Chiều 18/10, tại buổi Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông lúc đó mới được Quốc hội bầu).
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lấy phiếu tín nhiệm trước khi diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn có ý nghĩa như thế nào,Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Quốc hội chỉ xem xét chất vấn một số Bộ trưởng có nội dung trong Nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4. Một số thành viên chính phủ khác không có nội dung đó thì không chất vấn, do vậy tránh việc đánh giá có thể không công bằng Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm trước khi diễn ra phiên chất vấn.
“Việc đánh giá này cũng không phụ thuộc vào riêng chất vấn, mà đánh giá phụ thuộc vào cả một quá trình theo dõi từ đầu nhiệm kỳ đến hết nhiệm kỳ, thành viên Chính phủ hay Ủy viên Thường vụ nào làm tốt hay không tốt đại biểu đều nắm được. Việc đánh giá còn thông qua tiếp xúc cử tri, theo dõi lĩnh vực hoạt động của từng đồng chí phụ trách”.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết trước khi lấy phiếu tín nhiệm Quốc hội đã gửi hồ sơ báo cáo của các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm trước 30 ngày đến từng ĐBQH, để các đại biểu có thời gian nghiên cứu, đánh giá kết quả của từng người một.
Liên quan đến các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thuộc diện phải lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định, mọi đối tượng thuộc diện lấy phiếu sẽ được đánh giá công bằng về mức độ hoàn thành nhiệm vụ và không có cơ sở để ưu tiên ai.
“Khi lập danh sách là như nhau chẳng có cơ sở nào để ưu tiên ai cả, việc đánh giá dựa trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Ngày 24/10, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Có 48 người đủ điều kiện để lấy phiếu tín nhiệm, trong đó bao gồm: Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các thành viên Chính phủ (trừ tân bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông); Phó chủ tịch nước; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Bình luận