Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND 2 tỉnh này chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT và Bộ Tài chính có biện pháp để ổn định thị trường đất đai, ổn định tâm lý của người dân, tránh nguy cơ "vỡ trận" như báo chí phản ánh.
Trước đó, nhiều báo đã có bài phản ánh về việc "sốt" giá đất ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Tại 2 tỉnh thành này đã và đang xảy ra tình trạng sốt đất đột biến. Thị trường bất động sản ở đây được nhiều chuyên gia đánh giá là đang rất phức tạp, nguy cơ dẫn đến một kết cục xấu là sốt ảo, vỡ trận khiến giới đầu tư lãnh đủ.
Tại Đà Nẵng, có rất nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản tiến hành rao bán bất động sản khi chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định pháp luật.
Qua kiểm tra, đa số các chủ đầu tư chưa ký kết hợp đồng mua bán bất động sản (có sẵn hoặc hình thành trong tương lai) mà thực hiện việc ký hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ với khách hàng với đầy đủ các nội dung như một hợp đồng mua bán bất động sản (như đặc điểm bất động sản, tiến độ nộp tiền, …), sau đó khách hàng này tiến hành “chuyển cọc” qua nhiều khách hàng thứ cấp để “hưởng chênh lệch”.
Chính điều này đã đẩy giá đất lên cao. Giá tăng sốc nhất có lẽ phải kể đến khu vực xã Hòa Tiến. Tại vùng quê này, cò đất, giới đầu cơ len lỏi khắp từng con đường bê tông để hỏi mua đất. Hiện giá mỗi thửa đất 100 m2 đang có giá gần 1 tỉ đồng tùy theo khu vực như gần trường học, ủy ban…, gấp hơn 5 lần trước Tết Kỷ Hợi. Đối với các thửa đất 200 m2 giá bán đã lên đến hơn 1,6 tỉ đồng
Ngoài ra, giá đất nền tại các dự án đô thị khu vực Quảng Nam (Điện Nam, Điện Ngọc thuộc thị xã Điện Bàn) cũng tăng rất mạnh so với năm ngoái. Bình quân, giá đất tăng từ 300 đến hơn 1 tỷ đồng/lô tùy vào vị trí.
Bình luận