• Zalo

Thủ tướng: Chính phủ sẽ tạo cơ chế để làng gốm Bát Tràng phát triển đồng bộ

Thời sựThứ Tư, 28/03/2018 19:12:00 +07:00Google News

Đến thăm làng nghề gốm cổ Bát Tràng, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện tốt hơn cho làng nghề về cơ chế, chính sách, pháp luật để làng nghề có thể phát triển đồng bộ tốt hơn.

Chiều 28/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới tham quan Triển lãm gốm sứ Bát Tràng tại xã Bát Tràng, (Gia Lâm, Hà Nội). Đây là một trong những địa danh nổi tiếng nhất của Thủ đô và cả nước từ hàng trăm năm nay về nghề gốm sứ.

Tham quan triển lãm và gặp gỡ các nghệ nhân làm gốm, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện tốt hơn cho làng nghề về cơ chế, chính sách, pháp luật để làng nghề có thể phát triển đồng bộ tốt hơn như kiến nghị của xã Bát Tràng.

thutuong2

Thủ tướng đã dự khai mạc triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm sứ tiêu biểu, văn hóa, du lịch Bát Tràng 2018. (Ảnh: VGP)

“Chủ trương hiện nay rất đúng nhưng còn bất cập trong việc cụ thể hóa để mỗi làng một nghề, nhất là những nghề truyền thống quý báu. Bát Tràng là tượng trưng cho làng nghề truyền thống, cho nên vấn đề tôn vinh nghệ nhân, xây dựng làng nghề, đào tạo bồi dưỡng nghệ nhân là rất quan trọng. Đất đai, nguyên liệu là một phần, nhưng cần bàn tay khối óc để có mẫu mã đẹp, sản phẩm tốt, ra thị trường tốt”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng lưu ý cần phải quan tâm bảo vệ môi trường và quan tâm đến thị trường, trong đó chú trọng phát triển, hợp tác với các nhà tiêu thụ, phân phối.

Thủ tướng cho biết: “Tôi được các đồng chí cho xem, tặng một bình men sứ Bát Tràng mà ai cũng trầm trồ khen ngợi không biết làm ở đâu mà đẹp thế. Cái đó ít có trên thị trường lắm. Cho nên vấn đề mẫu mã, vấn đề cải tiến kỹ thuật rất quan trọng.

Mong rằng các nghệ nhân, các nhà thiết kế sản phẩm thấy được cái này và nên tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng để có sản phẩm phong phú hơn. Và chúng tôi đề nghị với huyện Gia Lâm và UBND TP Hà Nội gắn làng nghề Bát Tràng với du lịch Việt Nam”.

“Bây giờ có hàng triệu khách đến Hà Nội thì tỉ lệ đến Bát Tràng là bao nhiêu? Khách đến đây tham quan, mua sản phẩm, chúng ta phải có bao bì đẹp để khách hàng mang sản phẩm về, trong nước cũng như ngoài nước. Khâu quảng bá này rất quan trọng”, Thủ tướng nói.

Xã Bát Tràng có hai thôn cùng có nghề gốm sứ truyền thống là Giang Cao và Bát Tràng. Đình làng Bát Tràng là địa chỉ văn hóa tâm linh nổi tiếng bởi là nơi còn lưu giữ 44 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam, phong thần cho Thành hoàng làng và nhiều câu đối cổ về làng nghề như "Bồ di thủ nghệ khai đình vũ/Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần" nghĩa là đưa nghề từ làng Bồ ra, xây dựng đình, miếu. Lòng dân thành kính tựa hương lan dâng lên cúng tạ thánh thần.

Sản phẩm làng gốm Bát Tràng rất phong phú, đa dạng tuy cùng chất liệu là đất nung, nổi tiếng hơn cả là gạch và gốm. Cùng với gạch Bát Tràng, đồ gốm Bát Tràng cũng nổi tiếng trong cả nước và quốc tế. Gốm bát Tràng có nhiều kiểu dáng, chủng loại, kích thước, phân loại theo chức năng như đồ thờ cúng có lư hương, chân đèn, chân nến, phù hương, nậm rượu, chóe… Đồ gia dụng có bát, đĩa, ấm chén, vò, lọ, chậu…

Gốm Bát Tràng được sản xuất bằng tay trên bàn xoay thủ công, kiểu be trạch do đó xương gốm dày. Sau này với kỹ thuật in trên khuôn gỗ và đổ dót vào khuôn thạch cao với dòng men cổ như men lam, nâu, rạn đặc trưng cùng các họa tiết trang trí như hoa, lá, dây, chim muông phù hợp với từng loại sản phẩm. Dòng gốm cổ Bát Tràng được lưu giữ và trưng bày tại nhiều bảo tàng trong nước và quốc tế, được giới chơi đồ cổ sưu tập, sở hữu và rất có giá trên thị trường.

L.Thủy
Bình luận
vtcnews.vn