(VTC News) – Là đội bóng Nam Mỹ duy nhất lọt vào bán kết World Cup 2010, với “Quả bóng vàng” Diego Forlan, nhưng đây vẫn chưa phải chiến tích lớn nhất mà Uruguay làm được trong lịch sử các kỳ World Cup. Họ đã 2 lần bước lên đến đỉnh vinh quang, và hơn nữa, một trong 2 lần ấy gắn với một câu chuyện cổ tích thế kỉ 20 lãng mạn đến khó tin.
Lại một ngày không World Cup, và lại một câu chuyện nữa tôi muốn kể với các bạn về World Cup. Có lẽ bây giờ người ta sống gấp quá, thực dụng quá, khô khan quá chăng để không có đủ thời gian và kiên nhẫn nghe hết một câu chuyện. Đó là những hồi ức xa xưa về một trận chung kết cách đây đã 60 năm, về một chiến tích khó tin của Uruguay ngay trên đất nước Brazil. Cũng là câu chuyện mà tôi đọc được từ rất lâu rồi trên báo Hoa Học Trò. Kể nhé!
Maspoli – một chàng trai trẻ mới 20 tuổi, một anh thợ đóng giày đam mê bóng đá. Chàng trai nghèo của chúng ta lại phải lòng cô con gái của ông chủ. Ở cái thời mà người ta phải di chuyển 3 tháng để đến nơi tổ chức World Cup thì bóng đá chỉ dừng lại ở mức nghiệp dư, chỉ dừng lại ở niềm vui xa xỉ không đủ để nuôi sống bản thân. Sicilia (người mà Maspoli trót dành cả trái tim mình) cũng rất quý mến anh, chỉ có điều ông bố của cô thì không muốn con gái mình kết thân với 1 tên thợ kiết xác như Maspoli. Và khi biết cậu sẽ theo chúng bạn sang Brazil để đá bóng ở cái gọi là World Cup gì đó, thì ông ta lại nổi máu kênh kiệu lên và thách đố: “Này chàng trai trẻ, nếu cậu mang chức vô địch về đây thì ta sẽ gả con gái cho cậu. Đây là lời hứa của những người đàn ông!”
Và thế là chàng thủ môn trẻ của chúng ta khăn gói quả mướp lên đường thực hiện nhiệm vụ bất khả thi ấy. Năm này cũng là năm mà luật thi đấu buồn cười nhất khi 13 đội tham dự được chia làm 4 bảng: 2 bảng 4 đội, 1 bảng 3 đội và 1 bảng chỉ có 2 đội. Sẽ chỉ lấy đội đầu bảng vào đá vòng tròn chọn đội vô địch! Khi đó Brazil quá mạnh với Zizinho, Ademir, Friaca, Barbosa, Jair, Chico, Bigode… và minh chứng là những chiến thắng hủy diệt trước Thụy Điển 7-1 và 6-1 trước Tây Ban Nha ở vòng 4 đội cuối cùng, sau khi đã giành ngôi đầu trong 1 bảng đấu mà họ đã đánh bại Mexico, Nam Tư và chỉ có 1 trận hòa duy nhất với Thụy Sĩ! Chức vô địch là điều được dự liệu từ trước, ngay trên sân nhà mà.Maspoli trong khung gỗ Uruguay 1950
Nhưng có lẽ thượng đế cũng mỉm cười với Maspoli khi Uruguay của cậu rơi vào bảng đấu chỉ có họ và Bolivia. Và đội bóng của cậu đã giành chiến thắng giòn giã 8-0 trước Bolivia để có mặt ở vòng 4 đội cuối cùng. Không có được thắng lợi theo kiểu hủy diệt như đội chủ nhà nhưng Uruguay cũng có được 1 trận thắng và 1 trận hòa, và trận đấu cuối của họ với Brazil chẳng khác nào 1 trận chung kết thực sự khi nước chủ nhà chỉ cần hòa còn Uruguay thì buộc phải thắng.
Với phong độ tuyệt vời của mình, Maspoli đã giữ sạch lưới cho Uruguay từ đầu giải, cậu bay lượn như 1 thiên thần thực sự cản phá mọi cơ hội của đối phương, bới cậu biết nếu cậu không để thủng lưới thì Sicilia sẽ là của cậu. Nhưng đối diện với hàng công khủng khiếp của Brazil thì lại là 1 câu chuyện khác. “Trận chung kết” (tạm gọi như vậy) được diễn ra ở sân vận động Maracana huyền thoại đã chật kín khán giả với con số kỷ lục chưa từng thấy: 200.000 người! Tất cả đã tin chắc vào một chiến thắng cho đội bóng con cưng, bởi Brazil tỏ ra quá vượt trội so với những đội khác ở giải lần này.
Vẫn lối chơi tấn công khủng khiếp, ngay từ hiệp một, Brazil đã tràn lên phần sân của Uruguay. Họ ép sân hoàn toàn và chơi rất tốt nhưng không khuất phục nổi hàng phòng ngự kiên cố của đối thủ Uruguay với Maspoli “tay nhựa” trong khung gỗ. Nổi bật nhất trên sân, anh đã bay lượn như người nhện trong khung thành và cản phá rất nhiều đường bóng sấm sét của các cầu thủ Brazil. Niềm tin của cậu càng được củng cố khi hiệp 1 cậu đã “sống sót”. Nhưng cuối cùng Brazil vẫn có được bàn mở tỷ số do công của Friaca ở phút 47, sau một tình huống dẫn bóng từ biên và sút tung lưới đối thủ.
Lúc này thì trong ruột gan Maspoli như có lửa đốt, nhất là khi có được bàn thắng mở tỉ số các cầu thủ Brazil càng tiếp tục lao lên hòng “ăn tươi nuốt sống” đối thủ. Bây giờ đúng là không còn gì để mất nữa cả, Maspoli đành đánh liều nói ra bí mật của mình với các đàn anh Varela, Schiaffino, Ghiggia, Miguez – những người luôn coi thường cậu vì xuất thân nghèo hèn và tuổi đời còn quá trẻ của cậu, hay đúng hơn, bởi họ là những ngôi sao của đội bóng, trong những trận đấu trước đó mọi người chỉ tung hô họ chứ có ai thèm để tâm tới chiến công thầm lặng của Maspoli đâu. Thực sự lúc đó là cảm giác hoang mang đến cao độ, nhất là khi đội trưởng Obdulio Varela chỉ cười khẩy và chậm rãi cầm quả bóng đi về phía trọng tài người Anh.
Nhưng Maspoli tội nghiệp không biết rằng đó là 1 người đội trưởng vĩ đại mà có lẽ vĩnh viễn bóng đá Uruguay sẽ không bao giờ sản sinh ra nữa. Ông ghé sát vào tai của tiền đạo Schiaffino và tiền vệ danh tiếng Ghiggia: “Có thể chúng ta không vô địch, nhưng chúng ta sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của mình vì cậu bé đó!”
Uruguay đã bước vào nửa sau hiệp đấu thứ hai với một sức mạnh và niềm tin kì lạ dù chịu sức ép cực lớn từ đám đông cổ động viên đội nhà. Như được tạo cảm hứng bởi đội trưởng Obdulio Varela, Uruguay gỡ hòa ở phút 66 khi Gigghia vượt qua Bigode ở cánh phải và chuyền bóng cho Schiaffino ghi bàn. Thế rồi, khi trận đấu còn lại 11 phút, điều không tưởng đã xảy ra: Gigghia vượt qua Bigode một lần nữa trước khi hạ gục thủ thành Barbosa.
Uruguay 1950 - những nhà vô địch không được dự báo
Và lúc này là lửa! Lửa cháy ở khắp mọi nơi, lửa cháy ở trên khán đài với sự giận dữ của gần 20 vạn người Brazil, lửa cháy trên sân khi đoàn kiêu binh Brazil không chấp nhận nổi sự sỉ nhục này. Lửa cháy ở trong lòng Maspoli, ôi Sicilia bé bỏng, nếu có thể chết ở đây thì anh cũng tự hào được chết vì cô gái của mình. Và đạn pháo ở khắp mọi nơi dội về phía khung thành của Maspoli, nhưng như Chúa muốn thế, sức mạnh tình yêu đã chắp cho anh đôi cánh để đánh bại mọi nỗ lực của Selecao. Và hết giờ, không khí giận dữ thất vọng bao trùm sân vận động huyền thoại Maracana, nhưng với những cầu thủ Uruguay lại là niềm vui vô bờ bến.
Không có bất kì một lễ kỉ niệm hay bữa tiệc mừng danh hiệu nào diễn ra. Chủ tịch FIFA thời đó, ông Jules Rimet, đã trao chiếc cúp vô địch cho Varela và không thể đọc được bài diễn văn tôn vinh người chiến thắng vì nó được chuẩn bị để giành cho Brazil. Đây đã là bài học cay đắng nhất trong lịch sử bóng đá Brazil, và điều này cũng khiến cho các quốc gia khác không bao giờ được phép lặp lại một lần nữa.
Nhưng ai cần nó cơ chứ! Ước vọng điên rồ của Maspoli đã được đáp ứng, sự tưởng thưởng xứng đáng cho 1 người dám mơ ước như cậu ấy. Cup vàng cho cậu cùng đồng đội và chiếc Cup cho riêng cậu: Sicilia!
Sự điên rồ trong cuộc sống không phải không có! Chỉ có điều ta có dám làm vì nó hay không? Nếu ta chùn bước thì ta sẽ mãi chỉ là 1 “anh thợ đóng giày”, không hơn!
Lưu Anh Dương
Bình luận