Tin tức

'Tự chủ toàn diện như áo khoác, bệnh viện có danh mà không thực'

Thứ Sáu, 11/11/2022 10:35:34 +07:00

(VTC News) - Cho rằng tự chủ toàn diện như áo khoác, bệnh viện có danh không thực, đại biểu Quốc hội đề nghị xem lại chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển.

“Có danh không thực”

Trước thực trạng các bệnh viện lớn xin chuyển hình thức tự chủ hoàn toàn sang chi thường xuyên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) thừa nhận, các bệnh viện công lập hiện nay dù tự chủ theo mức nào cũng vẫn gặp khó khăn về thiết bị, nhân lực… 

Vấn đề cốt lõi ở đây là chính sách. Khi nào chưa cụ thể được chính sách, các bệnh viện vẫn bị trói buộc, chuyển từ khó khăn này sang khó khăn khác.

Chỉ ra hạn chế của tự chủ toàn diện bệnh viện, bà Lan thẳng thắn: “Chúng ta đang đi sai hướng trong chính sách tự chủ bệnh viện”. Tự chủ tức là bệnh viện được tự quyết các vấn đề liên quan lãnh đạo, nhân sự, dịch vụ giá khám chữa bệnh, mua sắm trang thiết bị…

Thực tế, dù tự chủ hoàn toàn, cả bốn bệnh viện thí điểm (Bạch Mai, K, Việt Đức, Chợ Rẫy) vẫn không được quyết ở các lĩnh vực. Trong khi đó, Nhà nước rút lại ngân sách, lương không cấp, tiền đầu tư trang thiết bị không có, bệnh viện muốn duy trì phải tự kiếm tiền ngoài, “mức tiền đó đến từ đâu, đến từ người bệnh”.

'Tự chủ toàn diện như áo khoác, bệnh viện có danh mà không thực' - 1

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, khi tự chủ, bệnh viện được tự quyết các vấn đề liên quan lãnh đạo, nhân sự, dịch vụ giá khám chữa bệnh...

“Tự chủ ở các bệnh viện hiện chỉ như chiếc áo khoác, có danh mà không thực. Bệnh viện không được tự quyết bất kỳ vấn đề gì, đều bị trói buộc trong các quy định, luật”, bà Lan nói.

Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội ngày 5/11, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc ủng hộ việc các bệnh viện xin rút tự chủ toàn diện. Theo ông, bệnh viện gặp khó khi huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác tài chính.

Điển hình như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K... trước đây tạo điều kiện cho các đơn vị có nguồn thu nhưng giờ nguồn thu khó khăn, liên doanh, liên kết gặp khó khăn. Các đơn vị xin thôi không thực hiện tự chủ hoàn toàn mà chuyển sang một phần, nghĩa là tự chủ phần chi thường xuyên, còn chi đầu tư (mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới...) thì ngân sách Nhà nước phải đảm bảo. “Tôi cho rằng điều này hợp lý", ông Phớc nói.

Bộ trưởng Tài chính nói thêm, bỏ tự chủ toàn diện sẽ giúp các bệnh viện có nguồn thu ổn định và phát triển. Có như vậy chất lượng dịch vụ mới ngày một tăng và việc phục vụ người dân tốt hơn.

Y tế là một trong hai trụ cột an sinh xã hội quan trọng nhất hiện nay. Lĩnh vực này phục vụ không tốt sẽ ảnh hưởng sức khỏe của người dân. "Do đó, khi xây dựng cơ chế tự chủ, cần thận trọng, chắc chắn và tránh làm theo phong trào", ông nêu quan điểm.

Chuyển hình thức tự chủ vẫn gặp khó

Là đơn vị từng thí điểm tự chủ toàn diện và chỉ sau hai năm phải xin về tự chủ một phần là tự đảm bảo chi thường xuyên, đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), chia sẻ đến giờ đơn vị vẫn gặp khó khăn.

Ông Thức liệt kê các vấn đề tồn đọng khi thực hiện tự chủ như giá dịch vụ khám chữa bệnh mới chỉ tính 4/7 yếu tố. Ba yếu tố chưa được tính vào giá gồm khấu hao tài sản, chi phí bộ phận gián tiếp để vận hành bệnh viện, chi phí đào tạo bồi dưỡng chuyển giao công nghệ. Điều này dẫn đến đơn vị không có nguồn thu để tái đầu tư, người bệnh không được tiếp cận với các thiết bị tiên tiến.

Bên cạnh đó, bệnh viện còn phải tự cân đối tiền công, lương và các chi phí hợp pháp để chi trả cho bộ phận gián tiếp, làm hạn chế cơ hội phát triển các kỹ thuật mới và đào tạo nâng cao tay nghề của nhân viên y tế.

'Tự chủ toàn diện như áo khoác, bệnh viện có danh mà không thực' - 2

Đơn vị không có nguồn thu để tái đầu tư, người bệnh không được tiếp cận với các thiết bị tiên tiến. (Ảnh minh họa).

Để cân đối không vượt tổng mức thanh toán, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn phải gánh thêm nhiều nhiệm vụ khác như: chọn thuốc trong - ngoài danh mục bảo hiểm chi trả, kỹ thuật cao, thuốc thanh toán theo tỉ lệ... để cân đối chi phí điều trị cho người bệnh, điều này ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

Theo đại biểu này, khó khăn lớn nhất là cơ cấu viện phí không tính khấu hao thiết bị. Bệnh viện tự chủ từ năm 2009 đến nay các đời máy đều cũ, bắt buộc phải dùng máy mượn, máy đặt, chờ đến khi xây dựng đầy đủ mẫu giá mới có thể bỏ hình thức đặt, mượn, bây giờ không mượn thì bệnh viện đóng cửa.

Máy móc cao cấp ở bệnh viện công hỏng, cũ khó sửa chữa thì bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo, sẽ chịu thiệt thòi, không đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh. 

Ông Thức đề nghị cần nghiên cứu rõ việc tự chủ bệnh viện. Dù ở hình thức tự chủ nào, bệnh viện vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân chính là cơ chế chồng chéo, chưa rõ ràng trong việc đấu thầu, mua bán thuốc, vật tư y tế và giá khám chữa bệnh.

Lối thoát nào cho bệnh viện tự chủ?

Đại biểu Hoàng Văn Cường ngỡ ngàng khi bệnh viện lớn như Bạch Mai và Bệnh viện K - nơi có đầy đủ điều kiện và thế mạnh để tự chủ - lại xin thôi để quay về hưởng bao cấp từ ngân sách. Trong khi đó, rất nhiều cơ sở y tế mong chờ được tự chủ và thực tế cơ chế này đang được thực hiện khá thành công ở các đại học.

Phần lớn bác sĩ mong muốn bệnh viện đầy đủ trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư y tế đúng chủng loại để được toàn quyền lựa chọn thực hiện phác đồ điều trị hữu hiệu nhất. Nếu được hưởng mức thù lao tương xứng công sức bỏ ra và hiệu quả đóng góp, bác sĩ sẽ toàn tâm toàn ý, dành hết năng lực để khám, chữa bệnh tại bệnh viện, không phải "chân trong chân ngoài", tất bật với phòng khám tư.

"Những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép bệnh viện công khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh vốn có", ông Cường nói.

Đại biểu Cường đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế quy định rõ tự chủ là trao quyền cho bệnh viện tự quyết định hoạt động khám chữa bệnh; tổ chức bộ máy và con người phù hợp; tài chính của bệnh viện kể cả nguồn thu từ ngân sách. Bệnh viện được tự quyết sử dụng nguồn thu; mức chi trả lương; đầu tư, mua sắm; trích các quỹ đầu tư phát triển, quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo.

'Tự chủ toàn diện như áo khoác, bệnh viện có danh mà không thực' - 3

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị quy định rõ tự chủ là trao quyền cho bệnh viện tự quyết định hoạt động khám chữa bệnh.

Đại biểu này cũng lưu ý, cần tránh hiểu không đúng bệnh viện tự chủ là khoán trắng cho những nơi này tự lo. Nhà nước chi trả thông qua đặt hàng; đầu tư phát triển bệnh viện theo mục tiêu, nhiệm vụ nhà nước giao.

Dự luật cần quy định rõ cơ chế quản lý tài sản để bệnh viện chủ động lựa chọn phương thức đầu tư mua sắm, thuê, liên doanh liên kết máy móc, trang thiết bị.

"Tôi tin rằng, nếu được bổ sung đầy đủ cơ chế nêu trên sẽ giải quyết được bất cập đang xảy ra trong công tác quản lý bệnh viện. Cơ sở khám chữa bệnh công lập sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng", ông Cường bày tỏ.

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, việc đồng ý cho các bệnh viện thôi tự chủ toàn diện chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài thì quan trọng nhất là gỡ chính sách.

Bà đề xuất hai giải pháp giải quyết vấn đề tự chủ ở các bệnh viện hiện nay. Điều quan trọng nhất lúc này là tổng kết và rút kinh nghiệm, thẳng thắn nhìn vào hạn chế của thí điểm tự chủ toàn diện 4 bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, K, Việt Đức. Tiếp đó, chúng ta phải đưa vấn đề tự chủ bệnh viện trở thành một chương, nghiên cứu kỹ càng, quy định cụ thể trong Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) tới đây.

Giải pháp thứ hai được bà Lan đưa ra là thí điểm để cho các bệnh viện công tự chủ đúng nghĩa. 100% tự quyết từ lãnh đạo, nhân viên, mua bán thuốc, thu chi, Nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát và đưa ra khung kiểm định nhằm ngăn chặn sai phạm, tham nhũng. “Chúng ta cần nhìn vào các bệnh viện tư để làm bài học cho vấn đề tự chủ ở bệnh viện công”, bà Lan chia sẻ.

Video: Thiết bị gần 60 tỷ đồng ở Bệnh viện Bạch Mai phải 'đắp chiếu'

* Bốn bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức và K là những đơn vị đầu tiên trong ngành Y tế thí điểm tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện từ năm 2019 đến nay.

Theo Nghị quyết 33, cơ chế tự chủ giúp các bệnh viện chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các trung tâm kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhân... Nghị quyết cho phép các bệnh viện được xác định quỹ tiền lương theo doanh thu hoặc quỹ lương khoán, được quyền quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động. Giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo khung giá do Bộ Y tế ban hành.

Tuy nhiên, sau hai năm triển khai, tháng 7/2021, Bệnh viện Việt Đức và Chợ Rẫy trình ý kiến xin rút thực hiện tự chủ toàn diện. Sau đó một năm, tháng 11/2022 Bệnh viện Bạch Mai và K tiếp tục xin rút tự chủ toàn diện và được Chính phủ chấp thuận.

* Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, hiện bệnh viện thiếu trang thiết bị trầm trọng. Nhiều máy móc thiết bị, đặc biệt là máy phục vụ cho hệ thống chẩn đoán điều trị ung bướu và y học hạt nhân như máy Pet CT, cộng hưởng từ, xạ phẫu; máy hiện đại phục vụ phẫu thuật như thiết bị vi phẫu, robot... phải lưu kho hai năm nay vì được xem là tang vật của vụ án. Bệnh nhân đến khám không có thiết bị điều trị, bệnh viện phải chuyển lượng lớn người bệnh đến bệnh viện khác để chụp Pet, xạ trị...

Rơi vào tình trạng tương tự, tại Bệnh viện K (Hà Nội), khó khăn nhất hiện là thiếu thiết bị y tế. “Chúng tôi đang thiếu khoảng 10 máy xạ trị, trước bệnh viện có chín máy nhưng bốn máy đã hỏng, 5 máy còn lại sử dụng 24 giờ/ngày, bệnh nhân phải đi xạ trị cả ban đêm. Mỗi máy xạ trị giá 120 tỷ đồng, rất cao so với khả năng của bệnh viện. Chúng tôi cũng đang thiếu máy chụp cắt lớp, MRI và nhiều thiết bị”, đại diện bệnh viện chia sẻ.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn