Khoảng 19h, khi bóng tối dần buông, chuông nhà thờ Mằng Lăng ngân vang, cũng là lúc hàng chục người dân kéo nhau về đập Tam Giang (xã An Thạch, huyện Tuy An) để "vớt lộc" chình giống.
Theo người dân, mùa khai thác cá chình giống từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch năm sau. Nhưng phải theo dõi con nước và thủy triều, có năm xuất hiện rất nhiều, có năm thì không có.
Phương tiện xúc cá chình chỉ là tấm lưới mùng chừng 1 x 2 mét đính vào hai thanh tre, một sợi dây kẽm buộc theo chiều dài tấm lưới để giữ lưới được căng.
Nghề xúc chình giống khá đơn giản nhưng phải có hai người nắm giữ thanh cây ở hai đầu lưới, khom người xúc một đầu lưới xuống nước rồi kéo lên. Sau đó, một người bật đèn pin rọi vào lưới, người kia quan sát thấy có cá chình thì dùng vợt nhỏ xúc, chuyển vào xô đựng.
Ông Huỳnh Ngọc Thoại (64 tuổi, xã An Thạch) cho biết, mỗi con cá chình giống dao động từ 2-3 ngàn đồng/con. "Vợ chồng tôi đi vớt từ 25 tháng Chạp đến nay, mỗi đêm làm từ 19h đến 3h sáng. Đêm nào có 'lộc', gặp luồng cá chình thì vớt được 500 con, bán được hơn 1 triệu đồng, có đêm thì có ít" - ông Thoại nói.
Để làm công việc này, người dân phải ngủ ngày thức đêm, dù tay chân mỏi rã rời, tê cóng, có khi mưa gió ào ào nhưng phải nhẫn nại chịu đựng cái lạnh canh thâu với trên sương, dưới nước.
Cá chình giống nhỏ như cây kim may hay cây tăm, thỉnh thoảng mới có con to bằng đầu đũa và chúng bơi ngược dòng sông.
Người dân ở đây ví cá chình giống trên sông Cái như món "lộc" trời ban tặng hằng năm.
Theo các nhà khoa học, cá chình là loài di cư, cá mẹ đẻ ở biển sâu, cá con sau khi nở trôi dạt vào bờ biển, cửa sông và lớn lên trên sông. Khi trưởng thành, cá lại di cư ra biển sâu để đẻ.
Bình luận