Chiều nay (12/2), một lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) chưa ban hành bất cứ văn bản nào về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 xe ôtô vi phạm trên cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây ngày 10/2/2019 vào các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
“Hiện VEC E mới chỉ có báo cáo đề xuất gửi VEC để xem xét, xử lý, chưa ban hành văn bản chính thức từ chối phục vụ vĩnh viễn hai xe ô tô này”, lãnh đạo VEC nói và cho biết, sắp tới, đơn vị sẽ có văn bản báo cáo Bộ GTVT về vụ việc này.
Theo lãnh đạo VEC, do các quy định, hành lang pháp lý hiện nay chưa đầy đủ, trong thực tiễn khi tham gia giao thông có rất nhiều hành vi vi phạm cần phải có biện pháp xử lý ngay để đảm bảo an toàn, an ninh trên các tuyến đường cao tốc, nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, người tham gia giao thông tốt hơn.
“Nếu chúng ta không có chế tài, muốn phục vụ tốt người dân cũng khó. Cũng phải nói rõ, quy định của VEC hiện nay là từ chối phục vụ chứ không phải cấm phương tiện.
Chúng tôi đầu tư đường, có trách nhiệm quản lý đường thì phải có quyền từ chối phục vụ những phương tiện vi phạm không đáp ứng yêu cầu, bởi đây là quan hệ dân sự, còn việc xử phạt hành chính là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước", lãnh đạo VEC nói.
“Các tuyến đường của VEC đều có sự lựa chọn cho người tham gia giao thông chứ không phải đường độc đạo. Anh đi vào đường do chúng tôi quản lý phục vụ thì phải tuân thủ các quy định, không phải cứ bỏ tiền ra đi vào cao tốc rồi muốn làm gì thì làm", lãnh đạo VEC nói thêm.
Cũng theo lãnh đạo VEC, sắp tới, VEC sẽ có văn bản báo cáo Bộ GTVT, nhưng về nguyên tắc, VEC sẽ đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải có những hành động tích cực, hoàn thiện hành lang pháp lý để phòng chống việc một số cá nhân lợi dụng, gây rối, gây mất an ninh trật tự ảnh hưởng đến ATGT, gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác trên các tuyến đường cao tốc.
“Cái gì pháp luật không cấm mà làm tốt hơn cho người dân, cơ quan Nhà nước cần xem xét. Không phải chúng tôi ban hành quy định từ chối phục vụ vi phạm trên các tuyến đường cao tốc để trục lợi dụng gì cho doanh nghiệp, mà đây là vì mục tiêu chung để xây dựng văn hóa, kỷ cương khi tham gia giao thông ngày càng tốt hơn”, lãnh đạo VEC trần tình.
Trước đó ngày 10/2, Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) phát đi thông cáo báo chí thông tin về các sự cố làm tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ùn ứ kéo dài khoảng 6 km.
Theo công ty này, chiều tối cùng ngày xảy ra liên tiếp nhiều sự cố làm tuyến cao tốc bị ùn ứ. VEC E đã cho đóng nhánh A tại QL51 (hướng từ Phan Thiết, Vũng Tàu, Biên Hòa lên cao tốc về TP.HCM) lúc 18h và mở lại lúc 19h cùng ngày để thực hiện cứu hộ. Nhưng các sự cố trên vẫn làm một đoạn cao tốc dài 6 km bị ùn ứ.
VEC E cho biết đã thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 xe ôtô 51A-55... và 51G-77... trên tất cả các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác. Nguyên nhân từ chối phục vụ là do các xe trên vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác vào chiều tối 10/2.
Hiện VEC đang quản lý, khai thác 4 tuyến đường cao tốc là: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và một dự án đang triển khai thi công là tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Bình luận