• Zalo

‘TP.HCM nhiều người ăn xin vì dân quá tốt bụng’

Thời sựThứ Tư, 24/12/2014 08:12:00 +07:00Google News

Nhà chức trách ở TP.HCM lý giải việc kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin.

(VTC News) – Nhà chức trách ở TP.HCM lý giải việc kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin.

Liên quan đến quyết định số 49 về quản lý người ăn xin không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định trên địa bàn TP.HCM, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Chu Giang – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM.

TP.HCM ăn xin nhiều vì người dân quá tốt bụng
Người dân động lòng cho tiền đối tượng giả đóng khổ ở TP.HCM (Ảnh Phan Cường)  
- Ông có thể nói rõ hơn về quyết định số 49 của UBND TP.HCM về tiếp nhận người lang thang ăn xin không nơi nương tựa hiện nay ở TP.HCM?

Trước đây chúng ta thực hiện 3 quyết định như quyết định 104 (2003), quyết định 183 (điều chỉnh một số điều) rồi quyết định 88 về tiếp nhận người sống lang thang xin ăn không nơi nương tựa ở TP.HCM. Nay thành phố tiếp tục ban hành quyết định số 49 để hoàn chỉnh các quyết định trên cho phù hợp với điều kiện hiện nay.

Video: Lật tẩy trò lừa ăn xin


(Nguồn: Tuổi trẻ)

Thực chất công tác tập trung, quản lý người lang thang xin ăn không có nơi cư trú nhất định đã được thành phố thực hiện từ trước đến nay, nay chỉ điều chỉnh cho phù hợp. 

Thời gian qua thành phố đã giải quyết rất tốt nhưng gần đây người xin ăn, sống lang thang phát sinh rồi biến tướng. Ví dụ như có người bán tăm, bông… nhưng thực sự xin ăn, hoặc giả đóng khổ lê lết ngoài đường để người dân động lòng cho tiền. 

Dự báo từ giờ tới tết sẽ tăng số lượng người xin ăn trên địa bàn sẽ tăng nên thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành và quận, huyện thực hiện vì để họ lang thang ăn xin ngoài đường không an toàn. Ngoài ra, việc này còn làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị nên thành phố đã quyết định tập trung người ăn xin, lang thang vào trung tâm.

- Những người sống lang thang xin ăn khi được tiếp nhận vào trung tâm sẽ được chăm sóc, hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

Họ sẽ được làm thủ tục hồ sơ đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (quận Bình Thạnh) rồi phân loại, rà soát. Nếu trường hợp có địa chỉ nơi cư trú hoặc có người bảo lãnh thì chúng tôi sẽ làm thủ tục trả về địa phương cho gia đình. Còn không xác minh được thông tin, hoặc quá thời gian xác minh mà chưa ai có bảo lãnh thì trung tâm sẽ lập hồ sơ chuyển các đối tượng về Trung tâm Bảo trợ xã hội khác. 

Ở đây những người này sẽ được nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy nghề… đầy đủ. 

- Còn nếu sau khi họ được trả về địa phương, gia đình mà tiếp tục tái phạm thì sẽ xử lý như thế nào?

Về nguyên tắc thì chúng tôi phải làm theo quy định của thành phố, đúng đối tượng thì tập trung. Theo tôi nghĩ chúng ta phải có giải pháp đồng bộ thì mới hạn chế được người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố. 

Nếu ở các quận huyện phát hiện người sống lang thang xin ăn thì tổ chức tập trung. Phần lớn đối tượng ở các tỉnh nên khi tiếp nhận vào trung tâm cần làm công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng để người ta hiểu được làm như thế là vi phạm. 
TP.HCM ăn xin nhiều vì người dân quá tốt bụng
Liệu TP.HCM có sạch bóng người sống lang thang ăn xin trên địa bàn trong thời gian tới? (Ảnh Phan Cường)
Ở các tỉnh thành sẽ có sự phối hợp với nhau để xử lý người sống lang thang ăn xin bằng nhiều hình thức như Sở LĐTB-XH trao đổi trực tiếp với địa phương, từng gia đình để họ bảo lãnh và cam kết không tái phạm. 

Một vấn đề nữa là đề nghị Sở lao động các tỉnh thành đối với những hộ gia đình khó khăn phải hỗ trợ để phát triển kinh tế, có như thế thì mới giảm bớt được. Nếu các tỉnh thành cũng phải tiến hành đồng bộ với TP.HCM, tôi nghĩ việc số lượng người tái xin ăn sẽ hạn chế rất nhiều. 

 

Đặc biệt TP.HCM có lực hút, người dân ở đây có tấm lòng nhân ái, khi thấy hoàn cảnh khó khăn của người khác thường hay động lòng giúp đỡ nên mới xuất hiện người sống lang thang xin ăn nhiều như vậy.
 
- Theo ông, tại sao TP.HCM là nơi có số lượng người sống lang thang xin ăn lớn nhất cả nước?

Theo đánh giá chủ quan của tôi thì do phát triển kinh tế không đồng đều ở từng khu vực, có thể tạo nên từng luồng người từ nơi khác đến nơi khác làm ăn. Tất nhiên, khi di cư như vậy có người làm ăn được, có người còn gặp khó khăn.

Cũng có thể có những nơi xuất hiện thiên tai dịch họa… nhiều người mới kéo vào TP.HCM tìm kiếm công ăn việc làm.

Đặc biệt TP.HCM có lực hút, người dân ở đây có tấm lòng nhân ái, khi thấy hoàn cảnh khó khăn của người khác thường hay động lòng giúp đỡ nên mới xuất hiện người sống lang thang xin ăn nhiều như vậy. 

- Đối với những đối tượng chăn dắt, lôi kéo người ăn xin để thu lợi bất chính sẽ xử lý ra sao?

Tôi cũng được biết, một vài đối tượng đã lôi kéo người già vào TP.HCM ăn xin là có. Tuy nhiên, khi chúng tôi lập hồ sơ thì rất khó vì vướng vào nhiều vấn đề như đối tượng chăn dắt và người ăn xin có sự đồng thuận với nhau. Thí dụ có trường hợp khi bị phát hiện người ăn xin lại cho rằng, tự đi ăn xin để trả tiền ăn, tiền nhà… nên rất khó xử lý.

Sắp tới chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý các trường hợp để ngăn chặn những hành vi tổ chức chăn dắt người già, trẻ em đi xin ăn. 

- Theo ông, để giải quết tận gốc những người sống lang thang xin ăn thì TP.HCM phải làm gì?

Thời gian qua thành phố đã giải quyết cơ bản và rất tốt về vấn đề người sống lang thang xin ăn trên địa bàn. Đây là vấn đề xã hội, mà muốn giải quyết vấn đề này thì cần có giải pháp đồng bộ và chúng tôi đã giải quyếtt ở TP.HCM, từng gia đình, tại nơi cư trú.

Video: Cậu bé giả tàn tật ngồi ăn xin trên vỉa hè bị một thanh niên lật tẩy


Nhưng cái gốc của vấn đề vẫn là sự phát triển kinh tế xã hội, chúng ta phải làm sao để gia đình họ có điều kiện sinh sống ổn định. Tôi nghĩ, nếu giải quyết được như vậy thì người sống lang thang xin ăn sẽ giảm bớt.

- Kinh phí ở đâu để nuôi dưỡng, dạy nghề… cho người sống lang thang xin ăn khi được đưa vào các Trung tâm Hỗ trợ xã hội ở TP.HCM, thưa ông?

Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận người lang thang, xin ăn được thành phố giao nên hàng năm phải xây dựng kế hoạch dự trù kinh phí. Phần lớn là kinh phí vẫn là của Nhà nước. 

Ngoài ra, chúng tôi còn vận động người dân xây dựng các quỹ hỗ trợ để sử dụng các quỹ đó giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Phía trung tâm còn nhờ các đơn vị vận động thêm để có kinh phí nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, dạy nghề… cho người sống lang thang xin ăn khi được đưa vào trung tâm.

- Theo ông, việc tiếp nhận người sống lang thang xin ăn vào tâm có những khó khăn gì?

Khó nhất là họ khai không đúng địa chỉ nên khi tổ chức đi xác minh rất khó. Cái khó nữa là có những người bỏ quê đi lang thang một thời gian khá dài, không cố định. Có những gia đình khi chúng tôi gửi người thân về không chịu nhận, phải đưa lại trung tâm. 

Hầu hết những người chúng tôi không xác minh ra nhân thân, chỗ ở đều tạm thời được giữ lại trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc. 

Cũng Có những người đi bôn ba khá lâu, sức khỏe yếu, không có trình độ… khi ra đời không chịu đựng được nữa nên người ta an phận ở trung tâm. Trường hợp này khi xác nhận nếu gia đình chấp nhận thì phía trung tâm hỗ trợ tiền xe đưa về. 

Hiện chúng tôi vẫn đang liên hệ với doanh nghiệp để tạo việc làm cho những người sống lang thang xin ăn ở TP.HCM. Nếu doanh nghiệp chấp nhận thì chúng tôi để cho người ta có cơ hội gia nhập cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!

Sỹ Hưng (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn