• Zalo

Tử tù Đặng Văn Hiến gửi đơn xin Chủ tịch nước ân xá

Pháp luậtThứ Sáu, 13/07/2018 22:03:00 +07:00Google News

Trong đơn xin ân xá, bị cáo Hiến cầu cứu Chủ tịch nước, TAND Tối cao xem xét quá trình, hoàn cảnh phạm tội của mình.

Tối 13/7, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao tại TP HCM vừa tuyên án tử hình đối với bị cáo Đặng Văn Hiến về tội giết người. 

Theo luật sư Quynh, sau khi nhận bản án, bị cáo Đặng Văn Hiến có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá, miễn giảm tội tử hình. 

150309-img_1644

Người thân bị cáo Đặng Văn Hiến gào khóc khi nghe tin bị cáo lĩnh án tử hình. 

Trong đơn, bị cáo Hiến viết: "Bản thân tôi là người dân tộc thiểu số, nghèo khó từ Lạng Sơn vào Đắk Nông và phải ở nơi sơn cùng để tìm kế sinh nhai. Lúc thực hiện hành vi phạm tội, tôi đã định kết liễu đời mình nhưng được người dân động viện để ra đầu thú, nhận sự khoan hồng của pháp luật. Chính lúc ra đầu thú, các chiến sĩ công an cũng rơi nước mắt khi chứng kiến hoàn cảnh của gia đình tôi. Các anh động viên tôi về chính sách khoan hồng của nhà nước”.

Trong đơn, bị cáo Hiến cầu cứu Chủ tịch nước, TAND Tối cao xem xét quá trình, hoàn cảnh phạm tội của mình. Bị cáo Hiến cho rằng hành vi phạm tội của mình là rất nghiêm trọng, gây ra sự đau thương cho các gia đình các bị hại. Tuy nhiên, bị cáo cũng cho rằng, vì bị công ty Long Sơn đẩy vào bước đường cùng nên bị cáo mới có hành động như vậy.

Theo bị cáo Hiến, sau phiên tòa xét sử sơ thẩm và tại phiên phúc thẩm, đại diện gia đình các nạn nhân cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho mình. Bị cáo Hiến tha thiết xin Chủ tịch nước được một lần "tái sinh" trong cuộc đời và hứa sẽ là một công dân tốt, để con của bị cáo không mất cha, vợ của bị cáo không mất chồng...

"Chỉ còn vỏn vẹn 7 ngày nữa, tôi đang nằm trong ranh giới sự sống và cái chết, dù còn chút hy vọng mong manh trong thời khắc này, tôi vẫn mong các cấp thấu hiểu được bản chất sự việc vì tôi cũng là nạn nhân", bị cáo Hiến viết.

36912971_599023330495078_1855798176817086464_n-1306052

Bị cáo Hiến tại phiên tòa.  

Như VTC News đưa tin, sáng 2/1, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đưa ra xét xử các bị can liên quan trong vụ nổ súng tranh chấp đất bắn chết 3 người, 13 người bị thương ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.

6 bị cáo bị truy tố 3 nhóm tội danh gồm giết người, che giấu tội phạm và hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

3 bị cáo bị truy tố tội danh giết người gồm: Đặng Văn Hiến (SN 1976, trú xã Quảng Trực), Hà Văn Trường (SN 1985, người làm công cho bị cáo Hiến) và Ninh Viết Bình (SN 1982, trú xã Quảng Trực). Còn Đoàn Văn Diện (SN 1980, trú huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) bị truy tố tội che giấu tội phạm.

Ngoài ra, 2 bị cáo là: Nghiêm Xuân Thiên Sửu (SN 1962, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Long Sơn) và Phạm Công Thiện (SN 1977, trưởng quản lý công ty) bị truy tố tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Trước đó, năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông cho Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Long Sơn (gọi tắt là Công ty Long Sơn) thuê 1.079 ha đất rừng tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực) để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp.

14825568_277698335960914_1746942589_n-1651 3

Đặng Văn Hiến đầu thú với cán bộ điều tra sau khi gây ra sự việc.

Trong quá trình thực hiện dự án, một số hộ dân thâm canh trồng điều, cà phê, cao su, sau đó bán cho các hộ dân khác.

Ngày 15/10/2016, ông Sửu gọi ông Thiện cùng các tổ trưởng bảo vệ họp bàn bạc, chuẩn bị máy cày, xe ủi, áo giáp, lá chắn, gậy… để san ủi vườn cây do gia đình ông Hiến và ông Hoàng Văn Thắng trồng.

Khoảng 6h ngày 23/10/2016, ông Sửu và ông Thiện chỉ đạo Lê Phi Thông, Dương Văn Tiến, mỗi người lái một xe ủi. Anh Lê Thanh Phong lái máy cày, chở theo 30 nhân viên công ty Long Sơn đến khu vực rẫy của gia đình ông Thắng, phá hơn 330 cây trồng các loại của một số gia đình.

Phát hiện khoảng 10 nhân viên của công ty Long Sơn tiến về phía nhà mình, ông Hiến mang súng ra chặn. Khi hai bên cách nhau khoảng 5m, ông Hiến bắn một phát. Thấy nhóm công nhân dùng đá ném liên tiếp về phía mình, ông Hiến bắn liên tục nhiều phát súng vào đám đông.

Vụ nổ súng khiến các anh Điểu Vinh, Điểu Tào và Dương Văn Tiến chết tại chỗ, 13 người khác bị thương.

Sau khi gây án, ông Hiến và ông Trường bỏ trốn đến nhà ông Trần Văn Lập (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Nghe ông Hiến kể về vụ việc, ông Lập khuyên ông Hiến ra đầu thú. Nghe lời khuyên của nhiều người, ông Hiến đã ra cơ quan công an đầu thú.

THANH HẢI
Bình luận
vtcnews.vn