Tuần qua, facebook thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới khi công bố kế hoạch ra mắt loại tiền điện tử có tên Libra. Facebook cho biết Libra sẽ được hỗ trợ bởi các tài sản trong thế giới thực như tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ ngắn hạn ổn định hơn.
Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố này, đồng tiền mã hóa Libra của Facebook đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Một số cơ quan giám sát và ngân hàng đều bày tỏ sự hoài nghi về mức độ an toàn của đồng tiền Libra. Gần đây nhất là tuyên bố thắt chặt giám sát của lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế FATF (Financial Action Task Force) - cơ quan giám sát chống rửa tiền toàn cầu có trụ sở tại Paris.
Trong tuyên bố hôm thứ 7 (22/6), FATF cho biết: "Quốc gia nào cho phép tiền mã hóa hoạt động sẽ phải đăng ký và giám sát các công ty liên quan. Chính phủ các nước cũng phải tiến hành kiểm tra chi tiết về khách hàng và báo cáo mọi giao dịch đáng nghi ngờ". FATF dự kiến sẽ công bố các quy tắc giải quyết việc sử dụng tiền kỹ thuật số cho các mục đích bất hợp pháp.
Trong khi đó, ngân hàng trung ương của các nước châu Âu như Anh, Pháp và Đức cho rằng, facebook nên xem xét kỹ lưỡng vì tiền ảo Libra nếu được phát hành rộng rãi sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính thế giới.
Trả lời phỏng vấn trên BBC, Thống đốc Ngân hàng Anh, Mark Carney khẳng định: "Chúng tôi, Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED và các ngân hàng trung ương, giám sát viên toàn cầu sẽ trực tiếp giám sát đồng tiền Libra".
Tương tự, Simon Riondet, người đứng đầu cơ quan tình báo tài chính tại Europol, nêu quan điểm, việc sử dụng tiền mã hóa sẽ nguy cơ làm tăng các vụ án rửa tiền phi pháp.
Tuy nhiên, về Libra, facebook cho rằng mục tiêu là biến đồng tiền ảo này trở thành một đồng stablecoin – loại tiền kỹ thuật số được thiết kế với giá trị ổn định, tránh dao động giá quá mạnh có thể dẫn tới bất lợi trong thanh toán và thương thảo.
Bình luận