Trong 2 tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp của nước ngoài thu hút 514 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 2.500 triệu USD, tăng 25,1% về số dự án và tăng 75,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 2 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 89 dự án, trị giá gần 590 triệu USD; tiếp đến là Hồng Kông (Trung Quốc) với 47 dự án, trị giá gần 400 triệu USD; Nhật Bản chiếm 380 triệu USD, Hàn Quốc chiếm 360 triệu USD,…
Bên cạnh đó, có 176 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm gần 860 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 2 tháng đầu năm đạt gần 3.300 triệu USD.
Tính chung cả nước có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 2 tháng năm. Trong đó Bắc Ninh có số vốn đăng ký lớn nhất với gần 430 triệu USD, tiếp đến là Bình Dương với gần 230 triệu USD, Tiền Giang gần 215 triệu USD,…
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt gần 1.900 triệu USD; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 273 triệu USD; các ngành còn lại là gần 300 triệu USD.
Bên cạnh đó, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 2 tháng năm nay có 5 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn là 6 triệu USD. Trong đó chủ yếu là lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác với 5,6 triệu USD, chiếm 89,6% tổng vốn đầu tư.
Mỹ là nước dẫn đầu nhận đầu tư của Việt Nam với 5,3 triệu USD, chiếm 84,8% tổng vốn đầu tư.
Đối với hoạt động đầu tư nội địa, trong tháng 2, hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào thực hiện các dự án, công trình chuyển tiếp từ năm trước và triển khai kế hoạch đầu tư năm 2019. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2 ước tính đạt hơn 13.000 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt hơn 30.000 tỷ đồng, bằng 9,1% kế hoạch năm và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn Trung ương quản lý đầu tư chủ yếu vào Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ GD&ĐT.
Bình luận