• Zalo

World Cup, trọng tài và các "vòng tròn vay nợ"

Bạn đọc viếtThứ Ba, 06/07/2010 12:09:00 +07:00Google News

(VTC News) - Khi ôm chiếc cúp vàng trong tay, "cậu bé vàng" có ý thức được ĐTQG Argentina đang ôm một “cục nợ” với các trọng tài mà họ sẽ phải trả 4 năm sau đó?

(VTC News) - Cuộc sống là một vòng tròn có vay có trả, và với những ai đã từng vay hoặc mắc nợ ai đó mà không thể trả được, thì đời con cháu họ sẽ phải làm nốt công việc mà các bậc tiền bối để lại.

Năm 1966, người Anh được trọng tài ban cho một bàn thắng để rồi lên ngôi vô địch ngay tại quê hương, qua đó đã “vay” một chiếc cúp vàng danh giá. Mãi tới 20 năm sau, người Anh mới bắt đầu phải trả món nợ của mình, khi các trọng tài đã cùng Maradona vẽ nên tác phẩm mang tên "bàn tay của Chúa" - bàn thắng khiến Anh bị loại khỏi World Cup 1986.

 

 

Điệu Tango đã nhảy nhót tại Mexico, nhưng liệu khi ôm chiếc cúp vàng trong tay, "cậu bé vàng" có ý thức được rằng ĐTQG Argentina đang ôm một “cục nợ” với các trọng tài? Khi nhìn Argentina vô địch thế giới, nhiều người Đức đã khóc và tiếng khóc của họ đã nhanh chóng đến tai những vị vua sân cỏ để các ông này đã ra tay hành động 4 năm sau đó: tặng cho Đức quả penalty định mệnh khi tiền đạo Rudi Voller có một pha tự ngã rất đẹp trong vòng cấm vào những phút cuối trận chung kết World Cup 1990, buộc Argentina thành cựu vương để trả chiếc cup đến từ “bàn tay của Chúa”.

 



Năm 2002, người Argentina chìm trong địa ngục khi Vua sư tử Batistuta và các đồng đội rời châu Á mà không thể vượt qua vòng bảng. Người ta đã đặt ra câu hỏi: Đâu là lí do giải thích cho thất bại này của đại gia Nam Mỹ? Rất nhiều lý do có thể đưa ra, nhưng nổi bật lên là pha bóng mà thần đồng người Anh Owen đã diễn kịch trước trọng tài, tạo nên quả penalty mà sau đó Beckham - người bị đuổi khỏi vòng 1/16 World Cup 1998 sau tình huống ăn vạ của cầu thủ Argentina Simeone – đã bình tĩnh thực hiện thành công.

 

Như vậy, trọng tài đã đền "bàn tay của Chúa" bằng "cú ngã Owen" cho người Anh, còn "bàn thắng ma" năm 1966 cũng cần thanh lý cho đẹp lòng người Đức. Công việc đó quá đơn giản, nó đơn giản tới mức chỉ cần một cái lắc đầu không công nhận bàn thắng hợp lệ của Lampard, Jorge Larrionda đã chấm dứt "vòng tròn vay - trả" mà các sai lầm của trọng tài đã vẽ nên suốt hai thập kỷ qua cho ba nền bóng đá hùng mạnh Anh - Đức - Argentina tại các kỳ World Cup.

 

World Cup 2010: Trọng tài là đạo diễn

 

Khi mà trái bóng Jabulani mới bắt đầu lăn, các trọng tài đã tạo nên một cơn địa chấn nhỏ khi không công nhận bàn thắng của Vela (Mexico), nhưng đó lại là một quyết định đúng đắn và là điểm sáng hiếm hoi mà các ông vua "áo đen" ghi dấu ấn cho tới thời điểm này. Để rồi sau đó là nhưng quyết định làm ngao ngán cả giới túc cầu thậm chí các trọng tài khi xem lại tình huống đó cũng chỉ biết ôm đầu.

 

 Có Chúa biết được vì sao trọng tài không công nhận bàn thắng mười mươi của Lampard vào lưới ĐT Đức

Lạy Chúa! Tại sao tại một giải đấu thể thao quan trọng nhất thế giới lại có những con người, những quyết định như vậy? Tại sao FIFA vẫn lắc đầu với các thiết bị hiện đại điều mà các môn thể thao khác đã làm, phải chăng bóng đá không cần sự chính xác và công bằng mà là một cuộc đấu hên xui? Đáng nói nhất, câu hỏi tưởng như đùa mà lại có thật: Trọng tài sẽ "giúp" đội bóng nào thắng lợi? Nhưng nếu để ý kỹ các trận đấu tại Nam Phi năm nay, ta có thể dễ dàng hình dung ra những “vòng tròn vay - trả” đang được các trọng tài tiếp tục vẽ nên bằng mọi phương pháp có thể.

 

Từ chối Penalty hợp lệ:

 

Domenech cùng học trò đến Nam Phi nhờ “bàn tay Henry” và tại đây họ bị Mexico loại trong trận cầu mà nếu trọng tài chính xác hơn Pháp đã có 2 quả Penalty. Mexico loại Pháp nhờ trọng tài nhưng lại thất bại trước Argentina lại cung bởi tại trọng tài khi nhận bàn thua oan ức trong tình huống Tevez việt vị.

Công nhận bàn thắng trong tư thế việt vị

 

Thụy Sĩ thắng TBN cũng từ bàn thắng việt vị, ngay lập tức thua Chile cũng bởi bàn thắng việt vị. Riêng TBN, các trọng tài đã bù bàn thua trong trận gặp Thụy Sĩ bằng bàn thắng trong trận gặp BĐN mà người ghi bàn là David Villa đã di chuyển sớm hơn hậu vệ BĐN một bước chân.


Đuổi người

 

Không trả được bằng bàn thắng, các trọng tài lại có cách riêng của họ. Như trận Brazil - Bờ Biển Ngà, Fabiano 2 lần dùng tay chơi bóng vẫn được công nhận bàn thắng, bù lại Bờ Biển Ngà được chơi hơn người khi mà Kaka nhận thẻ vàng thứ hai dù tay anh chỉ chạm theo quán tính vào ngực Kieta.

 



Bù giờ

 

Bại tướng của Braxin tại Confed Cup 2009 là Mỹ sau khi bị từ chối 2 bàn thắng hợp lệ ở trận gặp Slovenia (Edu) và Algeri (Demsey) đã được trả lại 5 phút bù giờ ở trận cuối gặp Algeri trong tình thế cần bàn thắng. Thật may cho trọng tài và ĐT Mỹ khi Landon Dovonan đã ghi bàn giúp các ông trọng tài được “thanh thản”, Mỹ nhất bảng C.

 


Không công nhận bàn thắng

 

Có lẽ vì áy náy với những thẻ vàng đã rút quá làm hao mòn tinh thần thi đấu của các cầu thủ Slovenia trong trận gặp Mỹ, khiến đội bóng đến từ châu Âu mất lợi thế dẫn 2 bàn, nên trọng tài Coulibaly đã cương quyết chối từ bàn thắng hợp lệ của Maurice Edu, qua đó cướp đi cú lội ngược dòng của bóng đá Mỹ.



 

Tính đến thời điểm này, có những đội bị loại khỏi World cup do những quyết định của tài và cũng có những đội đã được các sai lầm của trọng tài giữ lại Nam Phi, nhưng có lẽ họ cũng không có gì phải lo lắng hay vui mừng, bởi ngày nào còn bóng đá, ngày nào còn World cup, ngày nào còn trọng tài thì “vòng tròn vay - trả” vẫn còn hiệu lực.

 

Sẽ còn rất nhiều điều về các trọng tài được mang ra mổ xẻ trong thời gian tới; nhưng có lẽ đã đến lúc FIFA nên “phẫu thuật” lại chính mình trong cách chọn, đào tạo trọng tài thay vì trục xuất họ về nước và lôi chuyện họ là “con người” ra để biện hộ. Đúng là trọng tài cũng là con người, nhưng nếu sau mỗi lần sai người ta đều đưa đem lý do này ra để giải thích thì oan cho chính “con người” quá! Phải không FIFA?

 

Góc riêng: Australia và trọng tài

 

Trong vòng tròn xuyên thế kỷ của mình, Argentina – Anh - Đức đều có một bàn thắng ma và một cúp vàng; còn với Australia, tuy không thể vĩ đại như ba đại gia kia nhưng họ cũng có một vòng tròn của riêng mình.

 

Năm 2006 trọng tài biếu không cho Nhật Bản một bàn thắng trong tình huống thủ môn Australia là Mark Schwarzer đã bị phạm lỗi, tiếp đó trận sinh tử với Croatia, sự đãng trí của Graham Poll khiến Australia không được chơi hơn người dù Simunic đã nhận đủ hai thẻ vàng, bù lại “vị vua” người Anh tặng cho Australia một bàn thắng trong tình huống mà Harry đã việt vị.

 

Sang trận đấu ở vòng 1/16, người Úc như bay bổng sau khi trọng tài Cantalejo rút thẻ đỏ tổng cổ Materazzi của Ý, nhưng niềm vui đó ngắn chẳng tày gang khi mà giây cuối cùng của trận đấu đó ông ta lại tưởng tượng cho đội bóng thiên thanh một quả penalty dù Fabio Grosso không hề bị phạm lỗi. Khi người Ý đăng quang tại World Cup 2006, có lẽ Lippi sẽ đúc cho Cantalejo một tấm huy chương riêng.

 

World cup 2010, Australia tiếp tục là tâm điểm của Trọng tài khi mà hai trận đầu tiên gặp Ghana và Đức họ bị đuổi 2 ngôi sao sáng nhất trận là Tim Cahill và Harry Kewell. Để bù lại cho hai trận trước, ở trận cuối gặp Serbia các trọng tài đã giúp người Úc thắng lợi khi phớt lờ một bàn thắng và một quả Penalty mà lẽ ra Serbia được hưởng. Chỉ tiếc chiến thắng này không thể mang Úc vào vòng 1/16 mà chỉ giúp họ ngẩng cao đầu về nước.

 

Có lẽ với những duyên nợ kia với các trọng tài, nên ngay bây giờ cho dù World cup 2014 chưa đá vòng loại và Australia cũng chưa chắc có vé đến Brazil, nhưng với những người Úc mộng mơ họ đã có thể rục rịch hỏi nhau: World Cup tới trọng tài sẽ mang đến những gì cho những chú kangaroo? 

 


Lê Đắc Tá

Bình luận
vtcnews.vn