• Zalo

ĐBQH chỉ rõ kẽ hở luật pháp khiến tội phạm Trung Quốc ngang nhiên lộng hành

Thời sựThứ Tư, 25/09/2019 07:38:00 +07:00Google News

ĐBQH Lê Thanh Vân chỉ rõ những kẽ hở luật pháp cần được rào chắn lại chặt chẽ để ngăn sự lộng hành của tội phạm Trung Quốc ở Việt Nam.

Thời gian qua, liên tục những vụ người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc phạm tội ở Việt Nam cho thấy công tác quản lý người nước ngoài ở các địa phương còn nhiều kẽ hở, để tội phạm nước ngoài lợi dụng, gây án.

Trả lời VTC News, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Ba Lan cho rằng, tình trạng phạm tội của người Trung Quốc ở Việt Nam đến mức báo động và đến lúc chúng ta phải rào chắn lại những kẽ hở luật pháp để ngăn chặn những công dân "hạng loại" của nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

le thanh van

ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Ba Lan

- Dự luận đang rất bức xúc trước tình hình tội phạm Trung Quốc đang ngày càng lộng hành ở Việt Nam và ngang nhiên hoạt động dưới nhiều hình thức, thưa ông?

Có thể nói tội phạm người Trung Quốc ở Việt Nam đã đến mức báo động. Họ đã len lỏi vào tất cả các vi phạm pháp luật, từ hình sự, hành chính, kinh tế, dân sự, ngày càng phát hiện ra nhiều những vi phạm của người Trung Quốc ở Việt Nam.

Dư luận bức xúc với rất nhiều vụ việc gần đây như vụ tổ chức đánh bạc ở khuôn viên Our City (Hải Phòng) do Trung Quốc đầu tư, đến mức mà chính quyền không được vào khu họ cư trú, rồi những vụ việc xảy ra ở Kon Tum, Đà Nẵng hay những vụ lộng hành trên đường phố, ở trong các khu đô thị…

Đã đến lúc phải có những biện pháp cứng rắn đối với những loại tội phạm này.

- Phải chăng luật pháp có nhiều kẽ hở khiến tội phạm Trung Quốc liên tục gia tăng và ngày càng lộng hành?

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể nói đến việc kiểm soát nhân thân của những khách du lịch, xuất khẩu lao động của Trung Quốc, trong quan hệ thương mại, kinh tế, giao dịch, sinh hoạt còn nhiều kẽ hở.

Thứ hai là giới hạn về hành xử của người nước ngoài ở Việt Nam. Pháp luật Việt Nam chưa có những quy định chặt chẽ, chưa có những chế tài đủ sức răn đe.

le thanh van 3 7

le thanh van 3 7

Có những kẽ hở về pháp luật mà chúng ta cần phải rào chắn lại cho chặt chẽ, để ngăn chặn những hành vi phạm tội của người nước ngoài ở Việt Nam

Đại biểu Lê Thanh Vân

Đương nhiên, những người nước ngoài đến Việt Nam không chỉ là người Trung Quốc, còn những công dân ở nước khác (như ở các nước châu Phi) sang đây lợi dụng du lịch ở lại làm ăn, rồi phạm pháp rất nhiều, nhưng nhiều nhất vẫn là người Trung Quốc.

Có những kẽ hở về pháp luật mà chúng ta cần phải rào chắn lại cho chặt chẽ, để ngăn chặn những hành vi phạm tội của người nước ngoài ở Việt Nam.

- Những kẽ hở pháp luật đó là gì, thưa ông?

Cần phải kiểm soát được ở chỗ nhập cảnh. Ở đây phải có sự phối hợp giữa cảnh sát, cơ quan công an của Việt Nam với các tổ chức cảnh sát quốc tế và các quốc gia ký đối tác với Việt Nam. Có thể phải kiểm soát hồ sơ, nhân thân của các đối tượng đến Việt Nam.

Ví dụ như ở Mỹ, khi nhập cảnh thì cơ bản lực lượng an ninh Mỹ đã biết được nhân thân của người đó khi đặt chân vào Mỹ rồi, đối với Việt Nam bây giờ cũng phải hướng tới những quy định chặt chẽ như vậy.

Bất kỳ công dân nước ngoài nào đặt chân đến Việt Nam thì về cơ bản người giữ cửa ngõ nhập cảnh phải biết được những thông tin về họ để có sự ứng xử cho thích hợp.

Bây giờ có hiện tượng “xuất khẩu tội phạm” sang nước khác bằng cách trá hình dưới nhiều hình thức như đi tham quan, du lịch.

Vì vậy, chúng ta phải có sự lường định trước và có quy định chặt chẽ hơn để có ứng xử thích hợp với những công dân “hạng loại” của nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Video: Dẫn độ gần 400 người Trung Quốc rời 'đại bản doanh' cơ bạc công nghệ cao ở Hải Phòng về nước

- Trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH Đà Nẵng mới đây, rất nhiều cử tri đã bày tỏ bức xúc trước vấn nạn tội phạm Trung Quốc ở Việt Nam, đặc biệt nhiều cử tri băn khoăn việc những tên tội phạm này được chúng ta dẫn độ, trao trả cho Trung Quốc?

Thực ra hiệp định hỗ trợ tư pháp giữa nước này với nước khác là trên cơ sở có đi có lại, tôn trọng và bình đẳng, trong đó có vấn đề dẫn độ tội phạm.

Nhưng dẫn độ tội phạm phải hiểu cho đúng nghĩa, đó là khi quốc gia đối tác họ yêu cầu tội phạm đó phải được dẫn độ về quốc gia của họ để xét xử thì mới dẫn độ, còn về nguyên tắc, tội phạm ở đâu thì phải xử lý theo pháp luật ở đó.

Việc dẫn độ gần 400 tên tội phạm đánh bạc ở Hải Phòng là việc khiến người dân băn khoăn, một số lượng tội phạm động đảo, nguy hiểm như thế mà mình lại không xử lý ở Việt Nam mà lại dẫn độ về Trung Quốc.

Chúng ta chủ động trao trả tội phạm về Trung Quốc, trong khi ta hoàn toàn có quyền dùng pháp luật của mình để trừng trị nhóm vi phạm đấy, cho nên có nhiều ý kiến không đồng tình, gây ra dư luận trong nhân dân.

Chính vì vậy trong thời gian tới, khi có vi phạm pháp luật của người nước ngoài nói chung và người Trung Quốc nói riêng ở Việt Nam thì cần phải sử dụng luật pháp của Việt Nam để trừng trị.

Tội phạm vi phạm trên lãnh thổ Việt Nam phải được xử lý bởi pháp luật của Việt Nam.

toi pham trung quoc 4

 

- Để tội phạm Trung Quốc hoạt động manh động, lộng hành như vậy cho thấy công tác quản lý của ta còn nhiều yếu kém, vậy đâu là cơ quan chịu trách nhiệm chính, thưa ông?

Khi người nước ngoài đến Việt Nam vì lý do làm ăn, du lịch hay vì lý do nào khác mà lại vi phạm pháp luật Việt Nam thì trước hết chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Họ sang Việt Nam phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam và người kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của Việt Nam là chính quyền địa phương.

Đương nhiên, người nước ngoài đến Việt Nam thì cũng có quyền tự do của họ, nhưng hành vi của họ vẫn phải tôn trọng văn hóa, pháp luật của Việt Nam.

Các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương phải kịp thời phát hiện xử lý ngay những vi phạm, không để cho họ sử dụng các thủ đoạn lén lút, man trá để lợi dụng các quy định của pháp luật Việt Nam.

Lực lượng công an phải theo dõi kịp tình hình và giám sát chặt chẽ những đối tượng tội phạm, con đường nào dẫn họ sang Việt Nam, lý do sang Việt Nam là gì…

- Việc tội phạm Trung Quốc lộng hành ở Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến trật tự xã hội mà còn đe dọa đến an ninh quốc phòng, thưa ông?

Đúng như vậy, người Trung Quốc sang phạm tội ở Việt Nam không chỉ gây xáo trộn về mặt xã hội với các hoạt động lừa đảo, gian trá trong hoạt động kinh tế, quấy rối về mặt xã hội, các vị trí địa lý mà người Trung Quốc làm ăn còn có những cảnh báo về quốc phòng an ninh.

Phải nhận diện đúng bản chất hoạt động kinh tế, dân sự, du lịch của người Trung Quốc. Đương nhiên về quan hệ ngoại giao với các quốc gia thì ta tôn trọng đúng thông lệ quốc tế, chúng ta cũng hiếu khách nhưng không vì thế bỏ qua những hành vi hỗn xược, vi phạm pháp luật ở Việt Nam được.

Một quốc gia có chủ quyền thì trước hết hệ thống pháp luật ở đó phải được tôn trọng. Người nước ngoài cho dù là nước nào đi chăng nữa, có quan hệ tốt với Việt Nam như thế nào thì đến Việt Nam cũng phải tôn trọng pháp luật Việt Nam, tuân thủ những quy tắc xử sự của người Việt Nam, không được phép vi phạm.

- Ông cho rằng đã đến lúc cần phải áp dụng cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với người nước ngoài ở Việt Nam, đặc biệt là người Trung Quốc?

Chúng ta mở cửa, chúng ta thúc đẩy quan hệ đa phương với các nước nhưng không vì thế mà chúng ta có thể thả lỏng quản lý nhân sự khi họ nhập cảnh vào Việt Nam.

Quy chế luật pháp với người nước ngoài phải bình đẳng, không thiên vị nhưng quá trình nhập cảnh công dân của từng nước chúng ta phải phân loại và phải nhận diện theo từng nhóm một.

Đối với những quốc gia có quan hệ ngoại giao với chúng ta, khi công dân của họ đến Việt Nam thì chúng ta phải lường định được văn hóa ứng xử của họ, hay là mục đích họ nhập cảnh vào Việt Nam để có sự phân biệt đối xử.

Đương nhiên chúng ta lấy cái gốc là bình đẳng và hiếu khách, nhưng chúng ta cũng phải phân biệt được công dân của nước nào có vi phạm pháp luật nhiều nhất để cách giác. Theo cách đó, thời gian qua thống kê các tội phạm nước ngoài ở Việt Nam thì Trung Quốc là nhiều nhất và đây là điểm nhấn mà chúng ta phải lưu ý.

- Phòng ngừa tội phạm người nước ngoài, đặc biệt là tội phạm Trung Quốc đang ngày càng lộng hành ở Việt Nam chắc hẳn sẽ không hề dễ dàng, thưa đại biểu?

Thứ nhất, chúng ta phải xem xét lại những quy định đối với người nhập cảnh vào Việt Nam.

Thứ hai, phải theo dõi và thống kê được những công dân ở quốc gia nào có vi phạm pháp luật nhiều nhất.

Thứ ba, phải tăng cường việc theo dõi và kiểm soát đối với người nước ngoài khi nhập cảnh và Việt Nam để kịp thời phát hiện ra những hành vi vi phạm pháp luật của họ.

Thứ tư, khi có tội phạm xảy ra ở Việt Nam, trước hết phải xem xét lợi ích quốc gia, cân nhắc để quyết định trao trả tội phạm cho quốc gia khác hay là dùng pháp luật của Việt Nam để trừng trị.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn