Video: Phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy bắn rơi 7 máy bay Mỹ
Là người từng gắn bó với anh hùng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy, Trung tướng Phạm Phú Thái - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh thứ nhất, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân đã có những chia sẻ trên trang facebook cá nhân khi nhận tin ông Bảy từ trần.
VTC News đăng nguyên văn những dòng chia sẻ xúc động của Trung tướng Phạm Phú Thái về anh hùng Nguyễn Văn Bảy:
"Lúc 17h44 ngày 22/9, tôi nhận được cuộc gọi từ anh Quân - con trai cụ Bảy - báo tin cụ Bảy đang nguy kịch: "Ba cháu sắp đi rồi chú ơi, mạch đang lịm dần, huyết áp không đo được nữa. Bác sĩ bảo chỉ được 30-40 phút nữa thôi".
Nghe tin, tôi cứ bồn chồn ra vào lập kế hoạch vào viếng, đồng thời gọi cho quân chủng và bạn bè và báo T77 ra ngay bệnh viện để trợ giúp gia đình. Hơn 21h thì Quân gọi lại báo tin "ba cháu đi rồi chú ơi" trong tiếng khóc nấc nghẹn ngào.
Thế là anh đã vĩnh viễn xa chúng ta! Hàng trăm hàng nghìn bạn bè anh em đồng đội nghe tin anh bị tai biến đã đồng lòng nguyện cầu Trời Phật cho anh thoát khỏi kiếp nạn để trở về với gia đình, đồng đội. Nhưng không được nữa rồi.
Hôm qua nghe tin anh được ăn cháo mà lòng ai cũng ngập tràn hy vọng. Và mới thấy con người anh đã cảm hoá và giành được sự yêu quí của bao nhiêu bạn bè trên facebook qua bản tin tôi viết về anh đã được hàng nghìn người đọc và cả trăm lượt chia sẻ.
Thế là anh đã vĩnh biệt chúng ta. Nhớ tới anh, chúng tôi nhớ tới người phi công chiến đấu dũng mãnh, kiên cường, người đồng đội tình nghĩa thuỷ chung, người chỉ huy gần gũi chan hoà. Nhớ đến anh là nhớ đến những trận không chiến một mất một còn với không quân Mỹ mà ở đó không chỉ lòng quả cảm, tinh thần xả thân là có thể thắng được không quân Mỹ.
Mỗi trận đánh một diễn biến, một hình thái và tình huống khác nhau, đòi hỏi khả năng điêu luyện trong bao quát không gian xung quanh, kỹ năng tuyệt đỉnh trong điều khiển máy bay để giữ được thế, để nhanh chóng chọn thời cơ sử dụng tính năng cao nhất của máy bay về tốc độ, khả năng cơ động và sử dụng máy ngắm và vũ khí bám chặt kẻ thù tới cự ly ngon nhất mà xả súng vào máy bay địch.
Phải có một tinh thần thép để đối chọi với kẻ địch luôn đông hơn mình gấp nhiều lần, quây mình từ mọi phía và xả đạn cũng từ mọi phương. Và anh đã 7 lần giành chiến thắng trước kẻ thù với 7 chiến công chói lọi.
Phong anh hùng từ sớm, sau đó làm cán bộ chỉ huy, làm đại biểu Quốc hội nhưng anh sống giản dị, chan hoà với anh em chiến sỹ, cấp dưới.
Sau giải phóng, anh trở lại miền Nam tham gia chỉ huy các đơn vị không quân trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, sau đó về làm Tham mưu phó Quân chủng Không quân rồi về hưu ở TP.HCM. Anh được phân nhà đất ở khu cư xá cũ của Không quân Sài Gòn do hồi đó người thưa đất rộng. Có cả ngàn mét vuông đất nhà mà anh không thích nên chọn về quê sống dân dã, đời thường, để lại nhà đất cho các con.
Tôi có cảm nhận anh rất thích và hài lòng với cách sống gắn với sông, nước, cây vườn...
Vô cùng thương tiếc một anh hùng, nhưng hơn cả là một nhân cách, một con người chân chính mà thế hệ sau cần học tập. Anh đã sống một cuộc đời vô cùng oanh liệt trong chiến đấu, đạt được vinh quang cao nhất mà chắc nhiều thế hệ khó vượt qua.
Về đời thường, anh đã sống một cuộc đời mãn nguyện đúng theo sở thích của mình, tình yêu quê hương của mình. Nguyện vọng của anh cũng là "chết ở quê", và anh sẽ được gia đình mai táng ở Lai Vung (Đồng Tháp).
Vô cùng thương tiếc anh Nguyễn Văn Bảy thân yêu. Xin được chia sẻ nỗi đau và lòng tiếc thương vô hạn với chị Niêm và các cháu".
Anh hùng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy (84 tuổi, ngụ xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) từ trần vào lúc 21h ngày 22/9/2019 tại Bệnh viện quân y 175 (TP.HCM) do xuất huyết não.
Ông là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên.
Trong hai năm (1966 - 1967), ông Bảy đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ và được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Bình luận