Ngược dòng chưa từng có
Với người chăn nuôi lợn, có lẽ Tết năm nay sẽ vui hơn bao giờ hết, bởi gần như trong suốt năm 2018 và cho đến những ngày cận Tết, giá thịt lợn xuất chuồng luôn ở mức cao ngất ngưởng. Theo đó, người chăn nuôi thu lãi từ 1-1,5 triệu đồng/con.
Còn nhớ, năm 2017, mà đỉnh điểm là tháng 4/2017, chăn nuôi lợn Việt Nam gần như vỡ trận do nguồn cung dư thừa. “Cơn bão giá” càn quét qua tất cả các tỉnh thành từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, kéo giá lợn giảm kỷ lục xuống chỉ còn 15.000-17.000 đồng/kg.
Lợn giống giảm giá theo, nhiều nơi còn "mua 1 tặng 1". Hàng trăm ngàn hộ chăn nuôi thua lỗ nặng, nợ nần chồng chất, đứng bên bờ vực phá sản,...
Khi ấy, để giúp người chăn nuôi bớt khó khăn, vượt qua khủng hoảng, một cuộc giải cứu ở quy mô quốc gia diễn ra với lời kêu gọi “toàn dân ưu tiên ăn thịt lợn”.
Thậm chí, người đứng đầu ngành nông nghiệp còn đích thân về tận cơ sở để kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ người chăn nuôi bằng cách tăng cường khẩu phần thịt lợn trong bữa ăn của cán bộ công nhân viên.
Cùng với chiến dịch giải cứu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu phải “tái cơ cấu” ngành hàng này bằng biện pháp giảm ngay đàn lợn nái nhằm điều tiết cung cầu, kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành hỗ trợ đầu vào cho người chăn nuôi (bán thức ăn, con giống không lãi suất),...
Sau đúng một năm, đầu tháng 4/2018, ngành hàng thịt lợn có cú lật ngược tình thế đầy ngoạn mục khi giá thịt lợn hơi xuất chuồng bật tăng mạnh, từ lỗ sang hòa vốn. Các tháng tiếp theo đó, giá thịt lợn tiếp tục tăng cao ngất ngưởng, người chăn nuôi thu lãi đậm.
Cao điểm nhất là vào thời điểm tháng 10/2018, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại một số địa phương tăng kỷ lục, lên mức 56.000 đồng/kg.
Thời điểm ấy, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) thừa nhận rằng, với mức giá lợn hơn lên tới 54.000-56.000 đồng/kg (tăng 200%) Việt Nam lọt tốp nước có giá thịt lợn cao nhất thế giới.
Trước đà tăng giá mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lại phải triệu tập một cuộc họp khẩn cùng các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đầu tàu ngành chăn nuôi họp bàn tìm cách kìm hãm đà tăng của giá thịt lợn xuống dưới mốc 50.000 đồng/kg. Ông cho rằng, nếu không kiềm chế giá thịt lợn xuống mức hợp lý thì chính chúng ta sẽ đánh mất thị trường.
Sau cuộc họp, giá thịt lợn tháng 11 giảm nhẹ xuống còn 45.000-52.000 đồng/kg và duy trì ổn định cho tới nay. Với mức giá này, người chăn nuôi đảm bảo có lãi, người tiêu dùng cũng có thể chấp nhận được và không phải mua thịt lợn với giá quá đắt.
Một năm nhìn lại, ông Nguyễn Xuân Dương nhận định, khi các nước gặp vấn đề thừa cung, họ mất một thời gian khá dài để vực lại ngành chăn nuôi lợn. Ví như Thái Lan họ mất tới 5 năm, Trung Quốc mất 3 năm, trong khi đó ở Việt Nam chúng ta chỉ mất đúng 1 năm. Đây là thành tựu rất lớn, đáng ghi nhận của ngành.
Giấc mơ xuất khẩu thành hiện thực
Không chỉ vượt qua khủng hoảng, giúp người nuôi từ thua lỗ sang lãi đậm, năm 2018, ngành chăn nuôi còn xuất khẩu chính ngạch thành công thịt lợn đông lạnh sang Myanmar dù khối lượng còn khá khiêm tốn.
Ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định, đây chính là thành tựu lớn thứ hai của chăn nuôi lợn trong năm 2018 - ngành chiếm tỷ trọng lớn trong ngành chăn nuôi. Năm 2018, đàn lợn tăng 2% so với năm 2017, sản lượng thịt lợn đạt 3,8 triệu tấn, đáp ứng sự phát triển, đảm bảo ổn định cho người chăn nuôi "được mùa được giá".
Nếu cách đây 20 năm, Việt Nam xuất khẩu thịt lợn mảnh sang Nga theo hình thức “trả nợ”, thì từ đó chúng ta cũng chỉ xuất khẩu được thịt lợn sữa và thịt lợn choai sang một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Sau 2 thập kỷ, ngành hàng có giá trị lên tới 200.000 ngàn tỷ đồng (khoảng gần 10 tỷ USD) lần đầu tiên xuất khẩu được thịt lợn đông lạnh chính ngạch với khối lượng tối thiểu 1 container 40 feed (khoảng 26 tấn thịt lợn tươi đông lạnh) sang Myanmar.
Thịt lợn xuất đi là thịt lợn sạch, an toàn vệ sinh và có thể truy xuất được nguồn gốc. Không chỉ vậy, giá thịt lợn xuất khẩu của Việt Nam còn cao hơn 15% so với giá thịt lợn thế giới.
Đây được xem là điều chưa từng có, bởi từ trước đến nay, phần lớn thịt lợn hơi từ Việt Nam được xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, còn thịt lợn tươi chưa xuất khẩu được do vướng nhiều rào cản.
Có quy mô đàn lợn đứng thứ 6 thế giới, ông Nguyễn Xuân Dương nhận định đây là ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam. Đặc biệt, với lợi thế đang được các tập đoàn chăn nuôi lớn trong nước và quốc tế đầu tư mạnh, thời gian tới chăn nuôi lợn không chỉ cung cấp ra thị trường thịt lợn tươi mà còn đẩy mạnh cả các sản phẩm đã qua chế biến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Năm 2019, Việt Nam tiến tới xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng khác. Đây là lối ra duy nhất để khai thông, giúp ngành này phát ổn định và bền vững.
Bình luận