Những năm gần đây, người ta chuyển sang chơi đào tự nhiên, đào rừng, đào càng cổ thụ càng xù xì, dáng tự nhiên càng đáng giá.
Chẳng thế mà cứ đến độ cuối tháng chạp (tháng 12 âm lịch), người ta lại thấy những chuyến xe từ miền ngược "đánh" đào về Thủ đô. Trên xe là những gốc đào, cành đào xù xì, rêu phủ, thân mốc… từ núi rừng Tây Bắc.
Nhiều người lo ngại cho tình trạng “máu rừng” chảy về xuôi mỗi dịp tết đến. Người dân ồ ạt chặt bỏ những gốc đào cổ thụ để bán cho thương lái, những nụ đào phai, đào rừng chum chím của Sapa, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái… của núi rừng Tây Bắc cho đến đào từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn của vùng Đông Bắc đều bị bật gốc để phục vụ các dân chơi hoa tết.
Ngày trước, quả đào tiên là nguồn thu nhập lớn của người dân trên núi Mẫu Sơn. Đào Mẫu Sơn quả to, trung bình một quả nặng khoảng 2 lạng, khi chín quả có màu hồng như cánh hoa, ăn có vị ngọt, giòn và đặc biệt rất thơm. Vì kích thước lớn, nên ngoài cái tên đào Mẫu Sơn gắn với địa danh núi Mẫu Sơn thì người dân còn gọi loại cây này là đào tiên.
Ông Triệu Chằn Sỉu bản Khuẩy Tẳng, xã Mẫu Sơn, Lạng Sơn cho biết, nguồn gốc cây đào tiên gắn liền với sự tích núi cha, núi mẹ và 7 nàng tiên tại quần thể núi Mẫu Sơn.
“Ngày xưa, núi cha đi đánh giặc phương Bắc, để lại núi Mẹ ở nhà trông coi nhà cửa, ruộng vườn. Sau khi thắng trận trở về. Núi cha nghe người ta đàm tiếu rằng núi mẹ ở nhà đem lòng yêu người khác. Trong cơn ghen, núi cha rút kiếm chém rơi đầu núi mẹ.
Ngọc Hoàng biết chuyện liền cho 7 nàng tiên xuống trần gian để minh oan cho núi mẹ. Sau đó, họ hóa thân thành 7 dòng suối. Trên 7 dòng suối đó mọc lên một loài cây lạ, có hoa màu đỏ, quả thơm, ngọt, khi chín vỏ hồng tựa hoa. Người dân quanh núi thấy lạ liền đặt tên cho loài cây này là đào tiên” – ông Sỉu kể.
Nhưng những năm gần đây, do các gốc đào cũng đều mấy chục cho đến 100 tuổi nên không còn cho quả nữa. Hoặc nếu ra quả, thì cũng rất bé, không còn to, thơm, giòn như ngày trước. Hiệu quả kinh tế không cao nên một số người dân chặt bỏ để trồng cây khác.
Nhưng những năm gần đây, thương lái dưới xuôi đổ lên đây mua đào, họ mua cả gốc, cành nên nhiều người bán cho thương lái với giá từ 300 – 500 nghìn đồng/ gốc.
Theo ông Sỉu, không phải gốc nào họ cũng lấy, họ đi cùng người dân vào vườn, gốc nào đẹp mới chọn, sau đó thuê dân bản đào gốc vận chuyển ra ngoài để chở về xuôi.
Nhìn những vườn đào xơ xác, ông Sỉu tiếc: “Trước đây, những vườn đào cứ đến độ xuân về là đỏ rực cả núi rừng, rồi đến độ tháng 5 – 6 thì người dân lại mừng vui đi hái quả. Nhưng nay, cảnh tượng đó không còn nữa, những vườn đào có lẽ cũng chẳng mấy chốc mà biến mất.”
Ông Sỉu bảo, đào tiên khác với các giống đào khác vì nó không nở hoa vào dịp tết, thường thì ra tết hoa mới nở. Thế nên, người dân muốn bán cành đào để người dân cắm tết cũng chẳng ai mua vì nó chưa ra hoa. Đào chủ yếu bán cho các thương lái lên trực tiếp vườn để mua cả cây mang về xuôi bán cho những người sành chơi tết.
Quanh núi Mẫu Sơn, có 4 bản nổi tiếng nhiều đào là Ngàn Pặc, Pác Đay, Cốc Chanh, Khuẩy Tao thuộc các xã Mẫu Sơn và Công Sơn của huyện Lộc Bình. Ở đây có những gốc đào cổ thụ từ 60 – 100 năm tuổi.
Theo lời một lái buôn tiết lộ, mỗi gốc đào mua tại vườn giá chỉ vài trăm nghìn, có gốc đắt thì hơn 1 triệu, nhưng khi đem về xuôi, giá có thể lên đến vài chục cho đến cả trăm triệu tùy vào khách chơi.
Nhìn những vườn đào nham nhở, những gốc đào cổ thụ hàng trăm năm bị đào bới chỉ còn trơ lại hố, nhiều người hẳn sẽ luyến tiếc cho một giống đào quý đang ngày càng mai một ở đỉnh Mẫu Sơn.
Video: Những gốc đào tết cổ thụ giá khủng ở Hải Phòng
Bình luận