Đời sống

Tiêm kích Su-30MK2 như mới sau khi Việt Nam đại tu, chỉ 4 quốc gia làm được

Thứ Tư, 11/12/2024 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Trong số 9 quốc gia sử dụng phiên bản Su-30MK ngoài Nga là nước sản xuất thì chỉ có Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam là đại tu được dòng chiến đấu cơ này.

Tự hào công nghệ đại tu tiêm kích Su-30MK2 của Việt Nam. (Video: Hoàng Minh)

Từ sáng sớm, mọi công tác chuẩn bị bay huấn luyện của phi đội tiêm kích Su-30MK2 thuộc Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 đã được chuẩn bị xong.

Nổi bật trong đội hình khí tài tham gia ban bay huấn luyện hôm nay là chiếc Su-30MK2 với lớp sơn mới bóng loáng. Khi nói về chiếc máy bay này, Trung tá Trần Trịnh Tố Nguyên - Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 923 tự hào giới thiệu: "Đây là chiếc Su-30MK2 đầu tiên của Việt Nam được Nhà máy A-32, Quân chủng Phòng không - Không quân đại tu bằng công nghệ trong nước".

Tiêm kích Su-30MK2 như mới sau khi Việt Nam đại tu, chỉ 4 quốc gia làm được - 1

Tiêm kích Su-30MK2 với lớp sơn sáng bóng được kéo ra khu bãi đỗ sẵn sàng cho ban bay huấn luyện.

Chỉ có 4 nước sửa chữa được Su-30MK2

Sau gần 2 năm, ngày 23/10, Nhà máy A32, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức bay thử chiếc máy bay Su-30MK2 này và bàn giao cho đơn vị.

Đây là chiếc Su-30MK2 đầu tiên được đại tu tại Nhà máy A32, đánh dấu bước ngoặt quan trọng sự phát triển của Nhà máy cũng như đối với ngành kỹ thuật Quân chủng. Thành công này là cơ sở để Nhà máy A32 thực hiện các công đoạn sửa chữa lớn đối với dòng tiêm kích này. 

Là một trong hai phi công tham gia bay nghiệm thu và tiếp nhận tiêm kích Su-30MK2 sau khi được đại tu tại Nhà máy A32, Trung tá Trần Văn Hiệp - Phó Trung đoàn trưởng Quân huấn, Trung đoàn 923 chia sẻ, đối với các dòng máy bay chiến đấu hiện đại như Su-30MK2, các hệ thống của máy bay là sự kết hợp hoạt động của các bộ phận cơ học, điện, sự hỗ trợ điều khiển kiểm tra của hệ thống máy tính.

Trung tá Trần Văn Hiệp cũng nhấn mạnh rằng, việc sửa chữa, bảo dưỡng, trùng tu và đặc biệt là đại tu Su-30MK2 rất phức tạp và có khối công việc lớn.

Tiêm kích Su-30MK2 như mới sau khi Việt Nam đại tu, chỉ 4 quốc gia làm được - 2
Tiêm kích Su-30MK2 như mới sau khi Việt Nam đại tu, chỉ 4 quốc gia làm được - 3
Tiêm kích Su-30MK2 như mới sau khi Việt Nam đại tu, chỉ 4 quốc gia làm được - 4

Sau khi được đại tu, chiếc tiêm kích Su-30MK2 lập tức được đưa vào huấn luyện và trực ban chiến đấu.

“Qua bay thử nghiệm, chúng tôi đánh giá quá trình đại tu Su-30MK2 của Nhà máy A32 đã thành công rực rỡ, góp phần to lớn vào việc tự chủ sửa chữa lớn dòng tiêm kích này”, Trung tá Trần Văn Hiệp nói.

Trung tá Trần Văn Hiệp và các đồng đội đều cảm thấy tự hào khi là đơn vị đầu tiên sử dụng Su-30MK2 được đại tu bằng công nghệ trong nước. Không những thế, Việt Nam còn là một trong 4 nước trên thế giới có thể đại tu Su-30MK2, bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và sau đó là Việt Nam. 

Phó Trung đoàn trưởng Quân huấn Trung đoàn 923 cũng cho biết, khí tài sau đại tu bảo đảm được các tính năng kỹ thuật như ban đầu, tính đồng bộ cao, khả năng điều khiển hoàn hảo.

Sau khi chuyển sân trở về đơn vị ngày 25/10, máy bay lập tức được đưa vào huấn luyện và trực ban, sẵn sàng chiến đấu.

Tiết kiệm thời gian và ngân sách

Theo hãng thông tấn Interfax, Việt Nam đã đặt hàng tổng cổng hơn 30 chiếc Su-30MK2 từ Tập đoàn Sukhoi và Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Nga (Rosoboronexport) . Những chiếc Su-30MK2 của Việt Nam đều do nhà máy Komsomolsk-on-Amur Aircraft Production Association (KnAAPO) sản xuất.

Trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2016, Sukhoi và Rosoboronexport đã chuyển giao cho không quân Việt Nam toàn bộ số Su-30MK2 theo hợp đồng.

Sau hơn 10 năm đưa vào khai thác sử dụng, máy bay Su-30MK2 của không quân Việt Nam bước vào giai đoạn đại tu nhằm đảm bảo hệ số kỹ thuật của khí tài phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Việc làm chủ quy trình đại tu dòng tiêm kích hiện đại này được xem là bước đột phá mang tính chiến lược của Nhà máy A32 nói riêng và Quân chủng nói chung, góp phần tiết kiệm đáng kể ngân sách cho Nhà nước và Quân đội.

Tiêm kích Su-30MK2 như mới sau khi Việt Nam đại tu, chỉ 4 quốc gia làm được - 5

Trên thế giới hiện nay chỉ có 4 nước sửa chữa được máy bay Su-30MK2, bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, sau đó là Việt Nam.

Trước đây, quá trình sửa chữa và tăng hạn sử dụng các dòng máy bay chiến đấu như Su-30MK2, Su-27 của Việt Nam thường phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Bước tiến mới trong nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ sửa chữa máy bay thế hệ mới giúp Quân chủng chủ động trong việc đại tu các dòng máy bay, rút ngắn được thời gian sửa chữa và nguồn vật tư, linh kiện thay thế.

Trên thế giới hiện nay chỉ có 4 nước sửa chữa được máy bay Su-30MK2, bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và sau đó là Việt Nam. Theo Nhà máy A32, Việt Nam đã làm chủ được trên 80% quá trình đại tu Su-30MK2 và không cần gửi đi nước ngoài để thực hiện.

Sau gần 2 năm sửa chữa, việc đại tu chiếc Su-30MK2 đầu tiên hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo tham số kỹ thuật, được nghiệm thu và thực hành bay thử. Sau khi bay thử thành công, Nhà máy sẽ làm các thủ tục bàn giao chiếc máy bay cho đơn vị.

Việc đại tu giúp tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-30MK2, đánh dấu mốc quan trọng, sự tiến bộ vượt bậc trong thực hiện dây chuyền công nghệ sửa chữa của Nhà máy A32. Đây là cơ sở để Nhà máy tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay phản lực chiến đấu; bảo đảm kịp thời cho các đơn vị Không quân huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Tiêm kích Su-30MK2 như mới sau khi Việt Nam đại tu, chỉ 4 quốc gia làm được - 6

Máy bay Su-30MK2 trong ban bay huấn luyện tại Trung đoàn 923.

Su-30MK2 là một trong nhiều phiên bản Su-30 được Tập đoàn Sukhoi phát triển. Ở thời điểm hiện tại, nếu chỉ tính riêng phiên bản Su-30MK2, không quân Việt Nam có số lượng máy bay loại này nhiều nhất thế giới.

Máy bay có chiều dài 21,9m, cao 6,4m, sải cánh 14,7m, có khả năng mang 8 tấn vũ khí. Nhờ khả năng có thể tiếp nhiên liệu trên không, Su-30MK2 có thể mở rộng tầm hoạt động lên tới 8.000km sau 2 lần tiếp nhiên liệu. Khi bay không tiếp nhiên liệu, máy bay có tầm hoạt động 3.000km.

Điểm nổi bật ở Su-30MK2 là khả năng cơ động đặc biệt cao, và có thể triển khai tấn công cả máy bay có người lái và không người lái. Với trang bị hệ thống tên lửa dẫn đường tầm ngắn và tầm trung, những chiếc chiến đấu cơ có biệt danh “hổ mang chúa” có thể tấn công chính xác các mục tiêu mặt đất, mặt nước từ khoảng cách 120km.

Những chiếc Su-30MK có ưu thế hơn các dòng chiến đấu cơ cùng loại về hệ thống radar, đồng nghĩa với khả năng phát hiện được mục tiêu từ trước khi bị đối phương nhận dạng. Ngoài ra, chiếc Su-30MK có khả năng cơ động cao hơn.

Nhờ hệ thống khung được nâng cấp, Su-30MK2 có thể tấn công mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày, đêm.

Máy bay được trang bị 12 điểm cố định dưới bụng để gắn vũ khí, với trang bị hỏa lực rất đa dạng, từ các tên lửa dẫn đường không đối không, không đối đất, tên lửa không dẫn đường, bom định vị, bom thông thường, bom chùm. Ngoài ra, máy bay còn được trang bị pháo tự động 30mm.

Nhóm Phóng viên
Bình luận
vtcnews.vn