Video: Hàng quán đóng cửa, dân quanh Công ty Rạng Đông thi nhau bán nhà
Hơn 10 ngày xảy ra vụ cháy tại Công ty Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội), đến nay, con phố Hạ Đình và ngõ 342 phố Khương Đình không còn tấp nập cảnh mua người bán như trước. Nhiều cửa hàng, văn phòng và người dân ở chung cư đưa gia đình di tản đến nơi ở mới để tránh môi trường ô nhiễm.
Len lỏi trong không khí vẫn là mùi khét tựa như mùi nhựa cháy, hóa chất của bệnh viện, nhưng điều khiến mọi người khiếp sợ hơn cả là thủy ngân phát tán trong không khí. Từ ngoài đường đến vào trong nhà dân, nhiều người phải đeo khẩu trang đế tránh thứ hóa chất nguy hiểm này.
Buôn bán tiêu điều, hiu quạnh
Gia đình anh Trần Văn Minh (SN 1989, trú tại ngõ 342 Khương Đình) vẫn chưa thể quên được khung cảnh vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra ngày 28/8.
"Khi xảy ra vụ cháy, tôi chạy lên sân thượng tầng 3 lấy đồ đạc thì khói độc khiến tôi cảm thấy rất khó chịu. Đúng lúc này, cánh cửa phòng tích điện bị đóng sập lại. Tưởng chừng tôi đã chết ở nơi đó nhưng may mắn cửa vẫn mở được và tôi chỉ kịp mang chiếc laptop chạy vội xuống nhà”, anh Minh chia sẻ.
Vụ cháy thiêu rụi nhiều đồ đạc trên sân thượng tầng 3 nhà anh Minh như điều hòa, máy giặt… cùng với đó là tường nhà bị rạn nứt khiến cả mọi người không ai dám ngủ lại.
“Ba ngày sau vụ cháy, gia đình tôi thuê nhà nghỉ để ở, sau đó thì tôi mới tìm được một căn nhà trọ với giá thuê 5 triệu đồng/tháng. Cửa hàng của nhà tôi giờ đóng cửa suốt, khi nào có khách gọi mua hàng thì mới về nhà bán hàng”, anh Minh chia sẻ.
Cũng chung hoàn cảnh như gia đình của nhà anh Minh, nhiều cửa hàng, văn phòng phải chuyển địa điểm đến nơi khác.
Chị Lan Hương, một người dân chia sẻ, gia đình chị sống tại phố Hạ Đình đến nay đã 10 năm. Nơi đây, trước khi xảy ra vụ cháy thường rất nhộn nhịp, đông đúc người qua lại vì có đông công nhân của ba công ty như công ty Rạng Đông, công ty may, công ty giầy.
“Thường thường vào buổi sáng, đường ở đây ách tắc hết vì công nhân đi làm, rồi người đi xe máy tránh ách tắc ở đường Nguyễn Xiển vào ngõ ngách xuyên sang đây. Nhưng giờ đây thì đường phố vắng tanh như chùa Bà Đanh, nhiều cửa hàng đóng cửa, dân bán hàng ở chợ cóc cũng nghỉ”, chị Hương chia sẻ.
Với vẻ mặt âu sầu, bà H. bán hàng rong hoa quả ở phố Hạ Đình cho biết, từ ngày xảy ra vụ cháy, việc buôn bán giảm đến một nửa. Tuy nhiên, có một điều khiến bà bức xúc khi nhiều người hiểu sai về những khuyến cáo của chính quyền, ảnh hưởng đến kinh doanh không chỉ của riêng bà mà còn cả nhiều người khác.
“Chính quyền khuyến cáo rằng không ăn thực phẩm nuôi trồng trong vòng bán kính 500 mét. Tuy nhiên, nhiều người lại không mua đồ ăn ở đây nữa, trong khi những nơi đây có ai nuôi trồng được thứ gì đâu mà toàn phải đi nhập từ nơi khác về kinh doanh”, bà H nói.
Nhiều người dân cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra mức độ ảnh hưởng đến môi trường từ vụ cháy để mọi người không hoang mang, tránh tình trạng nhà có không dám ở và phải di tản đến nơi khác, kinh doanh thì tiêu điều, ế ẩm buộc phải nghỉ bán hoặc cầm cự qua ngày.
Gần 90% dân chung cư Hạ Đình di tản
Nằm cách Công ty Rạng Đông một bức tường gạch với hàng cau xanh là khu chung cư 54 Hạ Đình. Từ ngày xảy ra vụ cháy đến nay, gần 90% cư dân chung cư Hạ Đình phải di tản đi nơi khác.
Gia đình anh Đinh Ngọc Tiệp (37 tuổi, trú tại dãy 105) chuyển một số đồ đạc cá nhân về nhà bố mẹ đẻ ở phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sau ba ngày xảy ra vụ cháy. Cuộc sống thường ngày của bốn người trong gia đình anh bị đảo lộn hoàn toàn.
“Bình thường hai đứa con nhỏ nhà tôi (một cháu học lớp 1, một cháu học lớp 4) được đưa đi học vào khoảng 7h sáng. Tuy nhiên, từ khi gia đình tôi chuyển sang quận Bắc Từ Liêm, cách trường học khoảng hơn chục cây số thì hai vợ chồng phải đưa các cháu đến trường từ lúc 6h mới không bị muộn học”, anh Tiệp chia sẻ.
Sau khi đưa các cháu đi học, đến trưa, sau giờ tan ca tại công ty thì anh Tiệp lại tạt qua phòng để nghỉ ngơi và cũng đề kiểm tra đồ đạc. Người dân ở chung cư nơi đây đã di tản đi nơi khác đến gần 90%.
“Những kẻ lạ mặt gõ cửa phòng để xem có ai ở nhà không, nếu có thì chúng sẽ nói là đi tìm thú cưng, còn không thì những kẻ này mở khóa cửa để trộm cắp đồ đạc. Vì vậy, quản ly tòa nhà đã phải tăng cường lực lượng an ninh ngay dưới sảnh tầng một”, anh Tiệp nói.
Đứng từ căn phòng của gia đình anh Tiệp có thể nhìn thấy toàn cảnh khu nhà xưởng của Rạng Đông bị cháy. Từ ngày xảy ra hỏa hoạn đến nay, anh luôn phải đóng kín cửa và bật điều hòa trong phòng, vì lo sợ khí độc vào nhà. Cùng với đó là nguồn nước sinh hoạt thì anh phải mua bình nước khoáng để về nấu ăn.
“Ban quản trị tòa nhà cũng đã phải thau rửa bể ngầm và ở trên tầng thượng của tòa nhà, tuy nhiên, gia đình tôi vẫn lo sợ vì nguồn nước máy có thể vẫn không đảm bảo an toàn”, Anh Tiệp nói.
Ông Đoàn Văn Tiến, thành viên trong Ban Quản trị chung cư 54 Hạ Đình cho biết, có gần 90% hộ dân tại 2 tòa chung cư (A1 và A2, mỗi tòa 14 tầng) dọn đi, khiến nơi đây giờ vắng vẻ, hiu quạnh.
“Mỗi tầng giờ chỉ còn một hai, hộ bám trụ lại và chỉ toàn người già bám trụ lại để trông nhà, còn con cháu thì di tản hết. Các văn phòng cũng chuyển địa điểm sang nơi khác, các trường mầm non cũng đóng cửa im lìm”, ông Tiến chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn An một nhân viên văn phòng có trụ sở ở chung cư 54 Hạ Đình cho biết, văn phòng anh ở sát vách tường với công ty Rạng Đông, đến nay, mùi khói khét lẹt vẫn quẩn vào phòng nên buộc văn phòng phải chuyển đi nơi khác.
“Hôm nay chúng tôi đến đây để chuyển nốt đồ đạc đến địa điểm mới, có nhiều văn phòng khác đã chuyển đi từ lâu rồi”, anh An chia sẻ.
Bình luận