Chỉ vài ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban chỉ đạo thi chia sẻ về công tác chuẩn bị cũng như các phương án đảm bảo cho kỳ thi được diễn ra an toàn, công bằng, minh bạch.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là kỳ thi cuối cùng học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Vậy kỳ thi năm nay có gì khác biệt so với các kỳ thi năm trước, thưa Thứ trưởng?
Nếu xét về quy mô, tính chất, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 không có gì khác biệt với những kỳ thi năm trước. Kỳ thi vẫn được tổ chức trên phạm vi cả nước với quy mô hơn 1 triệu thí sinh dự thi vào cùng thời điểm và cùng đề thi.
Về công tác tổ chức, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023.
Mục tiêu của kỳ thi năm nay cũng không thay đổi. Kết quả thi phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để xét tuyển đại học, cao đẳng và đánh giá chất lượng công tác quản lý, công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục.
- Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị thế nào cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024?
Tôi nhận thấy, năm nay, công tác việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ sớm mà còn chủ động. Theo đó, Chỉ thị của Thủ tướng, kế hoạch, quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành, cơ quan liên quan được ban hành sớm hơn năm ngoái. Điều này giúp các tỉnh, thành phố chủ động triển khai công tác chuẩn bị tại địa phương.
Qua kiểm tra thực tế, các địa phương có sự chuẩn bị cho kỳ thi từ sớm, từ xa, thể hiện cụ thể trong 6 nhóm công việc như sau:
Thứ nhất, các địa phương chủ động ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn.
Thứ hai, ngoài Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, địa phương còn thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện, thể hiện sự quan tâm của địa phương cho kỳ thi này.
Thứ ba, Ban Chỉ đạo kịp thời phân công, làm rõ trách nhiệm, tiến hành thanh tra, kiểm tra với tinh thần rà soát tháo gỡ, chủ động trong công việc.
Thứ tư, UBND cấp tỉnh, huyện chủ động tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tốt nhất cho kỳ thi.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi, động viên thí sinh.
Thứ năm, chủ động trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ; đặc biệt công tác tập huấn được triển khai nghiêm túc với tinh thần tất cả các cán bộ tham gia kỳ thi đều phải được tập huấn.
Thứ sáu, các địa phương cũng rất chủ động trong công tác truyền thông, truyền thông đúng, đủ, kịp thời.
Cùng với đó, năm nay Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai hệ thống phần mềm đăng ký dự thi trực tuyến. Trong 9 ngày mở cổng đăng ký dự thi trực tuyến với hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thành công không ghi nhận khó khăn hay sai sót nào.
- Vấn đề gian lận thi cử, nhất là thiết bị công nghệ cao ngày càng tinh vi, Bộ GD&ĐT có biện pháp và lưu ý gì với các địa phương?
Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, không thể tránh khỏi việc xuất hiện ngày càng nhiều các thiết bị tinh vi - không chỉ phục vụ cho gian lận thi cử mà còn cho nhiều hoạt động khác. Vấn đề của chúng ta là phải làm tốt công tác phòng chống.
Trong nhiều năm qua, việc phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao được Ban Chỉ đạo thi các cấp coi là việc quan trọng phải được thực hiện kỹ từ giai đoạn chuẩn bị, tích cực phối hợp với lực lượng công an.
Để có thể phát hiện, ngăn chặn thiết bị gian lận thi cử, Bộ GD&ĐT phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an tập huấn cho tất cả các cán bộ làm thi. Tiếp đó, Công an các tỉnh, thành phố tiếp tục tập huấn về nhận diện các thiết bị công nghệ cao và nguy cơ thí sinh có thể sử dụng cho đội ngũ cán bộ giáo viên làm công tác thi tại các địa phương.
Chúng tôi xác định lấy phòng ngừa, nhận diện, ngăn chặn là chính. Trong đó, tiếp tục đề cao công tác con người. Dù hiện nay các thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận có xuất hiện tràn lan thì quan trọng nhất vẫn là lựa chọn con người.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đẩy mạnh công tác truyền thông để thí sinh hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của việc bị phát hiện gian lận và xử lý nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm.
- Chỉ còn vài ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sẽ diễn ra, Thứ trưởng có lưu ý gì thêm tới các địa phương và thí sinh?
Các địa phương cho tới thời điểm này đã chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm cho kỳ thi. Tuy nhiên, với một kỳ thi trên diện rộng, vốn phức tạp và nhạy cảm như kỳ thi tốt nghiệp THPT tôi mong các địa phương sẽ quán triệt quyết liệt tinh thần không lơ là, chủ quan, kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
Từ nay đến ngày diễn ra kỳ thi, đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát kỹ một lần nữa về điều kiện dự thi của các em thí sinh, nhất là các em thí sinh có hoàn cành khó khăn, thí sinh yếu thế, thí sinh ở xa địa điểm tổ chức thi… Phương châm cao nhất mà chúng ta đã thống nhất là không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn kinh tế hay cách trở về giao thông mà không được dự thi.
Tôi muốn nhắc lại tinh thần “4 đúng - 3 không” đã được quán triệt từ kỳ thi năm 2023 và tiếp tục lưu ý thực hiện trong năm nay.
Trong đó, “4 đúng” gồm: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “3 không” gồm: Không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.
Với thí sinh, tôi chúc các em học sinh mạnh khoẻ, tự tin bước vào kỳ thi với kết quả tốt nhất. Các em lưu ý ôn tập theo hướng dẫn của thầy cô và thực hiện theo đúng quy chế thi để đạt kết quả như mong muốn.
Với các cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ tại kỳ thi năm nay, tôi mong các thầy cô sẽ thực hiện đúng, đủ các nội dung đã được tập huấn, hướng dẫn. Nhiệm vụ tạo ra một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, thân thiện và nhân văn đang được đặt lên vai các thầy cô, mong rằng các thầy cô sẽ làm tốt nhất nhiệm vụ này.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng
Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, trong tổng số 1.071.395 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024, khoảng 47.000 thí sinh tự do.
Kỳ thi năm nay chỉ 37% thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và 63% thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), cao nhất 7 năm qua.
Bình luận