Tư liệu

Trò chuyện với người phụ nữ Do Thái may mắn thoát khỏi tay Phát xít Đức

Thứ Ba, 04/04/2023 09:12:00 +07:00

(VTC News) - Cuộc chạy trốn khỏi sự truy lùng của Phát xít Đức, rời xa mẹ và em trai đã để lại ký ức đau buồn đến tận ngày nay, khi bà tới Việt Nam chia sẻ câu chuyện của mình.

"Đó là một ngày mưa như hôm nay. Một buổi tối đầu tháng 9/1942, cha tôi xuất hiện. Ông ấy dồn chúng tôi vào một góc: "Cha nói nghe này, tên con là Lewkowitz, nhưng giờ sẽ không còn như thế nữa. Con không phải là người Do Thái nữa". Tôi hỏi cha vì sao? Cha đang nói gì thế? Nhưng ông bảo, "từ nay, nếu có ai hỏi tên con, tên con không phải là Lewkowitz". Tôi đã rất sợ và hoang mang không hiểu chuyện gì đang xảy ra".

Đó là những gì bà Betty Eppel kể lại với VTC News về ngày được cha đưa đi trốn sự truy lùng của quân Đức, trong chiến dịch thảm sát Holocaust – một trong những tội ác kinh hoàng nhất lịch sử. Dù đã hơn 70 năm thảm kịch trôi qua, muôn vàn mảnh ghép kí ức vẫn xúc động với người phụ nữ 88 tuổi như khi bà mới chỉ là một cô bé 7 tuổi.

Cuộc chiến đã có ảnh hưởng sâu sắc đến những người như Betty – định hình không chỉ quá khứ, mà còn hiện tại và tương lai của bà.

Trò chuyện với người phụ nữ Do Thái may mắn thoát khỏi tay Phát xít Đức - 1

Một bức ảnh chụp cô bé Betty (7 tuổi, giữa) và gia đình. 

“Những người Do Thái lang thang”

“Bạn biết không, ở Israel có một loài cây, dịch ra tiếng Anh tên là ‘Wandering Jews’ – nghĩa là những người Do Thái lang thang. Khi nói về câu chuyện của người Do Thái thì là nói về câu chuyện những người Do Thái đã rời trung Âu đi khắp thế giới, và câu chuyện không phải ngẫu nhiên xảy ra như vậy”, Betty nói khi mở đầu câu chuyện về hành trình của mình.

Theo The Jewish Agency for Israel, tính đến tháng 9/2022, có khoảng 15,3 triệu người Do Thái trên khắp thế giới. Trước chiến tranh, người Do Thái tập trung chủ yếu ở Đông Âu (trong đó đông nhất là Ba Lan và Liên Xô). Sau chưa đầy một thập kỷ phát xít Đức hoành hành, hai phần ba số người Do Thái ở châu Âu đã chết, theo US Holocaust Memorial Museum.

Betty Eppel (tên khai sinh là Berthe hay Betty Lewkowitz), sinh ngày 19/4/1935 ở Pháp. Gia đình bà sống ở một ngôi làng nhỏ phía Bắc nước Pháp có tên là Valenciennes. Cha mẹ bà là ông Shmuel Lewkowitz và bà Perla Lewkowitz, đều là người Do Thái sinh tại Ba Lan.

Cha của Betty xuất thân trong một gia đình nghèo, ông rời Ba Lan khi 18 tuổi vì không muốn đi lính. Trong gia đình ông, một người chị cũng rời Ba Lan sang Mỹ, còn một người anh đến Nam Mỹ.

Sau đó, ông đã đến nhiều nơi trước khi đến miền Bắc nước Pháp. “Khi đó ông không còn tiền nữa. Nhưng cha tôi nói không sao, ông sẽ nhận mọi công việc. Tôi không nhớ chính xác ông đã làm gì nhưng ông từng có một chiếc xe đạp và từng đi khắp các ngôi làng thu thập da thỏ" - Betty nói. 

Cha mẹ Betty gặp nhau khoảng năm 1933-1934 tại Pháp, đến năm 1935 thì sinh con gái Betty và 1937 sinh con trai Jacques. Đáng nhẽ ra hai chị em Betty đã có thể có một tuổi thơ bình thường, nếu chuỗi thảm kịch không xảy ra sau đó.

Bà Betty Eppel kể về hành trình đi trốn đến Dullin, Pháp năm 1940-1942. 

Hành trình chạy trốn và những lần thoát chết

Ngày 22/6/1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức. Bà Betty nhớ lại: “Năm 40, tất cả mọi người đều ra đường, rời khỏi nhà mình và để lại mọi thứ phía sau. Không chỉ người Do Thái mà cả người Pháp”.

“Cha tôi cũng nói chúng tôi phải đi. Tôi đã muốn mang theo một con búp bê mà không được”.

Khi đó cô bé Betty 5 tuổi, em trai Jacques 3 tuổi. Mẹ Betty – bà Perla đang mang bầu em trai Michel. Trước tình hình căng thẳng, ông Shmuel chở Betty và Jacques đến nhà em gái ở Lyon, còn ông đưa bà Perla đến bệnh viện sinh Michel. Cậu bé Michel sinh ngày 31/7/1940.

Ngày 20/1/1942, Hội nghị Wannsee quyết định tiêu diệt người Do Thái ở châu Âu. Lúc này Betty và Jacques vẫn đang ở nhà người cô ruột, thỉnh thoảng cha mẹ lại đến thăm. Betty không biết rằng ngày 7/9/1942, khi cha mẹ đến thăm nhân dịp sinh nhật của Jacques, là lần cuối cùng bà được gặp mẹ mình.

Khoảng 3 ngày sau, buổi tối ngày 11/9/1942, cha Betty lại đến. “Ông ấy dồn chúng tôi vào một góc, nói: 'Nghe này, tên con là Lewkowitz, nhưng giờ sẽ không còn như thế nữa. Con không phải là người Do Thái nữa'. Tôi hỏi vì sao? Cha đang nói gì thế? Nhưng ông bảo, 'từ nay, nếu có ai hỏi tên con, tên con không phải là Lewkowitz'”.

Cả gia đình bắt đầu hành trình chạy trốn, vượt qua một con sông để đến miền Nam nước Pháp, nhằm thoát khỏi sự truy đuổi của quân Đức và hiến binh Pháp.

Trong đêm tối, trời lạnh, có một chiếc sà lan giữa dòng sông chỉ một màu đen. Người cô ôm cậu bé Jacques 5 tuổi, cùng Betty và ông Shmuel lên chiếc sà lan này.

“Trên chiếc sà lan đó rất thiếu thốn và mùi thật kinh khủng. Chúng tôi chỉ có một chai nước, một gói bánh quy, nhưng phần lớn là không có gì để ăn. Tôi cũng không nhớ có nhà vệ sinh hay không nữa. Khi tôi không muốn lên, đã có người hét lên rằng tất cả có thể bị giết. Nên tôi đã cố lên đó. Cho đến giờ tôi vẫn rất sợ bóng tối đó”.

Họ đi tiếp khoảng 3 ngày, có những lúc “phải nhặt ăn cả lá cây”, theo lời Betty. Khi đến được một ga tàu để đi tiếp, họ đã ở trong một “tình trạng rất khủng khiếp”.

Khi lên được tàu, chưa kịp ổn định thì họ đã phải đối mặt với tình huống thót tim khi hai lính Đức bất ngờ xuất hiện kiểm tra. Ông Shmuel ngay lập tức ra dấu cho các con im lặng.

“Hai lính Đức xuất hiện. Cha tôi ra dấu im lặng, rồi đưa giấy tờ cho những người đó. Họ xem đi xem lại những tờ giấy nhiều lần, rồi chúng tôi được qua. Đến giờ này tôi vẫn thấy điều đó như phép màu. Nếu có chuyện gì xảy ra, có lẽ tôi đã không ở đây ngày hôm nay”.

Những sự việc tương tự cũng xảy ra với họ vài lần nữa. May thay, hai đứa trẻ cuối cùng cũng đến được Dullin, một ngôi làng nhỏ ở miền Nam nước Pháp, và được một cặp vợ chồng Công giáo – Victor và Josephine Guicherd – nhận nuôi và che giấu.

Trò chuyện với người phụ nữ Do Thái may mắn thoát khỏi tay Phát xít Đức - 2

Hình ảnh Betty và Jacques cùng gia đình cưu mang họ ở Dullin, Pháp. Hình bên phải góc trên là chiếc thùng bà Betty trốn. 

Betty vẫn nhớ về 3 năm ở với vợ chồng Guicherd (1942-1945) như những năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời bà. Bà nhớ về cuộc sống của một cô bé 7 tuổi hàng ngày giúp bố mẹ nuôi chăm sóc những con vật trong vườn, được đi học ở trường Công giáo, học nhạc, tối được đi ngủ trên những chiếc giường đã được trải gọn gàng. Với một cái tên khác, hai đứa trẻ được những người lớn tốt bụng bảo vệ, che chắn khỏi nguy hiểm rình rập.

“Một lần tôi được giấu trong một chiếc thùng và đặt bánh mì cùng bột lên trên. Tôi không biết gì và cũng không hỏi gì cả, chỉ làm theo lời họ. Chỉ đến sau đó tôi mới biết mình lại được cứu lần nữa”, Betty nhớ lại.

Nhưng từ đây, Betty và em cũng không còn liên lạc nhiều với cha cho đến cuối cuộc chiến. “Cha tôi thỉnh thoảng đến thăm nhưng không bao giờ nói với chúng tôi ông ấy đã ở đâu hay làm gì vì lo chúng tôi có thể bị bắt và bị tra tấn”.

Trong khi đó, bà Perla và cậu em út Michel nằm trong số những người đã bị cảnh sát Pháp bắt tháng 11/1942. Theo nghiên cứu các tài liệu, họ nằm trong số 500 người Do Thái được chuyển đến Bỉ và sau đó tiếp tục được chuyển đến Auschwitz-Birkenau cùng 1.047 người khác, và đến nơi vào 15/9/1942. Sau quá trình “phân loại” khét tiếng, 716 người Do Thái bị sát hại trong phòng hơi ngạt ở Birkenau, 331 người bị bắt lao động khổ sai. Trong số những người này, 25 người sống sót tính đến 27/1/1945, khi Auschwitz được Hồng quân giải phóng.

Không có ghi chép nào về cái chết của bà Perla hay cậu bé Michel, khi phát xít Đức đã phá hủy rất nhiều tài liệu trước cuộc giải phóng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho rằng, khả năng một phụ nữ và con trai nhỏ tuổi bị đưa đi lao động là rất thấp, nên rất có thể họ đã bị đưa vào phòng hơi ngạt ngay sau khi đến Auschwitz.

Trò chuyện với người phụ nữ Do Thái may mắn thoát khỏi tay Phát xít Đức - 3
Trò chuyện với người phụ nữ Do Thái may mắn thoát khỏi tay Phát xít Đức - 4

Bên trái: Chiếc cài áo có hình của cô bé Betty và mẹ - bà Perla.
Bên phải: Năm 1979, Yad Vashem – bảo tàng tưởng niệm nạn nhân Holocaust công nhận ông bà Victor và Joséphine Guicherd – những người cưu mang chị em Betty là “Người công chính ở các quốc gia khác” – danh hiệu dành cho những người không phải Do Thái đã cứu giúp người Do Thái trong thảm họa Holocaust. Nhưng ông Victor viết thư từ chối, nói tình yêu của những đứa trẻ là phần thưởng duy nhất mà ông bà muốn. 

Những mất mát vô hình

Khi được hỏi về ước mơ những ngày còn bé, Betty chia sẻ: “Tôi không nghĩ lúc đó mình đã nghĩ gì về việc có ước mơ gì hay lớn lên muốn làm gì”.

Từ rất sớm trong cuộc đời của Betty, mẹ đã không còn hiện diện. “Mọi người thường nhớ về những món ăn mẹ họ nấu nhưng tôi thì không. Những gì tôi nhớ khi đó chỉ là bánh mì. Cha tôi thường mang bơ và sữa về nhà. Nhưng có một mùi hương tôi rất nhớ là mùi tỏi trong lò nướng. Sau này tôi mới biết đó là vì mẹ tôi hay đặt tỏi vào trong lò cùng với bánh”.

Bà nhớ lại khoảng thời gian đi trốn, nhiều lần hỏi cha về mẹ nhưng đều không nhận được câu trả lời, dù ông luôn an ủi hai con rằng mẹ và em sẽ quay lại. “Một lần giữa đường phố Lyon, cha nắm tay hai chị em tôi, và tôi cứ hỏi ông là mẹ ở đâu rồi. Đó là lần duy nhất tôi thấy cha khóc. Ông không muốn nói gì cả vì sợ người Đức biết. Nhưng ông an ủi chúng tôi rằng mẹ sẽ quay lại, bảo chúng tôi đừng lo lắng”.

Mất mẹ và em trai luôn là một nỗi đau lớn đối với Betty. Sau này, dù trong thâm tâm muốn tìm hiểu về những gì về xảy ra, nhưng nhiều lần bà không thể đối diện. “Cô tôi từng tặng một chiếc cài áo có hình mẹ cho tôi, và muốn tôi đeo nó đi học. Nhưng tôi không muốn, vì có thể ai đó nhìn thấy sẽ hỏi đây là ai, và nếu đó là mẹ tôi thì mẹ tôi ở đâu, và tôi không muốn nói về điều đó, đó là một cảm giác thật tệ”.

Trong trí nhớ của Betty, mối quan hệ với cha cũng khá xa cách, và họ không thường nói chuyện nhiều. Bà cho rằng đó một phần là tính cách của ông, một phần là do ông vốn đã là một người đàn ông bất hạnh, mất vợ và con, cũng luôn vất vả và bận rộn vì phải làm việc để lo cho gia đình.

Trò chuyện với người phụ nữ Do Thái may mắn thoát khỏi tay Phát xít Đức - 5

Bà Betty Eppel và cháu trai Alon Eppel trong sự kiện tưởng niệm tại Hà Nội cuối tháng 3/2023. 

Hành trình về Israel và đám cưới đáng nhớ

Sau thời gian trốn tại Dullin (1945), Betty và Jacques được cha đón về và cho đi học tại các trường nội trú ở Pháp. Ông muốn họ “càng giống người Pháp càng tốt”.

Betty bắt đầu học tiếng Anh và tiếng Latin, sau này là những ngôn ngữ khác. Bà cũng có sở thích và bắt đầu học về nghệ thuật và âm nhạc.

Trong thời gian này, cha của Betty là ông Shmuel tái hôn và mở một cửa hàng. Khi đó Jacques bắt đầu học để làm bác sĩ và cha Betty muốn bà tiếp quản công việc kinh doanh của ông, nhưng Betty “không nhìn thấy mình trong tương lai đó”.

“Tôi không nghĩ là mình sẽ gặp gỡ hay kết hôn với ai ở đây. Nhưng tôi cũng không biết mình muốn đi đâu. Tôi chưa từng nghe tới Israel, và gần như không có mối liên hệ nào với nguồn gốc Do Thái của mình. Tôi chưa từng tới giáo hội của người Do Thái. Tôi không sống nhiều với bố mẹ Do Thái của mình hay trải qua những kỳ nghỉ của người Do Thái”.

Rồi khoảng năm 1961, em trai bà nói rằng có chuyến đi đến một làng cộng đồng nông nghiệp (kibbutz) ở Israel, được sinh viên Do Thái ở Pháp tổ chức. Họ đã quyết định đi thuyền đến Haifa, Israel, và tại đó có cơ hội được thăm thú các nơi. “Khi thuyền rời Haifa, đó là lần đầu tiên tôi bắt đầu cảm thấy có gì đó với đất nước này”, Betty nói. Bà trở lại Israel sống năm 1964.

Khi từ Pháp trở lại Israel, Betty cũng bắt đầu lại từ đầu. “Không tiền bạc, không ngôn ngữ, không bạn bè”, bà nói. Nhưng rồi mọi thứ dần khá hơn. Và cũng ở đây bà gặp ông David, người Betty quyết định gắn bó.

Khi Betty và David quyết định kết hôn, họ đến cơ quan giáo sĩ Do Thái ở Tel Aviv. Nhưng cơ quan không đồng ý, nói rằng Betty phải chứng minh mình là người Do Thái. Betty kể: "Với vốn tiếng Hebrew ít ỏi của mình, tôi cố gắng giải thích, tôi hét lên với họ rằng tên của tôi là Lewkowitz, còn gia đình tôi nhiều người thân ở Ba Lan đều đã mất, như vậy còn chưa đủ sao?”

Cuối cùng, bà đã kết hôn và có hai người con.

Đến giờ, Betty vẫn luôn cảm thấy mình là người may mắn, không chỉ vì thoát khỏi cuộc chiến, mà còn vì cuộc sống hiện tại. “Tôi tin vào định mệnh và thấy mình đã may mắn. Cả cuộc đời tôi. Tôi may mắn khi gặp David, có con trai, con gái. Con trai tôi sinh ngày 31/7/1970, 30 năm sau khi em trai tôi  - người chết ở Auschwitz - sinh ra (31/7/1940)”.

Holocaust là thuật ngữ chỉ nạn diệt chủng Do Thái và các nhóm thiểu số khác do Đức Quốc xã thực hiện ở châu Âu trong Thế chiến thứ II. Hơn 6 triệu người Do Thái đã qua đời trong thảm kịch này.

Liên hợp quốc chọn ngày 27/1 hằng năm là ngày quốc tế tưởng niệm nạn nhân Holocaust.

Phương Anh(Thực hiện )
Bình luận
vtcnews.vn