Ngày 2/4, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo UBND thành phố thống nhất với các phương án, kịch bản làm việc tại nhà đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Theo đó, 50% CBCCVC của Đà Nẵng sẽ làm việc tại nhà, lãnh đạo các sở, ngành phải chủ động xây dựng kịch bản làm việc đối với cơ quan mình.
Riêng các đơn vị trực chống dịch, bảo đảm công tác chuyên môn như Sở Y tế được yêu cầu trực ở cơ quan nhiều hơn các đơn vị khác.
Cũng từ hôm nay (2/4), Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận 1 cửa) Ban tiếp công dân của TP Đà Nẵng tạm ngưng hoạt động. Người dân thay vì đến bộ phận 1 cửa, có thể ngồi tại nhà làm dịch vụ công trực tuyến.
Ông Thanh cho biết, hệ thống thông tin chính quyền điện tử của Đà Nẵng tương đối hoàn thiện, toàn bộ văn bản, giấy tờ có thể xử lý qua hệ thống quản lý văn bản điều hành. Các thông báo hành chính cũng thực hiện trên hệ thống thông báo nội bộ, có liên kết với email của các hệ thống một cửa.
Ngoài ra, các văn bản chỉ đạo tại Đà Nẵng đều có thể thực hiện chữ ký số thông qua điện thoại nên cũng rất thuận lợi cho cán bộ, công chức làm việc tại nhà.
“Đà Nẵng có cổng dịch vụ công trực tuyến, từ cái này người dân có thể đẩy hồ sơ vào hệ thống một cửa và từ đó lãnh đạo sẽ phân công việc xử lý. Sở TT&TT thông qua hệ thống quản lý văn bản điều hành cũng có thể theo dõi trực tiếp”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, số lượng dịch vụ công trực tuyến của Đà Nẵng hiện nay đạt khoảng 60% trên tổng số dịch vụ công, tức hơn 600 loại dịch vụ công. Những việc cần phản ánh, người dân có tương tác qua ứng dụng góp ý, tổng đài 1022, zalo,…
“Với những phương tiện làm việc như vậy thì CBCCVC hoàn toàn có thể làm việc tại nhà. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố có thể họp từ trung tâm hành chính với các quận, huyện, xã, phường qua hệ thống camera. Cán bộ đi xa có thể cài đặt hệ thống họp trực tuyến trên điện thoại với thành phố”, ông Thanh nói.
Video: Đà Nẵng kiểm soát y tế chặt đối với người vào thành phố
Bình luận