• Zalo

Chuyện thần tiên World Cup: vì đó là châu Á của tôi!

Bạn đọc viếtThứ Bảy, 26/06/2010 05:12:00 +07:00Google News

(VTC News) - Không còn là kẻ lót đường, châu Á hôm nay có thể ngẩng cao đầu khi 2 trong 3 đội dự giải đã ghi tên mình ở vòng trong...

(VTC News) - Trái với dự đoán của một số người “châu Á sạch bóng sau vòng bảng”, châu Á hôm nay có thể ngẩng cao đầu khi 2 trong 3 đội dự giải đã "qua mặt" những tên tuổi châu Âu để ghi tên mình vào vòng trong. Niềm tự hào đó đâu phải của riêng người dân xứ sở Kim chi hay đất nước mặt trời mọc!

Không giống như châu Âu, cái nôi của môn thể thao vua, nơi mà các CLB hùng mạnh và bóng đá chuyên nghiệp sặc mùi tiền đã ra đời từ hàng trăm năm trước. Nơi bóng đá nhanh chóng trở thành một ngành công nghiệp không khói, một miếng bánh béo bở mà người ta tranh giành nhau đến từng mẩu vụn.

 

Không giống như Nam Mỹ, nơi bóng đá, đã từ lâu, không chỉ là một trò chơi hay một môn thể thao đơn thuần, mà còn được “hô biến” thành một thứ tôn giáo đầy mê hoặc. Đến nỗi, ở 2 quốc gia “đầu đàn” Brazil và Argentina, người ta đồ rằng, cứ gặp 4 người trên đường, thì 3 trong số đó là cầu thủ.

 

Không giống như châu Phi, nơi các cầu thủ luôn thi đấu với một nền tảng thể lực trời phú, khiến bất cứ ai cũng phải kiêng nể.

 

Bóng đá châu Á non trẻ hơn châu Âu nhiều lắm. Cũng chẳng phải quốc gia châu Á nào cũng có được tình yêu, niềm đam mê với trái bóng tròn to lớn như những người Nam Mỹ “điên rồ” mà phóng khoáng. Người dân châu Á thấp bé nhẹ cân, chẳng to béo như người da đen để mà “lấy thịt đè người”. Bóng đá của “lục địa vàng” phát triển chậm chạp, với hàng tá những khó khăn bắt nguồn từ yếu tố lịch sử và kinh tế. Mãi đến kì World Cup lần thứ 8 năm 1966 trên đất Anh, Triều Tiên mới cất tiếng nói đáng kể đầu tiên, mở ra một trang sử mới cho bóng đá châu lục. Chiến tích đánh bại Ý 1-0, dẫn Bồ Đào Nha của Eusebio huyền thoại đến 3-0 ngay trong hiệp 1, được người ta kể cho nhau nghe, xuýt xoa cho đến tận bây giờ.

  

Nhưng dấu mốc chói lọi nhất của bóng đá châu Á, phải là 2002, khi Hàn Quốc dũng mãnh trỗi dậy, trở thành đệ tứ anh tài thế giới. Cả châu Á mở hội. Cả thế giới phải thay đổi cách nhìn với bóng đá nơi mảnh đất chiếm gần 1/3 diện tích thế giới này.

 

Và 8 năm sau, những bản anh hùng ca đang được viết tiếp!

 

Hàn Quốc xuất sắc đánh bại nhà vô đich Euro 2004 Hy Lạp 2-0 ngày mở màn bằng một lối đá khôn ngoan và kỉ luật đến không ngờ. Để rồi trận cuối cùng vòng bảng, xuất sắc cầm hòa Nigeria 2-2 trong tình thế bị dẫn bàn từ sớm. Lần đầu tiên lọt vào vòng 2 của 1 kì World Cup trên đất khách, Hổ Đông Á đã thực sự vươn mình.

 

Tương tự như người láng giềng, “Những Samurai xanh” “hạ đẹp” Cameroon bằng lối đá thông minh và khoa học, kiên cường chống chọi với “cơn lốc” Hà Lan. Rồi trận thứ 3, chính họ chứ không phải ai khác, xóa tan những phàn nàn về Jabulani bằng 2 pha đá phạt tuyệt phẩm, điều mà những Ronaldo, Messi... cũng chưa làm được. Yasuhito Endo, Keisuke Honda và các đồng đội đã gióng một hồi chuông cảnh tỉnh với các đối thủ tại World Cup lần này: đừng bao giờ xem thường châu Á.

 

Dẫu biết rằng, nếu bóng đá châu Á muốn chơi sòng phẳng với bất cứ đối thủ nào trên thế giới, vẫn còn quá nhiều khó khăn, chông gai phía trước,. Nhưng những chiến thắng trên đất Nam Phi đã khiến cả châu Á “nở mày nở mặt”. Và đâu chỉ dừng lại ở vòng 1/8, phải đi tiếp chứ nhỉ! Hãy cứ tin rằng, những câu chuyện thần tiên đang vẫy gọi trước mắt chúng ta.


Ôi, tự hào, châu Á của tôi!

 


Đỗ Xuân Hiếu

Bài viết nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Viết bài hay, gửi ảnh độc, nhận quà bất ngờ”. Mời bạn đọc tiếp tục gửi những nhận định, bài viết của mình về những chuyện trong hay ngoài sân cỏ World Cup, để nhận được những giải thưởng thú vị từ BBT. Vào đây để gửi bài viết của bạn, hoặc mail về [email protected]. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn