• Zalo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nhân lực ngành du lịch đang thiếu và yếu

Thời sựThứ Bảy, 13/04/2019 08:01:00 +07:00Google News

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguồn nhân lực hiện nay còn thiếu và yếu là một trong những nguyên nhân khiến ngành du lịch Việt Nam bị kìm hãm phát triển.

‘Khát’ nhân lực chất lượng

Tại Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mặc dù có nhiều thế mạnh và điều kiện thuận lợi, nhưng thực tế khi so sánh với các quốc gia đi đầu trong khu vực, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Theo Thủ tướng, lý do bất cập khiến ngành du lịch bị kìm hãm phát triển, đó là ngoài việc hạn chế về cơ sở hạ tầng do phát triển chưa đồng bộ, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường, chưa đưa yếu tố phát triển bền vững lên hàng đầu… thì nguồn nhân lực còn thiếu và yếu cũng là vấn đề mà ngành du lịch Việt Nam đang vướng phải.

Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 100 cơ sở đào tạo hệ đại học, cao đẳng ngành du lịch trên toàn quốc, thế nhưng trên thực tế ngành vẫn đang rất “khát” nhân lực lành nghề, chất lượng cao.

Cụ thể, theo Thủ tướng mỗi năm toàn ngành du lịch cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Chỉ tính riêng ở TP.HCM, ngành du lịch hiện có trên 140.000 lao động, trong đó 90% đã qua đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và 10% dưới sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo.

dien-dan-nguon-nhan-luc-thu-tuong

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn du lịch tổ chức tại TP.HCM. 

“Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng... nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung về kỹ năng, ngoại ngữ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM, tính đến 2018, TP.HCM hiện có hơn 5.000 hướng dẫn viên du lịch đang hành nghề đã được cấp thẻ.

Tuy nhiên thực tế hiện nay có tới 30 - 45% hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM không đạt chuẩn ngoại ngữ, đặc biệt trong đó một số ngôn ngữ như Nhật, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga.

“Trong khi thị trường du khách quốc tế đến từ các quốc gia khác nhau đến TP.HCM tăng đều qua các năm thì số lượng hướng dẫn viên quốc tế đa dạng ngoại ngữ lại tăng không tương xứng. Điều này tạo ra một rào cản rất lớn cho việc tiếp cận các thị trường tiềm năng cho du lịch thành phố.

Với số lượng nhân lực đào tạo chỉ đáp ứng 60% nhu cầu thực tế, đây rõ ràng không chỉ là sự cản trở cho phát triển du lịch, mà thật sự đã trở thành mối bận tâm của cả các bộ ngành liên quan”, ông Vũ khẳng định.

‘Giải cứu’ ngành du lịch

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, việc chuẩn bị một nguồn nhân lực du lịch giỏi cần được quan tâm đúng mức cả từ phía Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường và toàn xã hội.

“Cần đầu tư vào dàn lãnh đạo mới, có khả năng thích ứng với tốc tăng trưởng nhanh của ngành. Đây là những nhân sự cấp quản lý có khả năng lãnh đạo, bản lĩnh kinh doanh và am hiểu văn hoá toàn cầu.

Chất lượng nguồn nhân lực cần trở thành “cú hích” quan trọng cho sự phát triển của một ngành, của nền kinh tế. Trong thời gian tới, TP.HCM cần đặt mục tiêu hình thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho khu vực phía Nam, cả nước và khu vực”, ông Vũ cho biết.

dien-dan-nguon-nhan-luc-bui-ta-hoang-vu

 Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM.

Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ luôn đồng hành, ủng hộ và luôn lắng nghe, kịp thời phê duyệt các đề xuất, kiến nghị về đào tạo du lịch và giữ nhân tài cho các địa phương, các Sở, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

“Nguồn nhân lực hiện tại đáp ứng bao nhiêu phần trăm về lượng và về chất để đến năm 2020 Việt Nam phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, và đóng góp trên 10% GDP?

Các cơ sở đào tạo ngành du lịch đã làm gì để nguồn nhân lực du lịch đạt chuẩn quốc tế? Các doanh nghiệp trong ngành du lịch có nhận thức được sâu sắc vai trò xã hội và phối hợp tạo điều kiện thực hành và hỗ trợ đào tạo để phục vụ cho chính mình?

Các sở, ban, ngành có kịp thời nắm bắt các khó khăn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho cơ sở đào tạo trên địa bàn? Chế độ đãi ngộvà lương thưởng đã tương xứng và đủ thu hút cho nhân lực ngành du lịch?

Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành, cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương cần làm gì để mỗi người dân Việt Nam trở thành một đại sứ du lịch?

Video: Lý Sơn sẽ trở thành khu du lịch quốc gia?

Đó là những vấn đề mà tất cả chúng ta trong vai trò của mình phải suy nghĩ, nỗ lực tập trung nguồn lực hợp tác và có hành động cấp thiết”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GD&ĐT cần phải nhân rộng điển hình các trường đại học có mô hình đào tạo tiên tiến, hiệu quả, và chất lượng cho nguồn nhân lực du lịch.

Đồng thời, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch, Bộ GD&ĐT phải luôn sâu sát, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện phát triển cho từng địa phương, chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH chú ý đến chính sách thu nhập và đãi ngộ cho nhân lực du lịch và giáo dục.

Thủ tướng cũng đồng thời lưu ý đến TP.HCM cần phải tiếp tục đi đầu cả nước về công tác phối hợp và liên kết các bên liên quan trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch một cách hữu hiệu nhất trong trục thu hút - đào tạo - cung cấp nhân lực du lịch.

Cao Linh
Bình luận
vtcnews.vn