ đơn giản là về sự mất cân bằng thương mại.
"Trung Quốc phải giải quyết các vấn đề đã tồn tại trong thời gian dài về đánh cắp sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ và các vấn đề cấu trúc ở Trung Quốc đang đặt gánh nặng lên nền kinh tế Mỹ và các nền kinh tế khác trên thế giới", ông Pence nói, nhấn mạnh quan hệ thương mại mới giữa 2 nước cần thiết lập trong thời gian tới phải đảm bảo tự do, công bằng và có đi có lại.
Trong khi đó, ông Dương khẳng định Bắc Kinh muốn tăng cường hợp tác với Mỹ, nhưng hoài nghi về chủ nghĩa bảo hộ và chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.
"Lịch sử nói với chúng tôi rằng chúng tôi chỉ có thể hiện thực hóa giấc mơ của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn bằng cách phát huy chủ nghĩa đa phương và tăng cường hợp tác toàn cầu", Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc nhấn mạnh.
Ông này cùng với đó kêu gọi 2 quốc gia lựa chọn đối thoại để giải quyết xung đột và nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương là vấn đề cần quan tâm hơn bao giờ hết.
“Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải. Chúng tôi kịch liệt phản đối bất kỳ hành động nào gây tổn hại chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc với cớ tự do hàng hải”, ông Dương cho hay.
Ngày 11/2, Mỹ điều hai tàu chiến tiến vào khu vực tranh chấp trên Biển Đông mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay.
Theo Reuters, quan chức Mỹ cho biết 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ đã tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chiến dịch này là nỗ lực mới nhất của Washington chống lại điều mà Mỹ nhìn nhận là những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế tự do hàng hải trong khu vực.
Bình luận