Ngay sau thông báo của Warsaw, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về vụ việc và yêu cầu Ba Lan bảo vệ các quyền hợp pháp của công dân Trung Quốc bị bắt giữ.
Một phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc tại Warsaw cho biết Bắc Kinh đang rất quan tâm tới vụ việc và theo dõi sát sao tình hình cùng Bộ Ngoại giao Ba Lan.
Trong cùng ngày, đài tryền hình TVP của Ba Lan xác định công dân Trung Quốc bị bắt giữ là giám đốc kinh doanh của Huawei tại Ba Lan - Weijing Wang hay còn gọi là Stanislaw Wang.
Wang bị bắt giữ cùng một công dân Ba Lan là Piotr D., cựu quan chức cấp cao thuộc cơ quan an ninh nội địa Ba Lan. Cả hai bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc và đang phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam.
Theo TVP, các quan chức của Cơ quan an ninh nội địa Ba Lan (ISA) sáng 8/1 đã đột kích vào nhà 2 nghi phạm và thu giữ một số tài liệu và các dữ liệu điện tử từ văn phòng của Huawei và hãng viễn thông Orange Polska, nơi Piotr D. làm việc gần đây.
Huawei trong một tuyên bố mới đây cho biết đã hay tin về vụ bắt giữ nhưng không cung cấp thêm thông tin.
“Huawei tuân thủ tất các các luật và quy định hiện hành tại các quốc gia mà chúng tôi đang hoạt động và chúng tôi cũng yêu cầu nhân viên phải tuân thủ luật và quy định tại các quốc gia mà họ đang làm việc”, tuyên bố của công ty này cho biết thêm.
Maciej Wasik, phó Giám đốc ISA trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Ba Lan PAP cho biết công dân Trung Quốc bị bắt giữ là một doanh nhân làm việc cho một công ty điện tử lớn trong khi công dân Ba Lan có nhiều mối liên kết với các doanh nghiệp mạng.
Weijing Wang từng tốt nghiệp Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh ngành Ngôn ngữ Ba Lan. Năm 2006, Wang làm việc tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Gdansk cho tới khi trở thành nhân viên của Huawei năm 2011 và đảm nhận vai trò quan hệ công chúng tại Ba Lan. Năm 2017, ông được bổ nhiệm làm giám đốc bán hàng của Huawei tại Ba Lan.
Ba Lan là trụ sử chính của Huawei tại khu vực đông, trung và bắc Âu.
Weijing Wang là nhân vật cao cấp thứ 2 của Huawei bị bắt giữ trong vòng hơn 1 tháng qua. Đầu tháng 12/2018, giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ. Bà Meng hiện đang được tại ngoại trong khi chờ Mỹ hoàn thành các thủ tục dẫn độ.
Áp lực đặt nặng lên các chi nhánh của Huawei ở Đông Âu kể từ sau vụ bắt giữ bà Meng. Tháng trước, ông Andrus Ansip – phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo EU nên đề phòng Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc do những rủi ro mà họ có thể mang lại cho an ninh của khối.
Cách đây vài ngày, cả Thụy Điển và Na Uy đều cho biết họ sẽ mở các cuộc điều tra để xem liệu có nên để Huawei xây dựng hệ thống mạng 5G ở các quốc gia này hay không.
Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis giữa tuần qua cho biết chính phủ nước này đã thành lập các ban nghành đánh giá rủi ro an ninh có liên quan tới việc sử dụng sản phẩm của 2 công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE tại 160 công ty tư nhân và nhà nước nước này.
Bình luận