• Zalo

Góc nhìn World Cup: Nếu có Hawk-Eye...

Bạn đọc viếtThứ Sáu, 09/07/2010 05:47:00 +07:00Google News

(VTC News) - Sau những sai lầm chết người của trọng tài hai trận Anh - Đức và Argentina – Mexico, người ta lại càng “sôi sục" chuyện đưa hawk-eye vào bóng đá...

(VTC News) - Sau những sai lầm chết người của các trọng tài ở World Cup 2010, mà đỉnh cao là hai trận Anh - Đức và Argentina - Mexico, người ta lại càng “sôi sục” hơn chuyện đưa công nghệ cao vào công tác trọng tài. Nhưng với những phân tích thú vị, độc giả Đỗ Xuân Hiếu đã cho thấy một góc nhìn khác hẳn. Câu chuyện bắt đầu: nếu có hawk-eye…

Nếu có hawk-eye…

 

… thì bóng đá sẽ không còn đơn thuần là môn thể thao của con người. Nó sẽ là môn thể thao của công nghệ, nơi các thương hiệu điện tử khổng lồ vin vào các trận cầu để phô diễn sức mạnh của con chip mới sản xuất hay mấy dòng camera đời mới… Trên sân, vẫn là người đá bóng, người bắt gôn, người tuýt còi, nhưng thực chất, thì như những con robot tội nghiệp ngơ ngác nhìn nhau, vì mọi quyết định lúc này đều phụ thuộc vào máy móc. Cũng sẽ chẳng còn sự ngẫu hứng, chẳng còn những nghệ sĩ sân cỏ như Messi, như Ronaldinho,… chơi bóng với niềm ham thích, với nụ cười trên môi, làm ngất ngây biết bao trái tim yêu trên khắp hành tinh… Lúc ấy, khái niệm “môn nghệ thuật thứ 8” mà người ta gán cho bóng đá, cũng chỉ đáng vứt vào sọt rác.

 

 Các cầu thủ Mexico đã suýt "nổi loạn" khi trọng tài công nhận bàn thắng việt vị của Tevez


… thì sẽ không còn những sai lầm trong các trận đấu. Chắc chắn! Các trận đấu sẽ công bằng tuyệt đối và chỉn chu như những thước phim được đầu tư hàng trăm triệu USD của Hollywood? Nhưng như thế thì cũng có nghĩa là không có những màn “võ mồm” nảy nửa trên các diễn đàn để hâm nóng các trận đấu sắp diễn ra, không có những tranh cãi, phản pháo lẫn nhau sau những tình huống mập mờ, không có những chủ đề bàn ra tán vào từ giới truyền thông, từ các cổ động viên, không có “bàn tay của Chúa”, không có những khoảnh khắc “điên rồ” của những thiên tài… Các trận đấu sẽ chỉ như những cơn gió thoảng qua, chẳng đọng lại chút gì sâu sắc trong trái tim người hâm mộ. Xem bóng đá lúc ấy, chẳng khác nào uống rượu mà không có mồi, “chén” thịt chó mà không có mắm tôm... Nói cách khác, chính sai lầm một phần làm nên sự hấp dẫn của bóng đá, làm nên vẻ đẹp của môn thể thao vua, là chất xúc tác để những “tín đồ túc cầu giáo” có thể thức khuya, ăn mì tôm cả tháng mà không biết chán.

 

… thì cũng sẽ có thêm vô vàn những tiểu xảo đáng nguyền rủa. Cứ cho là FIFA sẽ giới hạn số lần khiếu nại trọng tài ở con số 3 như tennis, thì cũng không thể tránh khỏi việc các đội bóng đang dẫn trước đối phương dùng những lần khiếu nại ấy để “tố” những lỗi rất trời ơi như một quả ném biên sai luật, một quả đá phạt có điểm đặt không chuẩn xác… để câu giờ. Khỏi phải nói cũng có thể mường tượng ra cảnh các cổ động viên của đội bóng đang bị dẫn điểm “cay mũi” đến mức nào khi đội nhà liên tục bị “soi” một cách “khiếm nhã” như thế. Nói dại, không biết chừng, ban tổ chức sân nên chuẩn bị phương án đối phó với bạo động đi là vừa.

  

… thì các trận đấu sẽ bị gãy vụn và không còn tính liên tục. Tốc độ các trận cầu đỉnh cao sẽ bị hạ thấp một cách không thương tiếc. Lúc ấy, giải ngoại hạng Anh sẽ có tốc độ bằng giải Tây Ban Nha, giải Tây Ban Nha “rùa bò” như giải Ý, còn giải Ý chắc nhanh như V - League là cùng! Hậu quả nhãn tiền? Sự hào hứng của các cổ động viên và sự hấp dẫn của những trận đinh giảm đi một nửa là còn ít!

 

Rooney sau bàn thắng bị tước đoạt của Lampard: Ông có mắt không đấy?! 


… thì trọng tài đừng có mà mơ được làm “vua”. Sự tôn trọng của các đội bóng, các cầu thủ, cổ động viên dành cho người cầm còi các trận đấu giảm sút là điều đương nhiên. Mọi tình huống đều có máy móc chi phối, vai trò của trọng tài trở thành thứ yếu. Chúng ta cũng không còn cơ hội để mà vỗ đùi đen đét, cười khoái trá khi nhìn cặp mắt ốc nhồi, những lần rút thẻ quyết đoán và những tiếng còi đanh thép, chuẩn xác của những siêu trọng tài như Collina huyền thoại.

 

… thì FIFA nên giải thể đi là vừa. Cái đặc quyền quản lý bóng đá thế giới, giải quyết những xung đột và tranh chấp… nên trao cho mấy hãng công nghệ cao chế tạo ra mấy cái “mắt đại bàng” cho tiện. Và NHM cũng đừng có mà “mắt tròn mắt dẹt”, khi tên các giải đấu của FIFA, như FIFA World Cup, có thể sẽ được “hô biến” thành CANON World Cup chẳng hạn!

 

… thì vẫn… không ăn thua. Chẳng phải, bàn thắng của Geoff Hurst ở World Cup 1966, hay bàn thắng của Luis Garcia trong trận bán kết lượt về UEFA Champions League 2004–2005 giữa Chelsea và Liverpool trên Stamford Brigde, người ta đã dùng mọi góc máy camera, thậm chí cả những bức ảnh chụp từ vệ tinh mà cũng không có xác định được bóng đã qua vạch vôi hay chưa đấy thôi. Vì thế, nếu bóng đá đã không hoàn hảo, thì xin hãy giữ nguyên những gì không hoàn hảo ấy.  

 

Lời kết:

 

Bóng đá, suy cho cùng, cũng chỉ là một trò chơi của con người, do con người phát minh ra và chơi nó với niềm ham thích. Mà đã là con người, thì “nhân vô thập toàn”, sẽ không thể tránh khỏi những sai lầm. Chính những sai lầm làm nên vẻ đẹp của bóng đá, là một trong những yếu tố để nó là “môn thể thao vua”. Chẳng lẽ, để tránh các cổ động viên ném vật thể lạ xuống đầu cầu thủ, trọng tài dưới sân, ta bắt họ thi đấu trong lồng kính?!

 

Không có gì là hoàn hảo. Bóng đá ngày nay đã bị thương mại hóa quá đủ rồi. Xin hãy để bóng đá giữ nguyên những nét nguyên thủy còn lại, để ngọn lửa đam mê của hàng tỉ người trên khắp hành tinh mãi mãi không bao giờ tắt!

 

 

Đỗ Xuân Hiếu


Còn bạn, bạn có góc nhìn nào khác? Bạn có cho rằng hawk-eye là một lựa chọn cần thiết để đảm bảo tính công bằng cho trận đấu? Bạn có nghĩ việc đưa ngày càng nhiều thiết bị công nghệ vào sân sẽ phá hỏng "bữa tiệc bóng đá?

Bài viết nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Viết bài hay, gửi ảnh độc, nhận quà bất ngờ”. Mời bạn đọc tiếp tục gửi những nhận định, bài viết của mình về những chuyện trong hay ngoài sân cỏ World Cup, để nhận được những giải thưởng thú vị từ BBT. Vào đây để gửi bài viết của bạn, hoặc mail về [email protected]. Trân trọng!
Bình luận
vtcnews.vn