Tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và 24 phường thuộc quận Đông Anh trên cơ sở nguyên trạng 185,68 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 437.308 người.
Đông Anh là một huyện ngoại thành, ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của Hà Nội, là đầu mối giao thông quan trọng nối Thủ đô với các tỉnh phía Bắc.
Đông Anh cách sân bay quốc tế Nội Bài 13 km, có nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua như Thăng Long - Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt), cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), quốc lộ 5 kéo dài (gồm đường Trường Sa và Hoàng Sa), quốc lộ 3...
Ngoài ra, Đông Anh còn có hai tuyến đường sắt chạy qua là tuyến nối trung tâm TP Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Lào Cai.
Đường Võ Nguyên Giáp chạy qua địa phận 4 xã của huyện Đông Anh bao gồm: Vĩnh Ngọc, Tiên Dương, Vân Nội, Nguyên Khê. Đường có tổng chiều dài 12,1 km, đi từ đầu phía Bắc cầu Nhật Tân và kết thúc tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Theo đề án, huyện Đông Anh được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực Bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Thủ đô.
Ngoài việc phát triển nông nghiệp và dịch vụ, với hệ thống giao thông thuận lợi cho việc vận tải, huyện Đông Anh vẫn đang duy trì thế mạnh phát triển công nghiệp. Tiêu biểu nhất là khu công nghiệp Thăng Long thuộc xã Võng La và xã Kim Chung.
Khu công nghiệp Thăng Long thành lập năm 1997, là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất tại Hà Nội với diện tích gần 300 ha. Đây là nơi quy tụ các doanh nghiệp FDI lớn như Canon, Panasonic, Yamaha, Sumitomo... Khu công nghiệp này tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách mỗi năm khoảng 90 triệu USD.
Nhà văn hóa huyện Đông Anh trị giá 300 tỷ đồng có thiết kế mái mô phỏng trống đồng Đông Sơn.
Công trình này nằm trên đường Cao Lỗ (đối diện sân vận động Đông Anh) gồm 1 tầng trệt và 4 tầng nổi với tổng diện tích sàn 17.913 m2.
Công trình Nhà thi đấu đa năng được xây dựng trên ô đất có diện tích khoảng 33 ha với tổng mức đầu tư 672 tỷ đồng, sức chứa 2.650 chỗ ngồi, khởi công tháng 10/2020.
Năm 1961, huyện Đông Anh được sáp nhập về Hà Nội với diện tích hơn 18.000 ha. Mặc dù có diện tích rộng lớn, nhưng Đông Anh có một nửa là đất nông nghiệp và đến hiện tại tốc độ đô thị hóa của địa phương tương đối chậm.
Hà Nội hiện có 12 quận (Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên), 17 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì, Mê Linh, Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thanh Trì, Phú Xuyên, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Ứng Hòa) và thị xã Sơn Tây. TP đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 3-5 huyện lên quận, trước mắt là ưu tiên nguồn lực, hoàn thiện các tiêu chí đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận năm 2023.
Bình luận