Kỳ II: Khi Tổ quốc gọi tên
Đúng 7 giờ sáng, tàu HQ-634 di chuyển vào Âu cảng Bạch Long Vĩ. Cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo đón chúng tôi bằng những cái bắt tay và cái ôm thật chặt. Trong giây phút nồng ấm, những người từ đất liền và ở nơi đảo xa bỗng lạ hóa thành quen.
Chúng tôi đứng trên bến cảng mà thấy đất trời Tổ quốc ta nơi đầu sóng thật tươi đẹp biết bao. Khoảnh khắc ấy lắng đọng, linh thiêng như đang đứng nghiêm mình hát Quốc ca dưới lá cờ Tổ quốc đang tung bay trên Cột cờ Lũng Cú.
Trước khi lên đảo, Đại tá Nguyễn Viết Khánh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân chia sẻ với chúng tôi: Biển đảo là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lực lượng nòng cốt là Hải quân Nhân dân Việt Nam, trong đó có Hải quân Nhân dân Vùng 1 luôn nỗ lực bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; tuần tra, kiểm soát để đảm bảo an ninh, an toàn khu vực.
Đảo Bạch Long Vĩ thường được người dân gọi là “đuôi rồng trắng” và là đảo tiền tiêu xa bờ nhất của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ. Tuy có diện tích nhỏ nhưng đảo có vị trí quan trọng trong việc mở rộng các vùng biển và phân định biển Vịnh Bắc Bộ. Đây cũng là 1 trong 8 ngư trường lớn của Vịnh, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, AN – QP biển của nước ta.
Những chia sẻ của Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng I Hải quân Nguyễn Viết Khánh được chúng tôi trải nghiệm ngay khi đặt chân lên đảo và tới thăm Trạm Ra-đa 490, thuộc Tiểu đoàn 151, Lữ đoàn 170 - nơi ví như “con mắt” của biển và cũng chính nơi này có rất nhiều cán bộ, chiến sỹ vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc giao phó đã hy sinh thầm lặng hạnh phúc riêng tư để bám biển, bám đảo tham gia vào hành trình giữ gìn bình yên biển đảo quê hương.
Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa - nhân viên thông tin Trạm Ra-đa 490, quê ở xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo (thành phố Hải Phòng) đã trải qua gần 30 năm gắn bó với đảo Bạch Long Vĩ. Đối với anh, “đuôi rồng trắng” đã trở thành quê hương thứ hai. Trong câu chuyện anh kể, chúng tôi càng thêm thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, gian khó của những người lính đang ngày đêm canh cánh sóng nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Anh Nghĩa bắt đầu ra đảo thực hiện nhiệm vụ từ năm 1992; ngày ấy, Bạch Long Vĩ còn khá hoang sơ, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, người dân thưa thớt, nước sinh hoạt thiếu thốn. Khó khăn là vậy, nhưng với sự đoàn kết, đùm bọc của tình đồng chí đã giúp những người lính đảo vượt qua khó khăn.
Sau 4 năm công tác, anh Nghĩa kết duyên vợ chồng với nữ Thanh niên xung phong, tình nguyện ra xây dựng đảo Bạch Long Vĩ. Mối tình đẹp ấy kết tinh bằng 2 cậu con trai kháu khỉnh. Cuộc sống gia đình đang đầm ấm, yên vui trên đảo, thì mới đây, vợ anh bị ốm và phát hiện mắc bệnh u tuyến giáp phải về đất liền phẫu thuật, chữa trị.
Trong không khí đón Xuân rộn ràng thay vì vui vầy, chuẩn bị đón Tết với vợ con, Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa đành tạm gác lại hoàn cảnh riêng, “cắm chốt” cùng đồng đội ở lại trực Tết theo phân công của đơn vị.
Khi được sự động viên của Đoàn công tác Vùng I Hải quân, trong giây phút xúc động, người lính biển kiên cường, dạn dày sương gió vẫn không thể ngăn được nước mắt rơi.
Đưa tay gạt nước mắt, giọng anh Nghĩa nghẹn ngào: “Bệnh tật là điều không ai mong muốn, ở nơi đảo xa này chỉ mong bệnh tật của vợ sẽ sớm cải thiện, may mắn sẽ đến với gia đình. Bản thân luôn xác định nhiệm vụ của người lính và của cấp trên giao phó nên sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ biển đảo quê hương”.
Ở đảo xa Bạch Long Vĩ, lớp lớp các thế hệ tiếp bước truyền thống cha anh đi trước bảo vệ biển, trời Tổ quốc. Có những chàng lính biển đã vài năm đón Tết trên đảo và có chiến sỹ lần đầu tiên đón Tết xa nhà. Khi Tổ quốc gọi tên, những người lính Hải quân đã gác lại tình riêng, thầm lặng giữ bình yên cho đất nước trọn niềm vui.
Chiến sỹ Nguyễn Văn Kiền, quê ở huyện Hưng Hà (Thái Bình) vừa mới tham gia công tác tại đảo được hơn 2 tháng. Người lính trẻ lần đầu tiên đón Tết ở nơi đảo xa không tránh khỏi nỗi nhớ nhà da diết.
Kiền chia sẻ với chúng tôi: “Tết đến, Xuân về, ai cũng muốn được sum vầy cùng gia đình, người thân, nhưng khi được giao nhiệm vụ, chúng em luôn xác định rõ tư tưởng được bảo vệ, giữ gìn sự bình yên biển đảo của Tổ quốc là niềm vinh dự cao cả của người lính Hải quân. Hơn nữa, được sự quan tâm chăm lo, đùm bọc của cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị nên chúng em cũng phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ Tết đất liền”.
Không khí đón Tết trên đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ rộn ràng như trong đất liền. Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân được khỏa lấp bằng những nụ cười giòn tan và kỷ niệm vui qua câu chuyện kể của người lính đảo. Mọi người phân công nhau, người trang trí cây cảnh, người rửa lá gói bánh chưng, người chăm sóc vườn rau… tạo nên bầu không khí đầm ấm tình người.
Các đơn vị trên đảo tổ chức nhiều hoạt động vui chơi trong những ngày Tết, bảo đảm cho bộ đội, người dân đón Tết đầm ấm, đầy đủ hương vị Tết cổ truyền. Vui Xuân, những người lính Hải quân vẫn không quên nhiệm vụ, luôn chắc tay súng, bám sát mục tiêu, không lơ là, mất cảnh giác, từng phút, từng giây giữ yên biển, trời Tổ quốc nơi đầu sóng.
Bình luận