Gặp gỡ phóng viên VTC News, người cựu phi công năm nay đã 72 tuổi vẫn đầy hào sảng khi nói về những trận chiến ông đã trải qua. Người lính không quân năm xưa như sống lại thời trai trẻ với những động tác mô phỏng cuộc không chiến năm xưa.
Ông đã góp phần vào chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không chẳng phải là chiếc B-52 như đồng đội, nhưng ông lại có cơ duyên bắn hạ chiếc F-4 kết thúc chiến dịch.
Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không kéo dài từ ngày 18/12/1972 đến 29/12/1972. Trong 12 ngày đêm lịch sử ấy, phi công Bùi Doãn Độ cùng đồng đội trong phi đội bay đêm được giao trọng trách tìm kiếm và hạ gục B-52, nhưng cơ duyên đến với ông lại là chiếc F-4 của Không lực Hoa Kỳ.
Ngày 28/12/1972, máy bay Mỹ đánh vào sân bay Miếu Môn khiến đường băng hỏng nặng, không sử dụng được, phi công Bùi Doãn Độ được lệnh rút về sân bay Hòa Lạc (đều thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Nhớ lại quãng đường di chuyển hôm đó, người cựu phi công chỉ gói gọn trong một từ: “Gian nan!”.
Ông kể: “Chúng tôi hành quân theo xe tải của căn cứ, đi từ Miếu Môn vào Hòa Lạc. Trên đường đi 2 xe của trạm mất lái đâm vào nhau... Tưởng chết, hai bánh xe nghiêng hẳn so với mặt đường rồi đổ rầm xuống”.
Cuộc sống đời thường không làm người cựu phi công quên đi một thời trận mạc.
Vừa trải qua thời khắc sinh tử, về đến sân bay Hòa Lạc, khoảng 3 giờ chiều, sở chỉ huy thông báo cho phi công Độ lập tức ra sân bay, có trực thăng đón về sân bay Nội Bài. “Tôi vừa về đến sân bay Nội Bài, sĩ quan phụ trách tác chiến mới bảo Sở chỉ huy có lệnh anh lấy máy bay ở Nội Bài bay về Kép”.
Chưa kịp nghỉ ngơi, khoảng chừng gần 11 rưỡi đêm, ông được lệnh vào cấp 1 và mở máy cất cánh.
“Trước đó độ 5 - 7 phút, máy bay Mỹ ném bom tại sân bay Kép. Khi được lệnh xuất kích, tổi mở máy và hỏi sở chỉ huy là đã kiểm tra đường băng sau khi địch đánh chưa. Sở chỉ huy lúc đó, vì thời gian gấp quá nên chưa kiểm tra được. Tuy nhiên, khi bật đèn đường băng lên 2 hàng đèn ở sân bay vẫn còn tốt nguyên. Tôi xác định bom không rơi vào đường băng nên xin lệnh cất cánh ngay lập tức.”.
Trên đường băng dài chưa đầy 1 km, phi công Độ lấy hết sức kéo máy bay lên. “Đến gần cuối đường băng thì máy bay mới tách đất được. Dưới sự dẫn dắt của sở chỉ huy, tôi tìm đánh B-52 nhưng không gặp được, đành quay về. Trên đường về, nghe tiếng đồng chí Trần Hanh - trực sở chỉ huy thông báo có 1 chiếc F-4 bay ở phía trước, từ phải qua trái. Ngay sau đó, tôi nhìn thấy chiếc F-4 bay chéo ngay trước mặt”.
Chiến công cuối cùng và duy nhất của Đại tá Bùi Doãn Độ đã được ghi nhận.
Người phi công già đứng dậy, ông dùng hai bàn tay diễn tả hai chiếc máy bay rồi kể tiếp: “Có một thời điểm do vướng mây, tôi không nhìn được máy bay địch nữa. Lúc đó tôi tắt tăng lực, giảm độ nghiêng ra phía ngoài. Nhưng chỉ 4 - 5 giây sau, tôi lại phát hiện ra máy bay địch đang ở ngay trên cao trên cao. Tôi nhìn vào mục tiêu, thấy ánh lửa từ buồng đốt máy bay lóe sáng. Tôi phán đoán mình cách máy bay địch gần 1.000 m. Tôi lại bật tăng lực toàn phần, kéo máy bay, cho máy bay địch vào giữa máy ngắm, sau khi kiểm tra lại một lần nữa thấy đã đủ điều kiện phóng tên lửa, tôi ấn nút phóng liền 1 lúc 2 quả, trúng vào F-4 của địch”.
Khi bắn xong, ông báo: ”Tôi thoát ly sang bên phải”. Từ dưới mặt đất, sở chỉ huy thông lệnh gấp: “Thoát ly sang trái!”.
Trong thời khắc quan trọng, gần ngay sát máy bay địch đang rơi, phi công Bùi Doãn Độ vội lật máy bay lại theo đúng sự dẫn dắt của sở chỉ huy. “Khi ấy, vừa lật lại thì máy bay địch coi như ngang với máy bay của tôi, cách cự li chỉ khoảng 80 đến 100 mét, nhìn thấy cả cánh cong, máy bay thì đang cắm đầu xuống đất theo góc 40 độ” - Đại tá Bùi Doãn Độ thuật lại khoảnh khắc tận mắt nhìn thấy chiếc F-4 cuối cùng của Không quân Mỹ bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội.
Phi công Bùi Doãn Độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về an toàn. “Lúc đó khoảng chừng 12h đêm, sang rạng sáng ngày 30/12”. Sau đó, ông nhận được tin từ Quân chủng Phòng không - Không quân thông báo chiếc máy bay do ông bắn đã rơi ở vùng Tam Nông (Phú Thọ).
Đại tá, phí công Bùi Doãn Độ tiếc nuối kể lại khoảnh khắc gặp B-52
Trở về trong niềm vui khi đã góp công bắn hạ 1 chiếc F-4 trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, trong lòng chàng phi công trẻ vẫn đọng lại nhiều tiếc nuối khi chưa có cơ may hạ gục siêu pháo đài bay của Mỹ lúc bấy giờ là B-52.
Trong 12 ngày đêm của chiến dịch, phi công Bùi Doãn Độ xuất kích 3 lần: Lần đầu (đêm 21/12/1972) gặp B-52 nhưng không bắn được, lần tiếp theo cất cánh nhưng không gặp máy bay địch, đến lần thứ ba (ngày 29/12/1972) mới lập chiến công khi bắn hạ được chiếc F-4.
Nhớ lại lần đầu xuất kích ngày 21/12/1972, có duyên gặp B-52 nhưng không có “nợ”, phi công Bùi Doãn Độ bồi hồi kể lại: “Sở chỉ huy không thông báo nhưng tôi nhìn thấy chiếc B-52 rất to, có đến 4 - 5 cái đèn ở cánh phát sáng. Tội gọi cho sở chỉ huy báo: “Tôi phát hiện B-52, xin phép công kích”.
Người phi công năm xưa như sống lại thời chiến đấu oanh liệt với những động tác mô phỏng giây phút “duyên nợ” với B-52.
Nói rồi, người phi công nhanh chóng bay xuống dưới bụng chiếc B-52 khổng lồ, bật tăng lực toàn phần và vòng lại để ép sát vào máy bay, chờ thời cơ thích hợp. Khi máy bay địch lên đến độ cao gần 10.000 m, máy bay ta cũng lên đến độ 8.000 m. Lúc đó trong đầu ông xuất hiện suy nghĩ: “Nên phóng hay không phóng (tên lửa)?”. Sau giây phút chần chừ, ông nghĩ: “Giờ mà phóng thì khó trúng lắm!”. Ông tắt tăng lực, báo xin thoát ly ra, trở về hạ cánh ở sân bay Nội Bài.
Nghĩ lại giây phút ấy, sự tiếc nuối vẫn hiện lên trong mắt vị Đại tá: “Kể ra mình bay qua nó một đoạn nữa, bật tăng lực rồi vòng về, sẽ có nhiều thời gian hơn. Đến lúc ép vào, nó biết gặp MiG-21, nó mới tắt đèn. Khi ấy mình phải bật radar lên dò thì không thấy nó nữa”.
Khi được hỏi về cảm xúc khi tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Đại tá, phi công Bùi Doãn Độ mỉm cười, ánh mắt rạng lên biết bao tự hào: “Chúng ta đã chiến thắng ở khắp các mặt trận. Ở mặt trận trên không, lực lượng Phòng không - Không quân đã chiến thắng vẻ vang. Tôi rất vinh dự vì đã góp phần nhỏ bé của mình vào chiến thắng đó”.
Bình luận