• Zalo

'Tôi yêu tiếng nước tôi' là tình yêu tiếng Việt, văn hóa Việt

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 18/09/2018 16:33:00 +07:00Google News

Theo Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, chương trình "Tôi yêu tiếng nước tôi" thể hiện tình yêu tiếng Việt, văn hóa Việt thông qua tiếng hát.

Từ ngày 20 - 25/9/2018, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ phối hợp với Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) tổ chức Liên hoan nghệ thuật Tôi yêu tiếng nước tôi 2018 tại Praha, Cộng hòa Séc.

Đây là cuộc thi âm nhạc bổ ích, góp phần bảo vệ ngôn ngữ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các thế hệ người Việt trên toàn thế giới. Thí sinh tham gia sẽ thể hiện một ca khúc dân ca nguyên thể của Việt Nam và hai ca khúc tự chọn theo chủ đề quê hương đất nước và tình yêu. Hội đồng chấm giải sẽ chọn ra 20 giọng hát hay nhất lọt vào vòng trao giải trong đêm Gala chung kết. 

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về cuộc thi này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Video: Cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thế Kỷ về chương trình "Tôi yêu tiếng nước tôi"

- Thưa ông, tại "Liên hoan Phát thanh Truyền hình Cuba 2018" vào tháng 6 vừa qua, ông phát biểu một bài tham luận với nhan đề: "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa - vai trò của phát thanh, truyền hình". Trong đó, có nêu rõ sứ mệnh của Đài Tiếng nói Việt Nam trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị của văn hóa truyền thống trong thời đại mới. Đây có phải là lý do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với APPA tổ chức liên hoan nghệ thuật "Tôi yêu tiếng nước tôi" 2018 sắp tới hay không?

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (nhất là thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4 trở đi) gắn bó với đất nước, với quê cha đất tổ trước hết bằng ngôn ngữ. Nếu như không giữ được tiếng Việt cho các thế hệ đó thì "sợi dây" liên kết dòng máu Việt ở nước ngoài sẽ bị lỏng lẻo, phai nhạt dần.

Do đó, phải làm sao để cộng đồng người Việt ở nước ngoài, ở năm châu bốn biển giữ được tiếng mẹ đẻ. Cao hơn tiếng nói còn có làn điệu dân ca, những bài hát, những câu chuyện kể, kho tàng văn hóa Việt Nam rất đa dạng.

Với suy nghĩ như vậy, năm nay, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với APPA, Đại sứ quán Việt Nam ở Séc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức cuộc thi Tôi yêu tiếng nước tôi.

Ngay tên cuộc thi đã rất rõ ràng, "tiếng nước tôi" là tiếng Việt, là văn hóa Việt. Tình yêu đó được thể hiện trong bài hát. Từ ngày 20 - 25/9/2018, cuộc thi này sẽ diễn ra, thu hút thí sinh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và khắp thế giới.

- Để tổ chức thành công cuộc thi "Tôi yêu tiếng nước tôi" cho kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới, và lại tổ chức ở nước ngoài, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như BTC đã gặp những khó khăn cũng như thuận lợi gì?

Đài Tiếng nói Việt Nam có được sự đồng tình, ủng hộ, khích lệ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA).

Ở nước ngoài, chúng tôi có sự giúp đỡ, đồng tình của Đại sứ quán Việt Nam tại Séc và cộng đồng người Việt Nam tại Séc. Trong nước, chúng tôi cũng nhận được sự tài trợ của Vietnam Airlines, Sun Group và một số doanh nghiệp khác.

"Vạn sự khởi đầu nan", nếu cuộc thi này làm tốt ở khâu tổ chức, tuyển chọn, hoạt động của ban giám khảo, cả sức hút của chính cuộc thi (công tác quảng bá, tuyên truyền), được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hưởng ứng thì chắc chắn sẽ là sự thành công mở đầu cho cả những năm sau.

1

Liên hoan "Tôi yêu tiếng nước tôi 2018" diễn ra tại Praha, Cộng hòa Séc từ ngày 20 - 25/9/2018.

- Ông kỳ vọng điều gì nhất tại Liên hoan "Tôi yêu tiếng nước tôi" 2018 sắp tới?

Tôi kỳ vọng không phải chọn những người giải Nhất, giải Nhì để trao HCV, HCB, bằng khen... mà quan trọng nhất là mọi người thấy được: Dù sống ở xa Tổ quốc, xa quê hương nhưng tiếng Việt, văn hóa Việt, làn điệu dân ca, bài hát tiếng Việt vẫn như sợi dây, tình cảm của lớp trẻ.

Qua tiếng hát sẽ nâng cao tâm hồn con người lên, để các em luôn tự hào về quê hương mình, luôn hướng về nơi "chôn nhau cắt rốn" của ông bà cha mẹ mình và có mối dây liên kết bền chặt với quê hương. Điều này rất quan trọng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

VOVTV
Bình luận
vtcnews.vn